Tháng Năm về làng Sen quê Bác
Văn hóa - Thể thao 11/05/2022 09:13
Khi đặt chân đến làng Sen, ngay đầu làng đã xuất hiện một hồ sen tỏa hương thơm ngào ngạt, những búp sen vươn lên trên mặt hồ giống như hai bàn tay úp lại vái lạy trời đất đã ban cho sen một nhân cách, một sức sống mãnh liệt, đó là “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, kiên cường mà khiêm nhường. Đi trong hương sen thơm, giữa làng Sen bình dị, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, một Danh nhân văn hóa thế giới nhưng rất gần gũi mà ấm áp nghĩa tình. Trong tim mỗi người con dân nước Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, ai ai cũng đều nhớ về Bác Hồ bằng cả tấm lòng kính yêu vô hạn.
Bác Hồ về thăm quê năm 1957. Ảnh tư liệu |
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Chính vì vậy mà người Việt Nam một lòng, một dạ “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…” (Tố Hữu). Làng Sen quê Bác, nay đã trở thành “quê chung” của con cháu Lạc Hồng, với những nét đẹp bình dị, dân dã, đậm chất truyền thống của dân tộc Việt Nam, với lũy tre xanh, thân ngay thẳng, dẻo dai, mềm mại, liên kết lại thành lũy, thành khối, rễ đan chặt vào nhau, vững chãi trong lòng đất, cứ thế mà thành bụi, thành bờ, không một thế lực nào có thể xâm lấn, quật ngã được. Cây tre còn là biểu tượng về khí chất của dân tộc Việt Nam. Hoa sen lặng thầm nở trong hồ, giữa bùn đen, nhưng vẫn tỏa ra làn hương thơm dịu ngọt mà ít loại hoa nào có được. Đi giữa làng Sen, ngắm những bông hoa sen nở, lòng ta như lắng xuống, nhớ về Bác Hồ, một con người đã hi sinh trọn cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Hoa sen được người dân Nam Bộ tôn vinh “Tháp mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang). Hoa sen còn là Quốc hoa của đất nước Việt Nam và đã trở thành biểu tượng logo trên máy bay của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines. Bước vào ngôi nhà tranh ba gian của thân phụ Bác, mọi thứ đều mộc mạc, đơn sơ, quen thuộc và gần giũ với người dân khắp mọi vùng thôn quê trên đất nước Việt Nam. Trong ngôi nhà còn lưu giữ chiếc võng gai gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ và chiếc khung cửi của Mẹ Bác đặt ở gian giữa. Người rất đông nhưng cả không gian lặng im, không hề có một tiếng động, ta có cảm tưởng vẫn nghe được cả tiếng thoi đưa dệt vải của Mẹ Bác. Lối vào ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen cũng giống như lối đi vào ngôi nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội, có hai hàng cây dâm bụt được xén gọn, cắt tỉa tăm tắp nở hoa khoe sắc.
Nhà Bác tại làng Sen |
Đây là loài hoa mà cái tên thật thiện căn, bác ái đã gieo vào lòng Bác từ ngày tuổi thơ mới bước đi chập chững đầu đời ở nơi này. Thế mới biết, xa quê đã bao nhiêu năm, sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội nhưng Bác luôn nhớ về mảnh đất nơi Bác sinh ra và lớn lên. Tháng 5 về với làng Sen quê Bác, tôi như được sống giữa ngày hội dân tộc vì được gặp tất cả những người con của dân tộc Việt Nam, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái với nhiều sắc phục, giọng nói mang âm hưởng nhiều vùng miền khác nhau, pha lẫn trong đó có cả du khách nước ngoài xa nửa vòng trái đất cũng có mặt. Bởi làng Sen quê Bác không còn là quê riêng nữa mà đã trở thành quê chung cho mỗi người con đất Việt và cả du khách. Có lẽ trên thế giới ít có vị lãnh tụ nào hội tụ đầy đủ mọi phẩm chất tốt đẹp như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Sáng tháng Năm).
Du khách nên về thăm quê Bác vào tháng 5, khi mùa sen nở rộ |
Tháng 5 về, trong lòng mỗi chúng ta lại càng trào dâng nỗi nhớ Bác, vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã cống hiến, hi sinh hết mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, mang về sự ấm no, hạnh phúc, hòa bình cho Nhân dân. Vậy mà khi vĩnh biệt chúng ta về với cõi vĩnh hằng trên ngực Bác chẳng có lấy tấm Huân, Huy chương nào. Nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Bác ơi!”