Kí ức cùng ngoại
Tâm sự 06/05/2024 09:50
Ngày xưa, tôi sống chung cùng bà ngoại. Cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều người khác trong làng sau giải phóng (1975) gặp rất nhiều khó khăn. Làm đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà cũng không đủ sống. Lúc đó anh chị em tôi còn nhỏ, chưa phụ giúp gì cho cha mẹ. Tôi nhớ gia đình tôi thời đó ăn cơm độn sắn, sắn nhiều hơn cơm. Đến bữa ăn, bà ngoại gắp sắn ra đĩa riêng để ăn, còn phần cơm để lại cho các cháu. Chúng tôi vô tư ăn một cách ngon lành. Lớn lên tí nữa, tôi mới thấu hiểu tình thương của ngoại.
Ngoại tôi rất thương các cháu, luôn có quà mỗi lần đi đâu về, kể cả đi chợ hằng ngày, với những món hàng rất đơn sơ, bình dị: Lúc thì bánh lỗ tai, khi thì kẹo cau,... Mỗi lần thấy đôi quang gánh của bà về ngoài ngõ, anh em chúng tôi ùa ra và nói to: “Bà về rồi, bà về rồi”. Sau đó xúm quanh bà được bà cho quà bánh. Ngoại tôi không chỉ cho các cháu tình thương và những kí ức thật đẹp, mà còn dạy chúng tôi những bài học đầu đời về lòng hiếu thảo, tình yêu gia đình, anh em hòa thuận.
Kí ức về bà ngoại trong tôi nhiều lắm, nhưng đáng nhớ nhất là kí ức ngày Tết với bà lui cui trong bếp lửa, với mùi khói rơm rạ bốc lên bay lơ lửng trên không trung. Góc bếp của ngoại tôi ngày xưa vô cùng giản dị, chỉ là một cái kiềng ba chân, phía trên bếp, ngoại làm thêm một cái giàn bằng tre để chất củi. Mùa mưa củi ẩm ướt có khi khói cay xè mắt ngoại. Xung quanh bếp ngoại treo những hạt giống khô để khi đến mùa ngoại đem gieo hạt. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình tôi thuở ấy. Từ nơi cái góc bếp ấy, ngoại nấu biết bao món ăn ngon, dân dã cho cả gia đình. Góc nhỏ ấy, hết tháng này qua năm nọ đã trở nên quen thuộc làm nên hương vị tuổi thơ, kí ức trong tôi.
Tôi thích cái góc bếp ấy nhất là vào những ngày Tết hay mùa rét. Một khoảng không gian tôi tối mà ấm áp đến lạ thường. Bởi thường có ngoại là có lửa. Tôi là đứa được ngồi bên góc bếp với ngoại nhiều lần nhất. Vì tôi sợ rét, nên mỗi lần ngoại nhóm bếp là tôi bắc cái đòn gỗ ngồi bên cạnh và phụ giúp ngoại đun lửa nấu nước, nấu cám lợn. Đặc biệt đêm Giao thừa, bên bếp lửa nấu nồi bánh chưng sôi sùng sục, ngoại đã khâu lại chiếc áo bông cũ đã sờn và mặc cho tôi. Một sự ấm áp bốc tỏa từ tình thương của ngoại mà tôi cảm nhận được. Tuy không còn mới nữa nhưng nó cũng giúp tôi chống chọi lại giá lạnh của đất trời. Tôi rất thích ngồi ở đấy và ngồi đến bao lâu cũng không thấy chán. Từ nơi góc bếp này, đã dệt lên một kí ức tuổi thơ còn lưu giữ mãi cho đến giờ.
Vào ngày Tết, từ ngày 28 tháng Chạp trở đi, bếp của ngoại đỏ lửa cả ngày. Ngoại lui cui trong bếp làm bao nhiêu món ăn ngày Tết như đỗ mứt gừng, bánh thuẫn, dưa hành, thịt nấu đông,... trong đó, tôi thích nhất là món bánh thuẫn do ngoại làm. Vị bánh này ngoại chỉ làm trong dịp Tết, còn ngày bình thường không có. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản gồm bột, trứng, đường và một chiếc khuôn làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh có hình thuẫn (bầu dục), nên người ta gọi là bánh thuẫn, còn gọi là bánh xoài, thường có từ 10-12 chiếc bánh nhỏ bên trong có thêm họa tiết cánh hoa.
Mỗi lần ngoại làm bánh, chúng tôi vây quanh nồi bánh vừa phụ giúp ngoại vừa ngóng chờ những chiếc bánh ngoại cho. Mùi thơm của bánh làm nức mũi chúng tôi. Đó là cảm giác thật thú vị mà những đứa trẻ nông thôn nghèo như chúng tôi hằng mong chờ mỗi khi Tết đến để được ăn vị bánh này. Sự háo hức chờ đợi ấy còn là sự háo hức đón nhận tình yêu thương của ngoại. Phần thưởng cho chúng tôi sau khi giúp ngoại làm bánh là những chiếc bánh dư sau khi lượng bánh bỏ vào túi ni lông cất để đãi khách mấy ngày Tết. Mặc dù vậy chúng tôi rất vui và phấn khởi. Chỉ có vậy thôi, món bánh quê ngoại làm tuy đơn sơ, giản dị nhưng chứa đựng trong đó là cả tình yêu thương của ngoại dành cho các cháu.
Mùi thơm của bánh thuẫn làm ấm cả gian bếp. Thứ bánh ngoại làm không sang trọng, cầu kì nhưng dường như chứa đầy kỉ niệm. Và nhớ nhất những giọt nước mắt cay vì khói bếp trên gương mặt đen sạm của ngoại. Chất chứa sâu trong những cung vị dung dị ấy còn là tình cảm bà cháu. Tôi dù đi đâu cũng luôn nhớ về góc bếp của ngoại, nơi có hình bóng ngoại bên ngọn khói mỏng manh, hăng hắc làm món bánh tràn đầy hương vị tình thân. Vị bánh ngọt lịm cả tuổi thơ để khi lớn lên vẫn không quên hương vị bánh ấy. Cứ như thế, thời gian cứ mãi trôi đi, anh em tôi lớn khôn sải cánh bay trên đường đời, lập gia đình. Còn ngoại tôi tóc ngày càng điểm bạc và già yếu nhưng kí ức về tuổi thơ với những mẻ bánh thuẫn luôn hiện diện trong kí ức mỗi chúng tôi, nó là địa chỉ tình thương để chúng tôi nhớ về.
Mỗi năm Tết đến, tôi mua nhiều loại bánh về đặt trên bàn thờ ông bà tổ tiên, trong đó có bánh thuẫn. Giờ đây, cuộc sống hiện đại sung túc, được thưởng thức những loại bánh ngon có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, nhưng không hiểu sao mỗi khi như thế trên đầu lưỡi tôi lại dậy về dư vị ngọt ngào, sự thơm thảo của vị bánh quê không nhãn mác của ngoại năm xưa. Hình ảnh ấy trở thành miền kí ức trong sáng, đẹp đẽ và ấm áp của tuổi thơ. Mùi bánh thuẫn đã đánh thức kí ức với ngoại và ấm cúng của gia đình chúng tôi.
Ngoại sống với gia đình chúng tôi đến năm 99 tuổi thì từ giã cõi đời. Cho dù ngoại không còn nữa nhưng tôi cứ nhớ lời ngoại “Ngày Tết luôn đỏ lửa nghe con, nấu bánh chưng bánh tét bằng bếp củi thì bánh mới ngon”. Và tôi hiểu đó là cả thế giới của ngoại, thời thanh xuân của ngoại, nơi ngoại gửi gắm tình yêu, vun vén cho gia đình, để cho anh em chúng tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Sau này tôi mới nhận ra những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời mình đã được khởi lên từ đấy. Bao nhiêu mùa Xuân đi qua gắn với cái góc bếp ấy, cũng là lúc tóc ngoại bạc đi ngày càng nhiều. Vậy mà, tôi vẫn thấy yêu bếp lửa, yêu góc bếp của ngoại như thuở nào và cảm ơn ngoại cho chúng cháu những cái Tết ấm áp.