Vũ Ngọc Giang: Tình đồng đội không thể nào quên
Văn hóa - Thể thao 26/07/2023 09:23
hững năm tháng gian lao, oanh liệt
Gom góp tư liệu, kết nối thông tin tôi biết, ôngVũ Ngọc Giang, sinh ngày 1/1/1950. Tháng 4/1968, ông xung phong đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện, ngày 25/10/1968, ông cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Tháng 2/1969, đến miền Đông Nam Bộ, Vũ Ngọc Giang được bố trí làm xạ thủ pháo 12,8 li, thuộc Đại đội 5 (C5) Z16, Biên Hòa. Từ tháng 2 đến 12/1969, C5 đã bắn rơi hơn một trăm máy bay địch. Từ tháng 1/1970, C5 chuyển giao cho Trung đoàn 10, với phiên hiệu K18. Chỉ tính riêng trong tháng 4/1970 đã trải qua 4 trận hết sức ác liệt, trong đó có trận: Ngày 7/4/1970, đối đầu với F21, C5 bắn rơi 7 máy bay. Vũ Ngọc Giang là xạ thủ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”. Trận 15/4/1970, địch dùng pháo binh, máy bay rải bom xăng, bom phát quang, bom sát thương dày đặc, ta phải ẩn nấp để bảo toàn lực lượng. Tháng 4/1970, địch nắm được thông tin có Đội Văn công về phục vụ Bộ Tư lệnh Miền khu vực Đất Cháy, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Chúng tìm mọi cách với mục đích bắn sống Đội Văn công. Vào lúc 8 giờ ngày 23/4/1970, địch cho pháo binh bắn liên tục nhằm dọn bãi khoảng 30 phút; rồi dùng máy bay “trực thăng bầy” 5 chiếc quần thảo và Đại đội 965 bảo an khét tiếng ác ôn ở Cà Mau đổ bộ, càn quét vào khu vực của ta. Trong suốt 1 ngày, ta và địch quần lộn nhau vô cùng ác liệt, vùng Đất Cháy xơ xác tan hoang. Khoảng 16 giờ ngày 23/4, quân ta đồng loạt xung phong tiêu diệt và bắt sống những tên còn lại. Trong trận này ta đã tiêu diệt trên 100 tên, bắt sống 8 tên, tiêu diệt nhiều máy bay, phương tiện, vũ khí, thu nhiều chiến lợi phẩm. Riêng Đại đội pháo 12,8 li (K18) bắn rơi tại chỗ 8 máy bay địch. Tiểu đội trưởng (khẩu đội trưởng, xạ thủ) Vũ Ngọc Giang được tặng Bằng khen.
CCB Vũ Ngọc Giang tìm đồng đội ở Kiên Giang |
Trận chống càn Đất Cháy đã đi vào trang sử vẻ vang của Quân đội ta. Hiện tấm ảnh của phóng viên chiến trường chụp ảnh đơn vị ngay sau kết thúc trận chiến đấu còn lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 9, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đã có bài hát ca ngợi chiến công trận Đất Cháy, các CCB vẫn còn nhớ. Sau trận này Vũ Ngọc Giang được chuyển làm chỉ huy đơn vị Đặc công.
Tháng 12/1972, Vũ Ngọc Giang là chỉ huy Đại đội đặc công C3, D8, F10; tam ở “Chiến dịch Đồng khởi” chào mừng ngày thành lập Sư đoàn 4, Quân khu 9 đánh địch trên toàn tuyến. Vũ Ngọc Giang được giao nhiệm vụ chỉ huy C3, luồn sâu tiêu diệt đồn 120 trong cụm cứ điểm Bàn Ổi, chỉ sau 5 phút ta đã tiêu diệt cứ điểm 120, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, bắt 5 tù binh, thu nhiều vũ khí. Vũ Ngọc Giang được thay mặt đơn vị nhận Cờ thi đua xuất sắc của Trung đoàn trưởng trao tặng.
Trong suốt 8 năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Vũ Ngọc Giang được tặng 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay, 1 Dũng sĩ quyết thắng cấp 1, nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Đau đáu tình đồng đội
Sau giải phóng, tháng 12/1975, Vũ Ngọc Giang xuất ngũ về địa phương, với thương tật 65%, nhiễm chất độc da cam. Lấy vợ, sinh con và mưu sinh với nhiều nghề khác nhau. Tuy cuộc sống bộn bề, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong thẳm sâu nỗi lòng Vũ Ngọc Giang luôn trăn trở về đồng đội một thời cùng nhau vào sinh ra tử.
Ông quyết định kết nối thông tin, rồi lên đường tìm đồng đội. Trải qua hơn 35 năm, từ 1988 đến nay, ông không quản khó khăn, thiếu thốn, tất bật xuôi ngược Nam - Bắc. Chuyến đầu tiên vào tháng 5/1988, tìm về trận đánh có hơn 360 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 và giao liên hi sinh ngày 3/3/1970, tại Chốt 2, Rừng Tràm, Hà Tiên. Đã viết hàng trăm lá thư gửi cho đồng đội, cơ quan chức năng rất nhiều nơi để kết nối thông tin. Đích thân ông Giang đã 5 lần vào rừng U Minh Hạ để tìm vết tích trận đánh ngày 3/3/1970. Những chuyến đi vô cùng gian nan, khó khăn vất vả, tàu xe, xuồng bè không thuận lợi nhưng không làm nản lòng người CCB, cuối cùng ông đã tìm được đúng địa chỉ.
Vũ Ngọc Giang, bên phải tìm mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang , ngày 26-6-2023 |
Cùng các CCB của Trung đoàn 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9 như: Trần Quang Vân, ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; Nguyễn Lân, ở Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Trần Mạnh Nam, ở Điền Nghĩa, tỉnh Nam Định; Nguyễn Lương, ở Thanh Hóa; Phạm Trung Mạo, ở tỉnh Hải Dương; Châu Thanh, ở TP Cần Thơ; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Minh Kiệm, ở tỉnh Cà Mau; Nguyễn Duy Hạnh, ở tỉnh Thanh Hóa... kết nối và biên tập hoàn thành 6 tập sách, danh sách trên 5.000 liệt sĩ hi sinh trên các chiến trường miền Nam.
CCB Vũ Ngọc Giang đã trực tiếp cùng thân nhân gia đình đưa 12 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Tìm được trên 20 hài cốt liệt sĩ chung đơn vị nhưng chưa xác định rõ danh tính vì khi mất được chôn cất kề nhau, đang xét nghiệm AND. Đã hoàn thành hồ sơ xác minh đồng đội liệt sĩ Nguyễn Văn Xô, nguyên Mũi trưởng của Trung đoàn 10, quê ở Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, hi sinh năm 1974 để được công nhận đúng tên, tuổi, quê quán. Kết nối thông tin trên 200 liệt sĩ cho các thân nhân gia đình biết nơi hi sinh, nơi chôn cất hoặc đã đưa về các nghĩa trang…Tham gia, đóng góp xây dựng Nhà bia vinh danh liệt sĩ, như Bộ lư hương vinh danh 167 liệt sĩ, tại Nhà bia Mỹ Thành, Hòa Thắng, Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; Bộ lư hương tại Nhà bia vinh danh 400 liệt sĩ tại Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, ông còn đóng góp, vận động xây dựng nhà đồng đội, mua sổ tiết kiệm tặng những CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Đại tá Lưu Công Thục, Phó Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 10 tại Phú Yên nói với tôi: “Với Vũ Ngọc Giang là CCB có những điều hết sức đặc biệt, đó là CCB của Trung đoàn 10 còn sót lại sau chiến tranh khá khỏe mạnh cho đến hôm nay, có tấm lòng cao cả vì đồng đội khó ai làm được. Người chỉ huy công đồn giặc giành thắng lợi sau 5 phút nổ súng. Người duy nhất còn sống sót của Đại đội pháo 12,8 li. Người có hơn 35 năm bỏ công của, thời gian, sức lực đi tìm đồng đội”.
Còn ông Vũ Ngọc Giang thì cho hay: “Anh em hi sinh để cứu sống mình. Mình làm được gì cho anh em thì phải cố hết sức mà làm. Cứ mỗi lần tìm thêm được một thông tin mới về anh em là tôi cảm thấy nhẹ lòng”.