Người lưu giữ hình ảnh làng quê Việt Nam qua nghệ thuật tranh kiếng
Đời sống 30/03/2024 11:00
Xuất phát từ niềm đam mê và năng khiếu vẽ tranh từ nhỏ đã thôi thúc ông theo đuổi con đường nghệ thuật này, gia đình không có truyền thống vẽ tranh kiếng. Năm 1981, ông theo học nghề vẽ tranh truyền thần tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1982, ông đi bộ đội tại chiến trường K, đến năm 1985 xuất ngũ trở về. Sau đó, ông tiếp tục học và vẽ tranh truyền thần, quảng cáo cùng những người bạn tại TP Hồ Chí Minh.
Năm 1986, sau khi lập gia đình và trở về quê hương Cần Đước, ông Nhanh “bén duyên” với tranh kiếng. Ông cho biết: “Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp độc đáo của loại hình nghệ thuật này nên quyết tâm học hỏi và theo đuổi. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và kĩ thuật vẽ tranh kiếng. Dành nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu, trải qua không ít thất bại, dần dần, tôi thành thạo kĩ thuật vẽ và xây dựng được phong cách riêng của mình”.
Vẽ tranh kiếng không đơn thuần là tô màu lên mặt kiếng mà là một quá trình sáng tạo đầy tâm huyết. |
Vẽ tranh kiếng không đơn thuần là tô màu lên mặt kiếng mà còn là một quá trình sáng tạo đầy tâm huyết. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, thể hiện những nét văn hóa và giá trị tinh thần của người dân Nam Bộ. Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như chọn kiếng, vẽ bố cục, pha màu, tô màu, phơi nắng và đóng khung. Trước khi vẽ, ông thường phác thảo bản mẫu trên giấy để điều chỉnh theo đúng yêu cầu của khách hàng từ nền tảng những mẫu tranh truyền thống của Nam Bộ. Được biết, mỗi tuần, ông hoàn thành khoảng 2 bộ tranh kiếng (đối với kích thước thông dụng là 1,2m x 1,7m).
Ông chia sẻ: “Khác với các dòng tranh vẽ trên giấy, tranh kiếng phải vẽ từng màu một. Người vẽ phải tính toán được sự quyện màu sau khi vẽ xong, sau mỗi màu là phải phơi nắng cho khô rồi mới vẽ tiếp. Khi vẽ, nếu sai phải sửa ngay, nếu khô sẽ rất khó sửa và tốn thời gian. Quan trọng là cách pha dung môi với màu vẽ, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tùy theo thời tiết, độ ẩm môi trường, chi tiết cần tô,... để tính toán”.
Được biết, ngoài tranh kiếng ngũ sắc thông thường, ông còn dán xà cừ lên tranh. Ông Nhanh chia sẻ thêm: “Nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận cao độ để bức tranh khi thành phẩm phải có hồn. Vẽ tranh kiếng là vẽ ngược, vẽ mặt sau của tấm kiếng nên người vẽ phải thật sự tập trung. Khó nhất là giai đoạn phối cảnh, làm sao cho bức tranh hài hòa, màu sắc và bối cảnh phù hợp với nội dung. Vẽ sai một chi tiết nhỏ cũng có thể làm hỏng cả bức tranh”.
Ngược dòng lịch sử thời gian, tranh kiếng xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỉ XIX, do những di dân người Hoa truyền bá, xuất hiện trong cung đình Huế từ thời vua Minh Mạng. Đầu thế kỉ XX, dòng tranh này có mặt tại nhiều vùng, miền trên cả nước. Những năm 1940-1950, dòng tranh này có mặt tại khắp các tỉnh Nam Bộ.
Trong hơn một thế kỉ phát triển loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh kiếng nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt tại Nam Bộ, tiêu biểu có các dòng tranh kiếng nổi tiếng, như: Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương; Gò Công, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Bà Vệ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; tỉnh Tây Ninh; tỉnh Sóc Trăng,...
Hi vọng rằng, những người thợ tài hoa như ông Nhanh sẽ truyền lửa cho thế hệ trẻ để tiếng vang của tranh kiếng Nam Bộ trường tồn theo thời gian và giúp tranh kiếng tiếp cận nhiều hơn với xu hướng hiện đại; và với người làm nghệ thuật, đó cũng là niềm hạnh phúc.