Cuối năm về Quy Nhơn
Kinh tế 06/01/2020 15:22
Những cuộc đời bình dị
Trở về sau chuyến đi biển gần 20 ngày, anh Lê Văn Cảnh, 40 tuổi, ở Hoài Nhơn chia sẻ, đợt này đang mùa biển động nên người đi biển vất vả mà không khai thác hết công suất, chỉ bằng 1/3 những tháng biển êm. Làm nghề biển chỉ ấm no vào các tháng 7, 8, 9 trong năm. Rít nốt mẩu thuốc lá gần tàn, Cảnh kể: “Ngày càng ít người đi biển vì vất vả, đôi khi đổi cả mạng sống mà thu nhập không cao”. Tàu cá của Cảnh, mỗi chuyến đi có từ 6 đến 8 người làm, ăn chia với chủ tàu 50/50 (chủ lấy 50%, anh em làm thuê lấy 50%). Chuyến này, anh em nghỉ Tết luôn, sau Tết mới lại đi tiếp...
Ông Võ Chín 68 tuổi ở xã Nhơn Lý đã nghỉ đi biển vài năm nay. Ông bảo: “Tôi gắn với biển từ khi còn nhỏ. Cả đời đi biển, bây giờ già rồi không đi nữa. 6 người con của tôi đều ra TP làm việc, không còn ai theo nghề biển nữa”.
Cảng cá Quy Nhơn |
Trong nhà ông Chín có nhiều bao tải gạo, ông cho biết đó là 2,5 tấn gạo của bà Võ Thu Sương, em gái ông ở bên Mỹ gửi tiền về nhờ mua hộ. Năm nào bà cũng mua gạo tặng những NCT neo đơn, ốm đau, bệnh tật… Khi nào bà Sương gửi danh sách, ông Chín sẽ thông báo để mọi người đến nhận gạo. Ai không đến được, ông sẽ cho con cháu chở tới tận nhà.
Anh Tiến, một chủ cơ sở làm chả cá ở Quy Nhơn thường dậy từ 5 giờ sáng ra cảng thu mua cá về làm chả. Anh cho biết: “Cuối năm các thuyền đánh bắt gần bờ chỉ có cá hố. Chả cá hố ngon lắm! Nhà tôi thuê 5, 6 người làm, mỗi ngày bán ra chừng 50 kg chả cho các nhà hàng đặt mua. Trừ chi phí, tiền công, cũng thu được khoảng 15- 16 triệu đồng/tháng”. Anh bảo: “Không vào mùa du lịch, Quy Nhơn vắng vẻ. Mình lại thích sống yên bình để suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời này…”.
Tôi yêu Quy Nhơn!
Bà Thanh bảo thế. Bà sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từ khi Quy Nhơn còn bé nhỏ, hoang sơ. Giờ 70 tuổi bà Thanh vẫn gắn với mảnh đất xưa, những con đường Ngô Mây, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Đại học Quy Nhơn, nhà ga xe lửa hay làng phong Quy Hòa - nơi có những phận người mang trong mình căn bệnh hủi. Mặc dù đã được khoa học chứng minh, người bệnh được chăm sóc y tế… song họ vẫn không dễ để gần gũi chia sẻ cùng cộng đồng bởi định kiến ăn sâu trong ý nghĩ người đời. Họ sống lặng lẽ chìm vào cỏ cây như không quan tâm đến những bon chen, ồn ã ngoài kia. Chỉ có những hàng dương cùng sóng biển quanh năm cứ hát để an ủi, vỗ về những mảnh đời không may mắn. Cũng như những người dân nơi này, bà Thanh quen với tiếng sóng, tiếng gió từ khơi xa mặn mòi thổi vào, thiếu nó, bà thấy vắng đi một phần ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. “Con tôi bảo vào TP Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn thích ở đây, yên bình từng góc phố”, bà chia sẻ.
Phân loại hải sản |
Trong lòng Ghềnh Ráng còn có không gian Hàn Mặc Tử đậm đặc, từ ngôi mộ thi nhân đến nhà lưu niệm, rồi những bức ảnh ông và những câu thơ đầy ám ảnh… Tất thảy đều gợi nhớ về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh nổi tiếng của làng thi ca Việt. Ghềnh Ráng từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927, với bãi tắm Hoàng Hậu có vô số đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho Hoàng hậu Nam Phương.
Nếu đứng ở Ghềnh Ráng - Tiên Sa phóng tầm mắt ra xa, thấy một Quy Nhơn đang đổi thay từng ngày, thì cầu Thị Nại như dải lụa hiền hòa giữa trời đất nối hai bờ của TP Quy Nhơn với khu công nghiệp Nhơn Hội. Đứng trên cầu mỗi khi chiều buông hay bình minh ló rạng, ngắm nhìn trời biển bao la với những làng chài ẩn mình trong một màu xanh thẫm mới cảm nhận hết sự giàu có của thiên nhiên và cái đẹp của tạo hóa ban tặng vùng đất này.
Trong khi bờ biển Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang đã bị băm nát bởi các khách sạn nhà nghỉ, các resot của đại gia… đến nỗi người dân không còn chỗ tắm thì bờ biển Quy Nhơn sóng xanh, cát trắng trải dài tạo nên vẻ đẹp hài hòa, hiến nơi nào có được. Theo kế hoạch của TP, tới đây khi khách sạn Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến dời đi, bãi biển Quy Nhơn sẽ đẹp hoàn hảo hơn.
Những ngày cuối năm, các tàu đánh bắt xa trở về bờ không ra biển nữa, họ ở nhà sắm sửa đón Tết, kết thúc một năm lao động vất vả. Qua tết, khi những lộc xuân đâm chồi, trời yên biển lặng Cảnh và bạn bè lại ra khơi với nhiều hi vọng những chuyến đi trở về trên con thuyền đầy cá. Anh Tiến, bà Thanh… lại tiếp tục công việc của mình. Họ là những người lao động bình dị đang góp phần làm lên vẻ đẹp và gìn giữ hồn cốt văn hóa cho một Quy Nhơn phát triển.