Mô hình hiệu quả, bền vững, phù hợp với NCT và điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau 11/05/2024 10:59
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HAI tại Việt Nam:
Bà Trần Bích Thủy |
“HelpAge International (HAI) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đồng thời là Ban Thư kí của một mạng lưới toàn cầu gồm 170 tổ chức thành viên ở 90 quốc gia. Với mục tiêu thúc đẩy quyền của NCT, giúp NCT có cuộc sống có phẩm giá, khỏe mạnh và an toàn, HAI triển khai 10 lĩnh vực hoạt động trọng tâm gồm: Hỗ trợ già hóa khỏe mạnh; Nâng cao thu nhập; Tạo dựng một xã hội cho mọi lứa tuổi; Thúc đẩy các thay đổi tốt cho NCT; Thúc đẩy học tập suốt đời; Hòa nhập giữa các nhóm tuổi; Hỗ trợ nhân đạo bao trùm; Nắm bắt công nghệ; Ngăn chặn phân biệt tuổi tác; Ngăn chặn bạo hành, lạm dụng và bỏ bê.
CLB LTHTGN là một mô hình hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Việt Nam, góp phần tích cực thực hiện an sinh xã hội tại cộng đồng, vừa bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Mô hình đã đoạt Giải Nhất hạng mục Sáng kiến dựa vào Cộng đồng của Giải thưởng Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh; được đánh giá là Thực hành tốt trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tuy nhiên, hiện số CLB mới phủ được gần 7% các thôn bản, tổ dân phố nên nhu cầu cần nhân rộng CLB hiện rất lớn. Chính phủ Việt Nam cần có đề án nhân rộng CLB cho giai đoạn sau 2025 nhằm thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình Hành động Quốc gia về NCT giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Ông Bùi Văn Xiển, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Hòa Bình:
Ông Bùi Văn Xiển |
“Từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 146, ngày 9/10/2020 của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình CLB LTHTGN theo Đề án của Chính phủ, trong 3 năm (2021 đến 2023), toàn tỉnh đã thành lập được 68 CLB; trong đó, trong Dự án VIE071 hỗ trợ thành lập 30 CLB, Dự án VIE085 hỗ trợ 9 CLB và ngoài dự án 29 CLB. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 94 CLB LTHTGN và dự kiến trong năm 2024 thành lập thêm 20 CLB, vượt chỉ tiêu đề ra (mỗi năm thành lập ít nhất 15 CLB). Các CLB hoạt động rất tốt, đem lại kết quả rất đáng phấn khởi cho các thành viên CLB và cộng đồng.
Theo chúng tôi, việc lựa chọn địa bàn thành lập CLB là một bài học quan trọng, đòi hỏi sự cẩn trọng và chi tiết từ xác định nhu cầu cho đến quá trình chọn lọc và đánh giá. Hội NCT tỉnh gửi công văn đến UBND và Phòng Dân tộc các huyện dự định sẽ thành lập CLB trong năm để lấy ý kiến và gửi văn bản hướng dẫn triển khai đến Hội NCT huyện. Đây là bước đầu tiên phân bổ số lượng CLB và chọn địa bàn phù hợp nên rất cần sự phối hợp giữa Hội NCT các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận và đánh giá địa bàn một cách cẩn thận. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền cơ sở, thôn, xóm đồng tình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và NCT có nhu cầu, thích thành lập CLB thì sẽ thuận lợi cả về địa điểm sinh hoạt, cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của các cấp các ngành, đoàn thể trong thôn cũng như hưởng ứng tích cực của các thành viên. Tiếp đó, cần tuyển chọn đội ngũ Ban Chủ nhiệm có kinh nghiệm, uy tín, năng lực và sức khỏe. Tiến hành các buổi làm việc, họp dân để tuyên truyền, giới thiệu về mô hình và các quy định liên quan. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hỗ trợ thành viên để họ có đủ năng lực và kiến thức cần thiết tham gia điều hành CLB một cách hiệu quả.
Cuối cùng, sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan là điều cần thiết để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả của quy trình thành lập CLB”.
Bà Trương Thị Hoàn, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hưng Yên:
Bà Trương Thị Hoàn |
“Năm 2023, Hưng Yên là một trong 6 tỉnh được tiếp nhận Dự án VIE085 “Hỗ trợ NCT thiệt thòi thông qua nhân rộng CLB LTHTGN ở Việt Nam” giai đoạn 2. Mặc dù Dự án triển khai chậm so với dự kiến, nhưng Hội NCT tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu với lãnh đạo tỉnh để sớm có quyết định phê duyệt Dự án. Bằng kinh nghiệm của Dự án giai đoạn 1 và những năm trước, Hội NCT các cấp đã tích cực vào cuộc, làm việc trực tiếp với cấp ủy, chính quyền nơi được chọn thành lập CLB để thống nhất địa bàn, dự kiến lựa chọn ban chủ nhiệm và lập danh sách thành viên CLB theo tiêu chí của Dự án. Đến nay toàn tỉnh thành lập được 68 CLB LTHTGN, đây là số lượng hết sức khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên về chất lượng hoạt động của các CLB thì Hưng Yên rất tự tin rằng hầu hết các CLB đều mạnh và rất mạnh (kể cả các CLB trong và ngoài Dự án).
Từ những kinh nghiệm và kết quả của các CLB năm 2023, đến nay 9 CLB mới thành lập năm 2024 của Hưng Yên đã ra mắt và sinh hoạt tháng đầu tiên thành công rất tốt đẹp, đang chuẩn bị kì sinh hoạt thứ 2. Qua theo dõi và đánh giá bước đầu cho thấy cả 9 CLB mới thành lập có nhiều triển vọng tốt hơn các CLB năm trước và hi vọng chắc chắn sẽ là những CLB rất mạnh trong năm nay”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Khánh Hòa:
Bà Nguyễn Thị Hạnh |
“Năm 2021, Khánh Hòa là 1 trong 6 tỉnh tham gia Dự án VIE071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF), quản lí bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và được Tổ chức HAI hợp tác với Hội NCT các tỉnh, thành phố triển khai, với sự hỗ trợ kĩ thuật của Trung ương Hội NCT Việt Nam. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được 88 CLB LTHTGN theo Kế hoạch số 13305 ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh, trong đó 30 CLB thuộc Dự án VIE071. Dự kiến trong năm 2024 - 2025, sẽ thành lập thêm 32 CLB, nâng tổng số toàn tỉnh lên 120 CLB (đạt tỉ lệ trên 90% số xã đồng bằng, trên 30% số xã miền núi), đảm bảo theo kế hoạch UBND tỉnh giao.
Tuy nhiên, việc thành lập và nhân rộng mô hình CLB trên địa bàn toàn tỉnh còn khó khăn. Chúng tôi đề xuất Chính phủ, Hội NCT và các cơ quan chức năng cần có thêm quyết định mới hoặc đề án mới về việc nhân rộng thêm CLB LTHTGN để tiếp tục thực hiện các chính sách và kế hoạch chăm sóc sức khỏe và cuộc sống cho NCT. Đây cũng là sự cần thiết tạo cơ sở pháp lí cho việc huy động nhân lực và tài chính trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt hoạt động chăm sóc NCT, giúp NCT được sống vui, sống khỏe, sống có ích, nâng cao vai trò và vị thế của NCT trong xã hội”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hóa:
Ông Nguyễn Đức Thắng |
“Nếu nói về bền vững thì không thể không kể đến vấn đề tài chính. Ngay từ khi mới thành lập, mô hình CLB được thiết kế để sau 1,5 năm đến 2 năm có thể không phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Dự án. Sau khi thành lập nửa năm đến 1 năm, các CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những cách làm sáng tạo vận động nguồn lực, tổ chức các hoạt động tăng thu nhập tập thể để phát triển nguồn quỹ. Ví dụ: CLB LTHTGN thôn Hưng Đạo, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (thuộc Dự án) đã phát triển chiến dịch “Biến rác thành tiền”, vận động tất cả thành viên thu gom phế liệu tại nhà, đổi ra tiền, nhập quỹ Tấm lòng vàng. Phong trào này dần dần được lan rộng mạnh mẽ, đầu tiên là trong 5 CLB thuộc Dự án VIE071 tại huyện, sau đó đã phát triển mạnh mẽ trong cả 40 CLB thuộc Đề án 400 trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Từ hoạt động hỗ trợ cộng đồng hằng tháng được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao, CLB LTHTGN Thôn 2, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định đã kí hợp đồng với cấp ủy đảm nhận việc chăm sóc đường hoa cây cảnh và được trả 700.000 đồng mỗi năm đưa vào Quỹ hoạt động CLB. CLB LTHTGN thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn đã vận dụng thế mạnh di sản văn hóa phi vật thể “Dân ca Đông Anh” để phát triển mạnh mẽ quỹ hoạt động của CLB thông qua các chương trình tập huấn, giới thiệu di sản đến các đoàn khách tham quan, nghiên cứu như Đoàn chuyên gia văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa Quốc gia...
Đến thời điểm hiện tại, các CLB được thành lập năm 2021 và năm 2022 của Dự án VIE071 đã kết thúc giai đoạn được Dự án hỗ trợ các khoản về theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kì hay khoản hỗ trợ phục vụ sinh hoạt, nhưng các CLB cũng đã có nguồn quỹ vững chắc để tự triển khai, tổ chức và vẫn đảm bảo chất lượng, mang lại nhiều lợi ích cho NCT, người dân và cộng đồng. Với các CLB không thuộc Dự án, hoạt động vận động nguồn lực cũng được triển khai mạnh mẽ từ các nguồn xã hội hóa, nguồn lực địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể hay thành viên tự đóng góp, đảm bảo cho CLB có vốn quỹ vay ban đầu, thu tiền lãi về phục vụ hoạt động CLB. Vì thế nên các CLB ban đầu có quỹ vốn vay ít, chỉ 20 - 30 triệu đồng nay cũng đã tăng lên 50 - 100 triệu đồng”.
Bà Võ Thị Kim Hoa, Phó Trưởng BĐD Hội NCT huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam:
Bà Võ Thị Kim Hoa |
“Thực hiện Quyết định 706 và Kế hoạch 116 của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình CLB LTHTGN, cuối 2022, toàn huyện có 17 CLB LTHTGN và năm 2023 thành lập thêm 10 CLB, nâng tổng số toàn huyện lên 27 CLB LTHTGN. Tổng nguồn quỹ đạt trên 1 tỉ đồng; trong đó quỹ tăng thu nhập 837,4 triệu đồng, đã cho 88 thành viên vay, số tiền 603 triệu đồng. Qua theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo của Hội cho thấy, nhiều nơi, Hội NCT xã tham mưu tốt lãnh đạo UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai hiệu quả; các đảng viên, chi ủy chi bộ đã chung tay góp sức vận động thành viên, duy trì tốt và nâng cao chất lượng hoạt động CLB.
Mô hình CLB LTHTGN khẳng định ý nghĩa nhân văn và hiệu quả tốt với cộng đồng, đã giúp nhiều thành phần yếu thế trong xã hội vươn lên về tinh thần và vật chất; các thành viên được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đều tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ đó, tổ chức Hội ngày càng phát huy được vai trò, thu hút tập hợp nhiều hội viên tham gia. Sự đồng thuận của ý đảng lòng dân rõ nét hơn, nơi nào có CLB hoạt động hiệu quả thì nơi đó hệ thống chính trị vững vàng; kết quả xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đạt hiệu quả cao; kinh tế, chính trị, an ninh trật tự ổn định; tỉ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước… Để hoạt động CLB LTHTGN bền vững, có kết quả cao, đáp ứng việc thực hiện triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, chúng tôi mong các cấp lãnh đạo có sự chỉ đạo thông suốt, thống nhất và tạo điều kiện để Hội NCT huyện tổ chức Hội thi các CLB LTHTGN”.