Hồ Khanh với hang động Phong Nha
Văn hóa - Thể thao 24/09/2024 11:04
Kì 1: Chuyến đi tìm trầm đáng nhớ
“Mệ” cho rồi đây!
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bên cạnh niềm vui chiến thắng, Nhân dân ta phải đương đầu với biết bao khó khăn vất vả trong những năm tháng khôi phục sau chiến tranh.
Xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có phà Xuân Sơn và đường “20 Quyết thắng” quyết tử trong chống Mỹ cứu nước chạy qua, ba bề bốn bên là núi đá vôi chập chùng bao bọc cũng chịu số phận ấy.
Hồ Khanh và Howard Limbirt. |
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, năm 1990, ông Hồ Khanh lấy vợ. Để tạm có cái ăn, cái mặc trong buổi đầu tách hộ từ cha mẹ ra ở riêng, ông cùng trai tráng trong làng lên rừng đạp trầm. Đạp trầm (từ gọi công việc của người đi tìm trầm) phải xuyên rừng, xẻ rú. Đôi khi lạc đường, ngủ giữa rừng vài ba ngày sau mới tìm được lối cũ. Một tuần, hai tuần và đôi khi ba tuần, lương thực, thực phẩm mang theo đều hết sạch, người đi tìm trầm vác ba lô lép kẹp về không.
Hồ Khanh có vài ba chuyến đạp được trầm thô (loại trầm vỏ), nhưng cũng chẳng bõ bèn gì. Ông nhớ lại: “Vào một buổi chiều, tách bạn, tôi mạnh dạn đạp rừng đi theo một hướng khác. Rừng hoang vắng đến lạnh người. Ý chí “mệ” (từ chỉ thần linh rừng rú mà người địa phương thường dùng) sẽ cho, giục tôi càng dấn bước. Len vào giữa khoảng trống chừng 20m, một bên là núi đá vôi dựng đứng, một bên là bức thạch nhũ cao 3 - 4 chục mét chạy dài, bỗng người tôi thấy mát dịu, bởi một luồng gió mát từ trên vách núi thổi xuống. “Mệ” cho rồi đây! “Mệ” làm tín hiệu gọi mình lên đó rồi đây! Tôi nghĩ vậy và theo hướng có làn gió mát mà tiến tới”.
Khi len vào giữa những hàng cây thẳng tắp, trước mắt là một khoảng trống mờ mờ ảo ảo, ông nhận ra, mình đang đứng trước một cái hang lớn. Tiến sâu vài chục mét, cả một thế giới kì ảo hiện ra trước mắt. Đó là những dòng thạch nhũ trăm hình vạn trạng, lặng lẽ bao đời đông kết lại, rũ xuống. Một con suối róc rách chảy qua. “Ừ thì cũng như hang động Phong Nha quê mình thôi mà!”, ông nghĩ vậy và trở ra. Vì cuộc mưu sinh, ông không muốn tò mò và can đảm tiến sâu hơn, phải đi tìm cánh tay của “mệ”. Chuyến đi ấy lại thêm một lần “âm” nữa.
Chuyện cái hang động kia mờ nhạt dần trong kí ức với cái nghề tìm trầm đãi đằng trong năm tháng. “Tôi đã bỏ nghề săn trầm, trở về làng với mấy sào đất HTX cấp cho và làm thợ phụ hồ đắp đổi tháng ngày”, ông Hồ Khanh trải lòng.
Trở lại hang sau 13 năm
Đoàn thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh trước đó đã có nhiều duyên nợ với mảnh đất Quảng Bình. Chính họ đã tiến sâu, vẽ bản đồ hơn 12 km trong hang động Phong Nha mà du khách hiện nay đến đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa ban cho, vì địa hình hiểm trở đã không thể tiến sâu vào được. Chính họ đã tìm thêm được một số hang động mới ở rừng đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng từ những năm 1990, bổ sung cho bản đồ địa lí về hang động của thế giới.
Năm 2007, khi nghe các vị lãnh đạo ở UBND xã Sơn Trạch cho biết, ông Hồ Khanh phát hiện được một cái hang chưa có tên, đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh liền đến gặp để nhờ dẫn đường. Ông đồng ý. Nhưng, đã hơn 10 năm, rừng nhiệt đới ken dày lớp lớp cây. Hai ngày giữa rừng đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Hồ Khanh không tài nào tìm ra được cái hang động năm xưa mình đã một lần đặt chân đến, khi dẫn một số người trong đoàn đến đây, thất bại và trở về.
Trong chuyến đi ấy, ông Howard Limbirt, Trưởng đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh, với nhạy cảm nghề nghiệp, quan sát địa mạo nơi mà ông Hồ Khanh dẫn đến đã quả quyết với ông rằng: “Ở đây chắc chắn sẽ có một cái hang động lớn”. Thời gian công tác đã hết, Đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh phải chia tay Quảng Bình, chia tay Việt Nam. Trước khi lên đường, ông Howard Limbirt đã dặn dò ông Hồ Khanh: “Ông nhớ tìm cho được nhé. Hai năm sau chúng tôi sẽ trở lại”.
Lời dặn dò, hẹn ước ấy đã thúc giục Hồ Khanh. “Năm 2008, tôi sắp xếp công việc gia đình, thực hiện chuyến đi tìm cái hang năm xưa. Sau một ngày vượt rừng, từ cây số 0 đường 20 Quyết Thắng quê tôi đến ngã ba gần “Hang Tám cô” chừng 2 km, rẽ trái về đường Hồ Chí Minh, xuyên rừng thêm 3 giờ nữa, ước chừng 15 - 20 km, tôi đã đến vùng rừng mà ông Howard Limbirt đã đoán định với tôi rằng, chắc chắn ở đây sẽ có một hang động. Tôi đã quan sát địa hình và quyết định tiến lên phía vách núi đá vôi phía Đông. Thì ra, cái rặng thạch nhũ hàng ngàn năm buông xuống phía trước dãy núi như một tấm bình phong khổng lồ che mất tầm mắt mọi người. Tôi đã lọt vào khoảng giữa bức bình phong và vách núi đá vôi ấy. Tiến thêm khoảng 100m nữa, tôi nhận ra, chỗ dừng chân 13 năm trước của mình, khi đi tìm trầm. “Mệ” cho mình “chộ” của quý rồi đây!”. Tôi nghĩ thế và tiến vào hang. Cả một thế giới huyền ảo trong hang động đang hiện ra trước mắt tôi. Mừng vui đến trào nước mắt, rồi lẳng lặng ra về, đợi chờ ngày tái ngộ của Đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh. Thế là 13 năm, tôi nhẩm tính, mình đã đến nơi mình đã từng đến”, ông Hồ Khanh nhớ lại. (Còn tiếp)