Nghĩa tình của một cựu chiến binh
Đời sống 17/09/2024 10:31
Điểm sơ cấp cứu số 1 của gia đình CCB Trương Tiến Giai ra đời từ khi còn là tỉnh Sông Bé. Đường giao thông đi lại thời đó quá khó khăn vất vả, toàn đường đất nhiều đoạn đứt lở xói mòn do mưa lớn nước chảy tràn. Nếu có một người ở vùng sâu lâm bệnh, hay những rủi ro khác đưa ra bệnh viện phải qua nhiều thời gian. Điểm sơ cấp cứu số 1 ở nhà ông Giai là nơi “trung chuyển” kịp thời, qua sơ cứu bước đầu để cho người bệnh yên tâm hơn trong thời gian chuyển tuyến.
CCB Trương Tiến Giai tặng quà cho các hộ khó khăn ở xã Tân Phước. |
Ông Lê Tiến Hanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phước cho biết: “Điểm sơ cấp cứu số 1 của gia đình ông Giai trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã thời đó đã cứu sống nhiều bệnh nhân ở các ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hồi đó, Trạm y tế của xã còn ở ngoài điểm cũ gần giáp địa phận TP Đồng Xoài ngày nay. Nửa đêm bệnh nhân đưa ra trạm y tế sẽ chậm hơn ở điểm sơ cấp cứu số 1 và vợ chồng ông Giai có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn “sơ cấp cứu” bệnh nhân”.
Đường ĐT753 thời đó còn đường đất đi lại khó khăn, nhiều người bị bệnh đến bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh xa hàng chục cây số. Bệnh viện Quân dân y 16 (Binh đoàn 16) lúc đó chưa có, điểm sơ cấp cứu của ông Giai được xem như một “phòng mạch” rất cần thiết cho bệnh nhân. Nhiều người cao tuổi không đi xa được nên khi mắc các bệnh lí thông thường đã đến nằm điều trị tại đây. Vợ chồng ông phải cất nhà riêng ở cạnh đường và mua thêm giường nằm người bệnh, đồng thời trang bị thêm một số dụng cụ y tế cần thiết để phục vụ cộng đồng ốm đau, tai nạn. Không kể giờ giấc, có khi nửa đêm nghe tiếng gõ cửa “cấp cứu” là vợ chồng ông bật dậy kịp thời sơ cấp cứu bệnh nhân. Nếu trường hợp nặng thì hai người sơ cứu gấp rồi cho đi liền và còn tạo phương tiện để chuyển họ đi bệnh viện. Bệnh nhẹ thì nằm lại điều trị, cơm nước gia đình lo. Với phương châm cứu người là trên hết, tùy theo mức độ để sơ cứu trước khi chuyển tới bệnh viện. Bà con ở các ấp vùng sâu thuộc huyện Đồng Phú có người bệnh hoặc tai nạn do lao động đều đưa ra điểm sơ cấp cứu của gia đình ông Giai. Điểm sơ cấp cứu số 1 luôn mang lại niềm tin cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng dân cư. Những bệnh nhân khó khăn, vợ chồng ông Giai chỉ lấy ít tiền thuốc. Bệnh nhân nghèo, bệnh nhân dân tộc thiểu số khó khăn quá, ông giúp đỡ không lấy tiền.
Song song với nghĩa cử nhân ái đó, ông Giai còn tặng quà bà con nghèo, khó khăn trong xã vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Ông còn tích cực đóng góp ủng hộ xây tặng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà “Nghĩa tình cựu chiến binh” cho các hộ khó khăn đặc biệt trên địa bàn huyện Đồng Phú.
CCB Trương Tiến Giai luôn tri ân quá khứ và “Nghĩa tình đồng đội”. Qua thông tin đồng đội cũ vào Nam sinh sống, ông đã tìm đến từng địa phương để kết nối thành lập Ban liên lạc. Hiện Ban liên lạc Trung đoàn 245 ở khu vực phía Nam có 200 hội viên, do ông Giai làm Trưởng ban. Ông cho biết, dù xa đến mấy cũng phải tìm được đồng đội khi có thông tin. Hằng năm, đồng đội cũ khu vực phía Nam lại tập trung về nhà ông họp mặt kỉ niệm truyền thống ngày thành lập Trung đoàn. Ông cho biết thêm, hiện nay quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Ban liên lạc Trung đoàn 245 (Lữ đoàn 217) đã có trên 100 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình.