Chuyện về ông nội tôi
Tâm sự 15/04/2024 10:20
Không chịu được o ép bất công ấy, năm 1944, ông tôi đưa cả gia đình rời nơi “chôn rau cắt rốn” đến cửa sông Bứa, thuộc làng Mỹ Hà, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hành nghề cúp tóc và chèo đò ngang sông kiếm kế sinh nhai.
Cụ Hoàng Thanh Liêm. |
Sau năm 1945, thực hiện bản hiệu triệu của Bác Hồ về chống nạn mù chữ, khuyên người chưa biết chữ phải thi đua đi học, những người đã biết phải thi đua dạy học; kêu gọi mọi người, kẻ giúp của, người giúp công để tiêu diệt “giặc dốt”; ông tôi đã mở lớp “bình dân học vụ” cho bà con các xã ven bờ sông Bứa. Ông dạy không kể sớm khuya, mọi lúc mọi nơi, cứ ai có nhu cầu biết đọc biết viết là ông sẵn lòng giảng dạy. Thế nên sau gần 2 năm đã có hàng nghìn người biết đọc, biết viết, xoá được nạn mù chữ. Ông tôi đã được Nha Bình dân học vụ liên khu 10 tuyên dương Chiến sĩ thi đua diệt giặc dốt.
Năm 1948, bà tôi sinh con thứ 5 không may bị bệnh qua đời, để lại ông một mình nuôi 5 đứa con thơ dại, không nhà không cửa, không một tấc đất cắm dùi. 6 bố con lần hồi rau cháo nuôi nhau bằng hòm cúp tóc của ông và đi mót lúa, ngô khoai.
Thực hiện lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về diệt “giặc đói”, nông dân các tỉnh như Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn Tây... đẩy mạnh trồng lúa, bón phân thâm canh để có lương thực chi viện cho kháng chiến chống Pháp. Thời kì này bà con nông dân nơi đây chưa có thói quen bón phân thâm canh lúa, thế là hằng ngày ông tôi cùng các con đi thu gom phân trâu bò về ủ, đến mùa xới cỏ đem đánh tơi bón cho lúa giúp cho ruộng lúa nhà tôi xanh tốt, trổ bông chắc khoẻ. Thấy vậy, bà con học theo cách ủ phân bón thâm canh như cách ông tôi làm. Ruộng lúa nhà nào nhà nấy đều tăng năng suất, góp phần đóng góp lương thực cho kháng chiến. Tiếng lành đồn xa, ông tôi được Ty Canh nông tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen Chiến sĩ canh nông giỏi toàn tỉnh.
Đầu năm 1954, Trung ương Đảng, Chính phủ huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc này con gái thứ hai ông tôi mới 15 tuổi được ông giao nhiệm vụ ở nhà chăm sóc 3 em, để ông và chị cả 18 tuổi xung phong đi dân công hoả tuyến phục vụ vận chuyển lương thực cho chiến dịch.
Biết ông đi được xe đạp, lãnh đạo dân công giao cho ông và 1 người nữa phụ trách một chiếc xe đạp thồ tải quân lương, đạn dược vượt dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô cho mặt trận. Sau những ngày đêm tham gia chiến dịch, ông cùng đoàn quân chiến thắng trở về và được suy tôn là Chiến sĩ dân công hoả tuyến xuất sắc và được tặng 1 chiếc cuốc mà ông tôi cùng đồng đội đào chiến hào đưa bộc phá vào sở chỉ huy Đờ Cát, đến nay vẫn là kỉ vật quý của ông để lại cho thế hệ con cháu.
Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954), ông cho 4 chị em học văn hoá, chỉ có ông và con gái cả ở lại tăng gia sản xuất nuôi các con ăn học. Ông thường nhắc nhở các con: “Khi đất nước có giặc ngoại xâm thì phải đoàn kết đứng lên đánh giặc. Khi đất nước hoà bình thì phải tập trung học tập trau dồi kiến thức xây dựng quê hương, đất nước”.
Thực hiện lời dặn của ông, các thế hệ con cháu, chắt đều chăm chỉ học hành nên đến giờ 100% con cháu đều trưởng thành, tốt nghiệp đại học và trên đại học, có công ăn việc làm ổn định.
Đã 30 năm, ông về thế giới người hiền, nhưng các con cháu luôn lấy tấm gương lao động, làm việc của ông như ngọn đuốc soi đường để vươn lên trong cuộc sống.