Về Quy Nhơn thăm mộ Hàn Mặc Tử
Văn hóa - Thể thao 21/03/2024 10:19
Các bậc cao niên sinh sống gần khu vực Ghềnh Ráng kể rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử mất vào ngày 11/11/1940, hưởng dương 28 tuổi. Đến năm 1959, di hài của ông được đưa về Ghềnh Ráng. Nay, ngôi mộ được xây cất rất khang trang, cỏ cây, hoa lá tốt tươi, có tượng Đức Mẹ uy nghi như để an ủi và che chở cho nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Khi còn khỏe, Hàn Mặc Tử đã xuất bản tập thơ “Gái quê”. Khi bị bệnh, ông sáng tác được ba tập thơ là “Thơ điên”, “Xuân như ý” và “Thượng thanh khí”. Những vần thơ ra đời khi bệnh tật đeo đuổi ông, khoét sâu tâm hồn ông bằng một nỗi buồn muôn thuở: Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh/ Hơn hết u buồn với nước mây/ Của những tình duyên thương lỡ dở/ Của lời rên xiết gió heo may. Số phận nhà thơ tài hoa, bạc mệnh như được chính ông dự báo, đó là cái chết đến nay mai: Máu đã khô rồi, thơ cũng khô/ Tình ta chết yểu tự bao giờ/ Từ nay trong gió, trong mây gió/ Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ…
Du khách thắp nén hương cho nhà thơ. |
Vào cổng, con đường nhựa sẽ đưa du khách lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ khá đẹp được xây trên một gò cao, lưng dựa vào đồi cỏ mịn như nhung, mặt quay ra biển. Những người yêu thơ Hàn Mặc Tử đều biết, vào những năm tháng cuối đời, nhà thơ “tài danh bạc mệnh” Hàn Mặc Tử đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong Trại phong Quy Hòa. Và thiên nhiên thơ mộng cùng “trăng sao” Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng dồi dào cho ông sáng tác những vần thơ bất hủ để lại cho đời. Đập vào mắt du khách là cả một vườn thơ, khắc ghi những câu thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Cổng vào vườn thơ là phiến bê tông giả gỗ đề câu: Trăm năm vẫn một lòng yêu/ Và còn yêu mãi, rất nhiều em ơi!
Nhìn ngôi mộ Hàn Mặc Tử mà cảm nhận linh hồn ông vẫn vương vấn đâu đây. Nghe trong gió như có những vần thơ tình cháy bỏng: Trăng nằm sõng soài trên cành liễu/ Đợi gió Đông về để lả lơi/ Hoa lá ngây tình không muốn động/ Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi… Những câu thơ tình ông viết cứ ám ảnh khôn nguôi: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi hóa dại khờ…
Cách mộ thi sĩ một đoạn ngắn là nơi nghệ sĩ Dzũ Kha biểu diễn nghệ thuật thư pháp thơ Hàn Mặc Tử trên gỗ thông bằng bút lửa. Du khách sẽ được xem nơi trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ đoản mệnh, ngắm nhìn những vần thơ “chan chứa” của thi sĩ “bạc mệnh” trên mặt gỗ thoang thoảng mùi nhựa thông: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có dại khờ… Hay những vần thơ đầy khát khao được sống, được yêu: Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ/ Đời anh lưu lạc tự bao giờ/ Đi, đi, đi… mãi nơi vô định/ Tìm cái phi thường cái ước mơ…
Danh thắng “Ghềnh Ráng - Tiên Sa” là sự hợp thành của những bãi đá, gành đá nối tiếp nhau theo đường cong của eo biển trông rất kì vĩ, đẹp tuyệt vời với những hang hốc, hình thù cổ quái, sinh động. Hòn Chồng ở Ghềnh Ráng là một “tác phẩm” nghệ thuật thiên nhiên đặc sắc đứng trơ gan cùng phong ba, tuế nguyệt. Bãi Đá Trứng hay còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu (vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây tắm) với những khối sơn thạch đa hình, đa dạng cùng với bãi đá trứng mà mỗi viên có màu xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng đang nô đùa cùng sóng biển. Đá Vọng Phu được tạo hóa tạc, khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng. Hay “Thạch Kỳ Lân” dũng mãnh, ngàn năm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”… Từ bãi tắm Hoàng hậu, đi tiếp 1.000m nữa, du khách sẽ đặt chân đến bãi Tiên Sa.
Ban đêm, Ghềnh Ráng khoác lên mình vẻ đẹp huyền diệu của sắc màu ánh sáng. Trên mặt biển, đèn của hàng ngàn chiếc thuyền đánh cá lung linh, huyền ảo như những đám sao sa đến mê hoặc lòng người. Với cảnh quan “sơn thủy hữu tình” đó, người dân địa phương truyền tụng câu thơ: Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát/ Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi/ Phương Mai - Ghềnh Ráng tương tri/ Ngâm câu “thủy tú sơn kì” thảnh thơi...