Một nét hồn quê...
Văn hóa - Thể thao 27/11/2019 09:00
Trong các công trình văn hóa ở làng quê xưa, giếng còn mang ý nghĩa tâm linh vì là “long mạch” của làng. Bởi vậy, giếng được xếp hàng đầu trong “Ngũ tự gia đường”, gồm: Táo: bếp, Tỉnh: giếng, Môn: cổng, Hộ: cửa và Trung lưu.
Cổng làng, cây đa, bến nước, giếng làng là hình ảnh mộc mạc mà bất cứ người con nào, trong nỗi nhớ xa quê đều nhớ đến. Trong mỗi làng cổ ở Bắc Bộ, có thể có một hay nhiều cái giếng tùy theo phong tục mỗi vùng. Giếng làng được người làng đặt tên theo vị trí địa lí như Giếng đình, giếng chùa, giếng đền, giếng đồng (ngoài đồng),… Ở một số nơi, tên giếng gắn với tên của làng xóm hoặc có thể gắn liền với cấu tạo, hình dáng của giếng (giếng tròn, giếng bán nguyệt…). Có vùng lại lấy chất liệu quanh giếng để đặt tên như giếng đất, giếng gạch, giếng đá… Giếng thường được đào ở đầu làng, có không gian đủ rộng, nơi người dân có thể đến lấy nước cho sinh hoạt, hoặc ghé lại sau buổi làm đồng, rồi cùng ngồi chuyện trò, tâm sự. Giếng thường có hình tròn hoặc hình vuông, được đào rộng như một cái ao nhỏ. Xung quanh giếng và thành được xây bằng gạch hoặc đá ong, đá hộc ...
Với người Việt, giếng làng không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn được xem như một linh vật có thần bảo hộ, giếng càng lâu đời càng được cho là linh ứng. Ở các di tích, nếu cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, thì giếng nước sâu vào đất tượng trưng cho tính âm tạo nên sự hài hòa âm dương trong vũ trụ. Vì thế, giếng làng trở thành hình ảnh quen thuộc, ẩn sâu trong tâm trí của mỗi người dân. Chiều chiều, những người mẹ tần tảo quẩy đôi gánh nặng mang những thùng nước ngọt lịm về gốc cau đầu nhà, nơi đặt chum nước sinh hoạt của gia đình. Vào ngày đầu năm mới, các gia đình ra gánh nước ở giếng làng về với hi vọng một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Khi mặt trời lặn sau rặng núi xa xa, bên giếng làng, các cụ già trải chiếu, thảnh thơi ngồi hóng mát. Những câu chuyện về mùa màng, gia đình, chuyện làng chuyện nước… được bàn luận rôm rả. Những em bé chạy lăng xăng xung quanh hóng chuyện các cụ và chơi đùa. Nơi thành giếng, chàng trai trẻ cầm sáo, thổi hồn mình vào những khúc tình ca… Giếng làng in dấu biết bao gương mặt thân quen. Nơi giếng làng, các cô gái soi mình làm duyên với gương mặt dịu hiền, mái tóc suôn dài, mềm mại làm xao xuyến biết bao chàng trai. Những đêm trăng, các đôi trai gái hẹn hò tình tứ. Từ nơi giếng làng ấy khiến bao tâm hồn thi sĩ cất lên những lời ca mộc mạc: Đêm khuya trăng tắt, sao mờ/ Ra ngồi bên giếng đợi chờ người thương…
Giếng làng còn như “nhịp sống, hơi thở”, là nơi chứng kiến những buồn vui, lắng nghe những tâm sự của mỗi người con. Với những người xa quê lâu năm, sau một hành trình dài trở về, đơn giản chỉ nghỉ chân, soi bóng mình hay uống hụm nước mát trong nơi giếng làng mang đến cảm giác sảng khoái, bình yên, bỏ lại phía sau những ồn ào, tất bật của cuộc sống thường nhật. Giếng làng có thể coi như chiếc gương soi rõ những giá trị truyền thống của ngày hôm qua và cả sự phát triển đi lên của ngày mai. Có thể nói, những chiếc giếng làng góp phần tạo nên một không gian văn hóa chung, góp phần cố kết tính cộng đồng ở làng quê xứ Bắc. Gìn giữ, quý trọng giếng làng... đó là cách thể hiện sự tôn trọng trước những tài sản quý giá mà cha ông để lại, đó còn là để neo giữ một nét hồn quê trong tâm thức mỗi người.