Ông ngoại trong lòng tôi
Tâm sự 17/04/2024 09:37
Khi ông ngoại mất, tôi mới gần 4 tuổi, còn quá nhỏ để biết được mất mát đó là gì. Đến nay khi đã 30 tuổi, tôi thường vẽ lại chân dung người ông mà tôi yêu quý vô cùng ấy bằng những đoạn kí ức đã mờ nhạt theo tháng năm và phần nhiều là do não bộ tự xây đắp vào những khoảng trống mà thành. Đôi khi tôi cũng hỏi mẹ và các chú bác trong nhà, nhưng tôi thấy rằng hình ảnh về ông mà họ nhớ sao mà khác với tôi quá.
Qua lời kể của mẹ và các cậu, các dì, ông ngoại tôi rất nghiêm khắc nếu không muốn nói là có phần hà khắc với các con. Ông hay la mắng và đòn roi, ông nghiêm ngặt trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành động của các con. Chính sự nghiêm khắc đã vô tình đẩy ông và con cái ra xa, đến độ, cứ mỗi khi ông bước đến, tất cả con cái ông sẽ im bặt và lảng dần ra chỗ khác. Nhưng cũng vì ông nghiêm khắc nên con cái ông ai cũng học hành đàng hoàng, xây dựng một gia đình đông con trong nghèo khó, điều kiện kinh tế không cho phép ông bà chiều chuộng các con. 7 đứa con của ông bà khỏe mạnh lớn lên và trở thành những người được xã hội trọng vọng. Cuối những câu chuyện kể về ông, bao giờ tôi cũng thấy những đôi mắt rưng rưng, sự thương nhớ chua xót xen lẫn nỗi ân hận mà tôi nghĩ rằng bất cứ ai mất cha mẹ cũng thế và câu nói: “Cũng phải cảm ơn ông!”.
Ngược lại với hình ảnh một người cha hà khắc, trong lòng tôi, ông ngoại mãi mãi là người ông hiền từ như ông tiên bước ra từ cổ tích. Ông tôi có dáng người gầy nhỏ, khuôn mặt nghiêm nghị, dáng đi thẳng tắp. Ông có nước da hồng, tóc bạc trắng, thường ngồi câu cá ở bờ ao trước hiên, ông cũng hay vác cái cuốc rất to đi loanh quanh vườn. Ông hiền lắm, ông thương tôi nhất, vì sáng nào ông cũng gọi tên tôi trước tên em họ: “Hiền, Tuấn Anh ơi, đi ăn sáng với ông!”. Đứa trẻ con 3-4 tuổi nào có nhớ thêm được gì ngoài suy nghĩ vị kỉ của riêng mình, chỉ khi có ông tôi mới được ăn phở ngon, ông gọi tên tôi trước nghĩa là ông thương tôi nhiều hơn. Ông chẳng bao giờ quát tháo lũ trẻ chúng tôi dù cho chúng có xới tung khu vườn thuốc của ông để tìm kho báu hay phá tan vườn chuối để làm một cái lều cho trò chơi gia đình. Các em ơi! Ông ngoại chúng mình hiền từ như vậy đấy! Các em còn nhớ không?
Trong tôi ông còn là thế giới của những điều thú vị, đến bây giờ đã có 2 đứa con và đi tìm một lối sống để những mầm non có tuổi thơ đẹp đẽ, tôi càng kính trọng ông ngoại của mình hơn. Tôi cho con mình chân trần chạy nhảy trên đất vì xưa kia ông ngoại đã dạy tôi như thế, cảm nhận sự mát mẻ của mặt đất dưới lòng bàn chân, ông đã cho cháu chắt của mình một sức đề kháng khỏe mạnh. Tôi cho con mình vui chơi khắp khu vườn như ông đã dẫn chúng tôi đi, dạy tôi tên tuổi mỗi loài, để lại cho con cháu mình một thế giới xanh tươi trong đôi mắt. Tôi cũng sẽ dạy cho con cái mình về cây thuốc nam dân dã, để truyền lại cho chúng những nghiên cứu và đúc kết của ông, để chúng yêu thêm mảnh đất bình dị nhưng dung chứa nhiều điều thú vị. Tôi sẽ kể cho chúng nghe về tuổi thơ tôi bình yên và đẹp đến thế nào khi có ông bà, để chúng biết yêu thương, kính trọng ông bà của chúng, để biết uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Ông ngoại ơi! Bây giờ con đã lớn, giữa nẻo đường trăm ngả, con lạc bước không biết sẽ đi đâu, nhưng nhờ có ông ngoại con đã biết tìm về nơi con thấy yên bình, để tiếp tục dung dưỡng những đứa trẻ có tuổi thơ êm đềm, chúng sẽ chạy quanh những con đường mà ông đã đưa con đi qua, sẽ nếm những trái ngọt trên cây mà ông đã trồng, sẽ chạm đất, chạm nắng gió như ông ngoại đã dạy, sẽ thử mùi vị cây cỏ thuốc nam và sẽ biết có một “ông ngoại của mẹ” hiền như ông bụt bước ra từ cổ tích.
Xin cảm ơn game bài đổi thưởng tiền that đã tạo ra một cuộc thi giàu tính nhân văn, để có dịp cho “những người cháu” được bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến ông bà của mình. Đặc biệt đối với “những người cháu” đã không còn được trực tiếp bằng lời bày tỏ tình cảm với ông bà.