Tấm lòng nhân hậu của ông tôi
Tâm sự 09/05/2024 12:14
Thuở bé, mỗi lần được mẹ sai mang cháo sang cho ông ngoại là tôi xung phong đi rất nhanh. Bởi sang nhà ngoại được ông cưng chiều, hái cho những trái cây ông trồng mà tôi rất thích như ổi, mít, xoài,... mang về nhà nhâm nhi mấy ngày mới hết. Những lúc như vậy, mẹ đều dặn tôi: “Nhớ nhắc ông ăn ngay kẻo nguội quá, mất ngon!”. Những tưởng việc làm đó của mẹ tôi là bình thường như bao người con gái khác dành cho cha mình lúc về già. Nhưng sau này lớn lên tôi mới hay ông ngoại tôi không phải là cha ruột của mẹ tôi. Biết được sự thật, tôi càng trân quý tình cảm tốt đẹp giữa ông ngoại và mẹ tôi.
Mẹ kể: “Thời chiến tranh, cha ruột của mẹ tôi tham gia du kích, chẳng may bị địch bắt và xử bắn, khi bà ngoại còn đang mang bầu mẹ tôi. Mẹ tôi sinh ra đã không thấy mặt cha. Thời gian trôi qua, bà ngoại tôi “đi bước nữa” với ông ngoại tôi bây giờ. Ông tôi cũng là người chịu mất mát, đau thương, bởi vợ và con trai của ông mất sớm vì bệnh tật. Hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhau nên hai ông bà đã nên duyên chồng vợ và có với nhau 5 mặt con, cộng thêm đứa con riêng (mẹ tôi) nữa là 6 người. Mẹ thật sự may mắn khi được ông ngoại nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương như các cậu, dì”.
Ảnh minh họa |
Tuy không sinh ra mẹ tôi nhưng ông tôi rất thương mẹ. Ông đã làm tròn trách nhiệm của người cha để bù đắp những thiệt thòi của mẹ tôi ngay từ khi mới chào đời. Mẹ tôi được ông chăm sóc, dành tình yêu thương, nuôi dạy nên người rồi lập gia đình với cha tôi. Ông còn thương luôn cả con rể, truyền nghề đan lát cho cha tôi có thêm “cần câu cơm” nuôi sống gia đình sau khi rời quân ngũ. Kể từ khi anh chị em chúng tôi sinh ra, khôn lớn, trưởng thành luôn cảm nhận được tình thương từ ông ngoại. Trong gia đình có miếng gì ngon, ông đều dặn bà ngoại chừa phần cho mấy cháu. Kể cả những quả ngọt ngoài vườn trồng được, ông không quên tự tay hái và mang sang cho cháu ngoại.
Còn nhớ vào những năm 80 - 90 thế kỉ trước, gia đình tôi rất khó khăn. Cha tôi đi bộ đội, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Mẹ tôi ở nhà một mình nuôi 5 người con đang tuổi ăn học. Đến Tết, đôi khi còn không sắm nổi cho con cái mấy bộ quần áo để đón Tết. Mẹ tôi chưa biết phải xoay xở, lo liệu thế nào để có tiền mua đồ mới cho con. Như đọc được suy nghĩ, lo âu của mẹ, ông ngoại tôi đã dành dụm số tiền ít ỏi từ trước và mua một bộ đồ mới mang sang cho tôi. Lúc đó, tôi chừng 6 - 7 tuổi, vẫn nhớ hình ảnh được mặc bộ quần áo mới ông mua mà lòng vui phơi phới, chạy khoe với bạn bè, anh chị như một niềm tự hào về ông, biết ơn ông.
Thuở ông còn khoẻ, cha tôi vắng nhà, mọi việc cần làm của một người đàn ông trong gia đình, ông ngoại tôi đều cáng đáng thay để mẹ tôi đỡ vất vả. Từ việc làm nhà bằng gỗ, đạp lúa (giẫm lúa) đã gặt bằng chân... . ông ngoại tôi đều giúp mẹ tôi làm, đỡ đần cho con cháu. Nhắc nhớ về ông ngoại, trong kí ức của tôi luôn hiện hữu về người ông hiền từ, chịu khó, chịu khổ, giàu lòng yêu thương con cháu và luôn mang đến những điều tốt lành cho mọi người xung quanh.
Một kỉ niệm nữa khó phai trong tôi về người ông đáng kính của mình. Đó là ông có thói quen hút thuốc lá bằng cây thuốc ông tự trồng. Cây thuốc lá sau khi phơi khô được ông thái lát nhỏ và quấn bằng giấy vở học sinh rồi hút. Ông ngoại tôi lúc ấy tuổi đã cao, mắt không còn tỏ nữa nên mỗi lần hết giấy quấn, ông thường sang nhờ tôi bóc giấy (tách một tờ giấy dày ra làm đôi) cho mỏng để hút được đượm và ngon hơn. Tôi là người khá khéo tay nên được ông tin tưởng nhờ làm. Tôi cũng rất thích được giúp ông việc đó. Sau mỗi lần tách thành công cho ông một xấp giấy, ông không quên thưởng cho tôi một vài món quà nhỏ (cái bánh ngọt hay quả cam... ). Phần thưởng của ông tuy mộc mạc, giản dị nhưng tôi vẫn vui và còn nhớ đến tận bây giờ. Đó là cách động viên trẻ nhỏ làm việc có ích, biết giúp đỡ người khác rất thú vị của ông tôi.
Đến nay, ông đã về miền mây trắng hơn 20 năm nhưng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh về ông. Tôi cũng học được từ ông đức tính nhân hậu, giàu lòng thương người. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thường kể cho con tôi nghe về những kỉ niệm đẹp về ông ngoại, về tình thương mà ông dành cho con cháu như một bài học hay về lòng nhân hậu, bao dung, thông cảm và sẻ chia trong cuộc sống.