Những cuốn sách quý của ông tôi
Tâm sự 16/04/2024 09:38
Ông tôi quý sách lắm. Ông xem sách như người bạn thân thiết của mình. Ông nâng niu từng cuốn sách như những của quý trong nhà. Những lúc rảnh rỗi, ông lại mang sách ra xem. Ông vẫn bảo tôi rằng, sách là người thầy của mình, đến với sách ta có thể học được nhiều thứ.
Tôi nhớ những chiều cuối tuần ông đạp xe lên chợ huyện mua sách. Có những lần ông còn đèo tôi theo. Ông về hưu đã lâu, đồng lương ít ỏi nên cứ tằn tiện chẳng dám chi tiêu gì nhiều. Vậy mà lần nào đến tiệm sách, ông cũng mua bằng được dăm ba cuốn. Có hôm gặp những quyển sách quý, ông mua hết gần nửa tháng lương. Những lúc đó, ông cười bảo cùng tôi rằng, ăn có thể ít một chút nhưng sách hay mà không đọc thì uổng phí quá.
Ảnh minh họa |
Tôi chưa thấy ai chăm chuốt sách cẩn thận như ông. Mỗi cuốn sách mua về ông đều lau chùi, bao bọc kĩ lưỡng. Trước khi đặt sách ngay ngắn lên kệ, ông còn ghi lại trên bìa phụ đôi dòng rồi đóng con dấu mà ông gọi là ấn chương của mình lên. Nhưng không như người khác thường ghi địa điểm, thời gian mua sách, ông tôi bao giờ cũng viết những dòng đầy yêu thương: “Sách này ông dành tặng cháu Ngân”, “Sách này ông thương tặng cháu Hòa”,... Sau này tôi mới hiểu, đây là cách ông gửi lại tình yêu thương cho cháu con và cũng là để nhắc nhở chúng tôi đừng bỏ quên thói quen đọc sách...
Ông thường kể cho tôi nghe về lai lịch của từng cuốn sách. Có cuốn ông được tặng, có cuốn ông mua ở tận trong Nam ngoài Bắc gửi về. Trong số hơn ngàn đầu sách của ông, tôi thấy ông đặc biệt quý những tập thơ đã cũ. Ông bảo, đây là những tập sách đã cùng ông đi qua những tháng năm đánh Mỹ gian khổ. Chính những vần thơ sục sôi lòng yêu nước của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo,... ngày ấy đã tiếp thêm sức mạnh để ông cùng đồng đội vượt lên bom đạn, chiến thắng quân thù. Tôi biết, những tập thơ ấy không chỉ là kỉ vật chiến trường mà còn là những báu vật vô giá về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hào hùng của ông tôi.
Hầu hết sách trong nhà đều do ông chắt chiu từng đồng lương còm cõi để mua. Nhưng ai đến mượn ông đều hào phóng lấy cho. Thỉnh thoảng, có người làm mất, hoặc nhỡ làm rách sách, ông chỉ tiếc nhưng không nỡ trách họ. Ông còn để dành tiền mua bánh kẹo, trái cây để trẻ con trong làng đến nhà ông đọc sách có thêm niềm vui. Nhiều khi, thấy ai thích quá, ông tặng họ luôn cuốn sách ấy. Và không quên đề vào sách những lời chúc đầy trìu mến, yêu thương...
Bây giờ ông tôi mắt kém nhiều rồi. Ông cũng không thể đọc sách nhiều như trước. Nhưng mỗi khi có ai tặng ông một quyển sách mới, ông vui như thể trẻ con được quà. Ông bảo tôi rằng, sách của ông sau này giao lại cho tôi, nếu tôi không muốn giữ thì hãy đem tặng lại thư viện hoặc trường học, đừng bán giấy vụn mà ông dưới suối vàng chẳng được yên lòng...
Tôi tự hứa với lòng mình sẽ phát huy những điều tốt đẹp mà ông trao gửi. Tôi sẽ giữ gìn tủ sách của ông cẩn thận và mua thêm nhiều sách mới, nối tiếp ước mơ của ông làm một thư viện phục vụ bà con trong làng. Giờ đây, niềm vui sau mỗi ngày làm việc bận rộn của tôi là về ngồi pha trà cho ông, trò chuyện cùng ông về những cuốn sách mới và đọc lại cho ông nghe những vần thơ chống Mỹ từng theo bước chân ông băng rừng vượt suối đánh giặc năm nàon