Bà nội của các con tôi
Tâm sự 23/06/2024 10:04
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.
Bởi từ xưa, ca dao đã có câu: Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; để ám chỉ những mâu thuẫn không thể điều hòa nổi giữa mẹ chồng và nàng dâu trong xã hội cũ. Không ít gia đình tan vỡ chỉ vì mẹ chồng quá khắt khe, cổ hủ hay tại nàng dâu đanh đá, quá trớn.
Trong thực tế thì sao, rất may tôi có một người mẹ thứ hai đó là mẹ chồng. Tôi làm dâu của mẹ đến nay đã 20 năm, khoảng thời gian ấy biết bao biến cố xảy ra trong cuộc đời nhưng khắc ghi trong đầu mình về hình ảnh của một người mẹ chồng chịu thương, chịu khó vì con, vì cháu.
Tình cảm bà cháu. |
Năm mẹ 49 tuổi thì bố chồng tôi qua đời, bao nhiêu gánh nặng của cuộc sống đè nặng lên đôi vai của mẹ cùng với đàn con thơ. Lúc đó mẹ tưởng như đất trời sụp đổ vì biết lấy gì để nuôi các con, mẹ lại chẳng có nghề nghiệp gì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mẹ cần mẫn làm việc, chịu khó thức khuya dậy sớm chăm lo cho gia đình trong lúc vắng bóng người đàn ông trụ cột. Nhờ sự chịu thương, chịu khó của mẹ cộng với giúp đỡ của bà con lối xóm, mẹ cũng vượt qua được những năm tháng khó khăn gian khổ ấy, nuôi đàn con thơ ăn học nên người thành tài. Thân hình gầy gò bởi gánh nặng của cuộc sống đã làm mẹ già hơn trước tuổi. Nhìn mái tóc pha sương của mẹ, tôi cảm nhận được nỗi vất vả mà mẹ phải trải qua, nhất là nỗi cô đơn của người phụ nữ không có chồng bên cạnh cuộc đời. Đó là điều sâu thẳm trong trái tim mà tôi cảm nhận được từ mẹ. Tôi thương mẹ nhiều lắm. Nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn hơn mẹ rất nhiều.
Ngày về làm dâu nhà chồng, tôi hết sức bỡ ngỡ trước mọi thứ. Nhà anh đông anh em lại có nhiều mối quan hệ chằng chéo. Chỉ riêng việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình của anh thôi cũng đủ làm tôi đau đầu lắm rồi, vì phải làm thế nào không để mất lòng mọi người mới khó. Mẹ nói: “Thời mẹ làm dâu chịu nhiều khổ cực vì quan niệm mẹ chồng nàng dâu ngày xưa phong kiến lắm, bây giờ mẹ cũng có con dâu, mẹ sẽ không để con phải khổ như mẹ nữa. Mỗi thời mỗi khác, miễn sao con làm tròn bổn phận dâu hiền là được”. Tôi đã rớm nước mắt khi nghe mẹ nói câu này và thấy mẹ là người bao dung độ lượng, có quan điểm tiến bộ.
Thêm một việc nữa mà tôi nhớ mãi khi về làm dâu, nhà mẹ thường xuyên kị giỗ ông bà tổ tiên. Biết tôi chưa rành việc này nên mẹ bảo tôi đi chợ quê cùng mẹ để mua đồ làm giỗ. Mẹ hướng dẫn tôi chọn chuối như thế nào cho đẹp, mua bao nhiêu nải, hương hoa như thế nào, rồi chuẩn bị những món ăn truyền thống làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Sau này ra ở riêng, tôi khuyên mẹ đừng làm gì cho vất vả để các con ra siêu thị mua về cho tiện. Mẹ cười và nói: “Có những thứ mua ở chợ, còn có thứ mình tự làm thì mới ý nghĩa con à.” Và tôi cũng hiểu mẹ muốn nhắn nhủ chúng tôi không bao giờ quên hương vị món ăn truyền thống gia đình dù cuộc sống hiện đại, tiện ích.
Các cụ thường nói “làm dâu trăm họ” quả là không sai! Bát đĩa úp vào nhau còn không tránh khỏi gây ra tiếng động, huống hồ cuộc sống gia đình tránh sao khỏi va chạm, vấp váp. Thế nên, trong những năm đầu mới cưới, vợ chồng tôi bất đồng quan điểm về nhiều thứ. Dĩ nhiên, chuyện “mẹ chồng nàng dâu” không thể tránh khỏi. Từ đó, cuộc sống vợ chồng tôi đôi khi xảy ra tình trạng “chiến tranh lạnh”, tôi rất buồn. Những lúc như thế, tôi thấy mẹ là người khó xử nhất khi đứng giữa con trai và con dâu.
Nhưng rồi cứ mỗi lần như vậy, mẹ đã điều hòa được tất cả. Mẹ chọn một khoảng thời gian thích hợp khi cả hai chúng tôi bớt cơn giận, mẹ phân tích cái sai, cái đúng cho mỗi đứa. Mẹ khuyên anh: “Làm người đàn ông mình nên rộng lượng một chút, vợ con sai chỗ nào thì con cứ nói thẳng cho vợ biết”. Còn đối với tôi, mẹ nhẹ nhàng bảo: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Tôi hiểu được ý mẹ, thế là vợ chồng, mẹ con hòa thuận với nhau, ngôi nhà lại đầy ắp tiếng cười, xua tan không khí nặng nề của những ngày trước đó. Dần dần mẹ và tôi hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Sau những lần như thế, tôi nghiệm ra một điều mà xưa nay người ta thường khuyên nhủ: “Một điều nhịn bằng chín điều lành”. Mỗi khi ai cũng bỏ đi một ít tính cá nhân, hiếu thắng của mình thì mọi chuyện đều thuận lợi, êm đẹp cả.
Từ ngày về làm dâu, tôi học được rất nhiều điều từ mẹ chồng. Bà luôn răn dạy chúng tôi phải yêu thương nhau, đoàn kết, kính trên nhường dưới. Nếu chị em dâu có gì khúc mắc thì phải cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ chứ không được to tiếng. Thực tế, nhiều khi chính mẹ là người hòa giải “giữ lửa” cho gia đình chúng tôi.
Tôi về làm dâu chưa kịp giúp gì được cho mẹ, thì đã bụng mang dạ chửa. Mẹ lo lắng, chăm sóc cho tôi thật chu đáo từ việc ăn uống cho đến kiêng cữ cái gì, tất cả chỉ vì “mẹ tròn con vuông”. Những lúc ốm nghén không ăn uống gì được, mẹ liền nấu cháo và động viên tôi ăn uống nhiều vào để có sức khỏe tốt. Sau khi sinh em bé được 6 tháng, tôi phải đi học cao học ở Huế. Thế là nhờ mẹ vào trông cháu giùm. Nhớ nhất là những lần Huế mưa lụt, nước ngập cả phòng trọ, tôi thì bận bế cháu, còn mẹ lội nước bì bõm gói ghém đồ đạc cho sẵn vào bao nilon vì sợ khuya nước lớn đồ đạc trôi mất. Những khi nghe đài báo bão, là mấy ngày trước đó mẹ tất bật chuẩn bị, đi mua thêm gạo, mì tôm, mì chính nước mắm, đèn dầu... nhất là mấy hũ mắm cà vì trời lụt mà được ăn cơm với mắm cà thì ngon tuyệt.
Khi cháu đầu lòng được hơn một tuổi thì tôi gửi cháu về quê cho mẹ chăm sóc để tiếp tục chương trình học. Mẹ ở nhà vừa làm vai trò người mẹ, vừa vai trò người bà, chăm bẵm cháu từ bữa ăn giấc ngủ cho đến vui chơi, kể chuyện cho cháu nghe... Nhiều lúc tôi trộm nhìn hai bà cháu quấn quýt, trò chuyện bên nhau, đã không giấu nổi niềm hạnh phúc. Trẻ con thì hay hiếu động tinh nghịch, mà bà thì sức khỏe ngày càng giảm sút rất vất vả khi trông cháu. Nhiều người nói đùa: “Tuổi già thì nghỉ ngơi chứ trông cháu làm gì cho mệt”, nhưng bà vui vẻ trả lời: “Giúp được cho con cháu ngày nào được thì giúp, đến lúc không thể thì thôi”.
Bà nội còn là người thầy của các con tôi. Ông cha ta thường nói “trẻ lên ba cả nhà tập nói” hoặc “dạy con từ thuở lên ba”, quả đúng như vậy, lứa tuổi này trẻ hay bắt chước những lời nói của người lớn. Vì vậy, bà là tấm gương sáng cho các cháu noi theo. Bà dạy cho con tôi từ lời ăn tiếng nói cho đến cử chỉ, thái độ. Đơn cử, trước khi đi học, bà bảo cháu vòng tay xin phép: “Thưa bà cho con đi học”. Hoặc khi được ai cho quà thì phải biết nói lời cảm ơn: “Cháu cảm ơn bác ạ!”. Cứ như thế mỗi ngày một ít bà đã hình thành cho các con tôi những phẩm chất giản dị nhất.
Những lúc ngồi chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp về các bà mẹ chồng, các bạn tôi thường kể: “bà mẹ chồng mình khó tính, lúc nào cũng cáu gắt”, có người chia sẻ: “mẹ chồng mình thì chẳng giúp gì cho mình cả, lại còn lắm chuyện. Mình ở nhà một lúc với hai đứa con xoay như chong chóng”. Rồi sau đó chúng bạn quay sang hỏi tôi: “Thế mẹ chồng mày thì sao?”. Chính lúc này, lòng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi có một mẹ chồng thấu hiểu và tâm lí, hoàn toàn trái ngược với những gì về người mẹ chồng mà bạn bè chia sẻ.
Tôi, một người sống trong thời hiện đại có nhiều quan điểm sống khác với người thế hệ trước. Mẹ không những không chê trách, không áp đặt mà còn cảm thông. Mẹ rất tâm lí, bất cứ khi nào có vấn đề gì, hai mẹ con cũng mở lòng tâm sự với nhau, bày vẽ con dâu kinh nghiệm đối nội đối ngoại, việc làng, việc họ. Mẹ đã cho tôi một cái nhìn khác về hai tiếng mẹ chồng. Sống với mẹ chồng lâu, tôi lại càng cảm thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Mai này cuộc sống có ra sao, tình người thay đổi thế nào nhưng hiện tại tôi rất may mắn vì được làm dâu của mẹ. Tôi cảm ơn và yêu mẹ nhiều lắm! “Mẹ tuy không đẻ không nuôi/Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.
Gia đình mẹ chồng tôi là một trong số ít những gia đình “tam đại đồng đường” Ông bà có 7 người con, 5 trai, 2 gái. 20 đứa cháu, chắt của bà, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi, thi cử đỗ đạt. Các cháu lớn đều có công ăn việc làm ổn định. Với bà, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời. Là gia đình có ba thế hệ cùng chung sống nhưng gia đình mẹ chồng tôi luôn yên ấm. Con cháu yêu thương nhau, có việc gì con cháu tụ tập đông đủ chung tay làm. Đặc biệt là 5 cô con dâu của mẹ luôn hoà thuận, thương yêu, chăm sóc bà như mẹ đẻ. Có được điều này là do bà luôn có sự công bằng, khoan dung độ lượng trong đối xử với các con, các cháu.
Để giữ được một gia đình hòa thuận như thế, theo tôi, điều quan trọng trước tiên là vai trò của ông bà, cha mẹ. Ông bà chính là trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình, là tấm gương về đạo đức, lối sống để con cháu học tập và noi theo. Không chỉ đối xử với các con bằng sự độ lượng mà ông bà còn rất công bằng. Nếu không công bằng, con cái nảy sinh mâu thuẫn. Bậc làm ông làm bà phải như chiếc móc xích giữa các thành viên trong gia đình, coi con dâu như con gái, con rể như con trai, gìn giữ nền nếp gia phong của gia đình, có vấn đề gì thì cùng các con tháo gỡ… Có như vậy, ông bà mới phát huy tốt khả năng là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là "sợi dây kết nối" đoàn kết giữa các thế hệ với nhau, góp phần giữ gìn gia đình thuận hòa, êm ấm, xã hội phát triển, bình yên.