Tháng Bảy từ Trường Sơn ra Cồn Cỏ
Văn hóa - Thể thao 29/07/2024 09:53
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. |
Tháng 5 vừa rồi tôi về quê thì được người em ruột anh Chính năm nay đã 73 tuổi đến nhờ tìm kiếm thông tin về liệt sĩ Chính. Tôi nhận lời nhưng quả thực cũng chưa biết nên tìm theo hướng nào, bởi đây là lần đầu tôi làm việc này. Về Hà Nội, tôi bắt đầu tìm kiếm các trang mạng xã hội chuyên hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ và tham gia vào Nhóm Người đưa đò của thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ. Sau khi đăng các thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đức Chính lên trang FB của Nhóm, tôi nhận được rất nhiều tư vấn của các thành viên. Đặc biệt, thầy Nguyễn Sĩ Hồ đã gửi cho tôi một bản trích xuất thông tin và ảnh ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Chính tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Thầy Hồ trao đổi, mộ này chỉ trùng họ tên, không có các thông tin về quê quán, đơn vị, ngày hi sinh nên gia đình liên hệ với Ban quản lí Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để xác minh thêm. Ở Nghĩa trang này có nhiều hài cốt liệt sĩ được quy tập từ Savannakhet (Lào) về, biết đâu đây lại chính là phần mộ gia đình cần tìm.
Thật may mắn, sau đó Hội Cựu chiến binh Trạm A69 Thông tin tổ chức chuyến đi tri ân các liệt sĩ ở Quảng Bình, Quảng Trị vào đầu tháng 7, thế là tôi đăng kí tham gia. Như một cơ duyên, khi tôi đặt vấn đề có việc riêng tìm mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Đường 9, anh Hùng, phó đoàn CCB nói ngay: “Anh yên tâm, tôi đã từng đi tìm người anh vợ là liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang này tương tự như trường hợp của anh. Đến đó, tôi sẽ đưa anh đi”.
Ngày 2/7/2024, Đoàn chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 lúc giữa trưa, cán bộ, nhân viên trong Ban Quản lí đều đã nghỉ, chỉ có vài nhân viên bảo vệ hướng dẫn Đoàn vào dâng hương tại Đài Tưởng niệm. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Hùng bảo: “Chiều và tối nay Đoàn nghỉ lại Đông Hà, anh em mình chiều đến Ban Quản lí Nghĩa trang Đường 9 làm việc”. Quả thực lúc đó tôi mừng muốn nhảy lên vì không nghĩ anh Hùng lại chu đáo với việc riêng của tôi đến thế.
Buổi chiều, hai chúng tôi đến Ban Quản lí Nghĩa trang và tiếp đón thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị tại TP Đông Hà để tìm kiếm thông tin trước. Thấy chúng tôi, cháu Thu Trang, nhân viên của Ban Quản lí vồn vã hỏi: “Các bác có mấy người, có nghỉ lại đây không để cháu xếp phòng?”. Tôi vội nói ngay: “Không, các bác chỉ đến hỏi một số thông tin về liệt sĩ thôi”. Sau khi nghe tôi trao đổi, cháu Thu Trang mở máy tính và lấy ra được những thông tin quý giá. Đó là bản hồ sơ ghi rõ hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Chính được quy tập từ tỉnh Savannakhet (Lào) về Nghĩa trang Đường 9 ngày 16/1/1997, được an táng tại mộ số 3, hàng 1, lô 7B, khu Tổng hợp. Khi tôi hỏi thủ tục xin giám định AND đối với hài cốt liệt sĩ, cháu Trang chụp cho tôi bản tổng hợp các văn bản thủ tục cần làm, dặn dò các bước thực hiện rất tỉ mỉ, chu đáo. Thấy tôi nói quê ở Yên Bái, cháu cho tôi số điện thoại để kết bạn zalo và dặn: “Bác ở xa, không phải vào trực tiếp, cứ trao đổi công việc qua zalo để chúng cháu giải quyết cho đỡ vất vả, tốn kém”.
Mang những thông tin có được từ cháu Thu Trang, chúng tôi trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9. Sau khi đối chiếu lại các thông tin, Ban Quản lí Nghĩa trang Đường 9 cho biết, đến nay chưa có ai đến liên hệ để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ này rồi cử một nhân viên bảo vệ đưa chúng tôi lên mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Chính.
Trong cái gió Đông Hà thổi ràn rạt, tôi đốt mãi mới được bó hương. Giữ lại 7 nén để thắp cho liệt sĩ Nguyễn Đức Chính, số còn lại tôi đưa cho anh Hùng thắp trên các mộ liệt sĩ ở xung quanh. Trước mộ, tôi lầm rầm khấn cầu mong đây chính là mộ của liệt sĩ Nguyễn Đức Chính làng tôi. Tôi xin hương hồn anh linh thiêng phù hộ để việc tìm kiếm phần mộ thuận lợi, giúp gia đình sớm đưa anh về với quê hương bản quán…
Nhìn sang xung quanh, tôi thật xót lòng khi thấy còn rất nhiều ngôi mộ cũng thiếu thông tin như mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Chính. Được biết, trong hơn 11 nghìn phần mộ liệt sĩ được quy tập từ Mặt trận Đường 9 và nước bạn Lào về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, chỉ có 3.227 liệt sĩ có đủ thông tin, số còn lại không có thông tin gì, hoặc thông tin rất sơ sài như chỉ có họ tên, thậm chí có mỗi cái tên.
Đất nước mình trải qua mấy cuộc chiến tranh, theo thống kê chưa đầy đủ đã có 1.146.250 liệt sĩ nằm xuống trên các chiến trường khắp bán đảo Đông Dương. Điều day dứt xót xa nhất là đến nay có đến hơn 200.000 liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 phần mộ liệt sĩ không xác định được danh tính. Đây là món nợ ân tình, là trách nhiệm lớn lao mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tìm mọi cách để đáp đền.
Vẫn biết việc tìm kiếm hài cốt và trả lại tên cho các liệt sĩ trên các phần mộ là một việc rất khó, có nhiều gian nan và lâu dài nhưng không thể không làm. Chính vì vậy, việc tìm mộ liệt sĩ của tôi cũng như các gia đình khác dù mới chỉ lóe lên niềm hi vọng mong manh nhưng sẽ không thể tắt.