Tượng đài Chiến thắng sông Lô vang mãi bản hùng ca
Văn hóa - Thể thao 02/01/2024 09:23
Tượng đài bất tử
Tượng đài chiến thắng sông Lô, một khu di tích lịch sử văn hóa gồm tượng đài, nhà trưng bày và các hiện vật, hầm hào trên Gò Đồn thuộc khu Hưng Tiến, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đứng ở đầu cầu sông Lô hay ở bất cứ vị trí nào đều có thể quan sát được quần thể Tượng đài. Giữa một vùng cây xanh hòa vào màu xanh ngọc bích của dòng Lô giang hiền hòa, thơ mộng, Tượng đài chiến thắng sông Lô trong thế đứng ngời lên vẻ hiên ngang, tinh thần quật khởi và ý chí chiến đấu. Mỗi khi đến thăm Tượng đài chiến thắng sông Lô, ai ai cũng cảm nhận được sức mạnh ngời lên từ dáng đứng, tư thế cầm súng của mỗi bức tượng. Dòng Lô giang lững lờ trôi như cất lên những ca từ hào hùng: “Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn ghi nhớ mãi vào thời điểm ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở chiến dịch tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 23/10/1947, thực dân Pháp dùng tàu vận tải chở quân tiếp viện theo sông Lô lên Tuyên Quang. Đến bến Khoan Bộ (Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), bị bộ đội cùng du kích Trảng São (Phù Ninh) chặn đánh quyết liệt, bắn cháy 1 ca nô, 1 tàu chiến và tiêu diệt nhiều tên địch.
Tượng đài Chiến thắng sông Lô. |
Nắm bắt được âm mưu và kế hoạch của Pháp, Ban Chỉ huy các lực lượng Khu 10 đã triển khai kế hoạch phối hợp với dân quân, du kích của các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang tích cực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại Chí Đám (Đoan Hùng) và Bình Ca (Tuyên Quang), ta xây dựng trận địa phục kích, chặn đánh tàu chiến của địch trên đường tấn công Việt Bắc. Ngày 24/10/1947, đoàn tàu địch gồm 5 chiếc, được 6 máy bay yểm trợ từ Tuyên Quang xuôi sông Lô đi ứng cứu cho tàu chở quân từ Hà Nội lên, khi tới Chí Đám (Đoan Hùng) chúng lọt vào trận địa phục kích của ta.
Sau gần 6 giờ chiến đấu quyết liệt, pháo binh ta đã bắn chìm 2 tàu chiến trọng tải 500 tấn, bắn cháy và bắn bị thương 3 chiếc khác; 350 tên địch cùng một số lớn vũ khí, đạn dược bị tiêu diệt. Ngày 24/11/1947, tàu chiến địch tới Chí Đám (Đoan Hùng) bị trúng trận địa thủy lôi của ta. Tàu chở các sĩ quan của địch bị trúng đạn, hơn 100 tên chết chìm theo tàu. Thắng lợi nối tiếp ý chí, ta tiếp tục truy kích địch diệt thêm nhiều lính giặc. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô - Thu Đông năm 1947, ta tiêu diệt hơn 1.000 tên địch; 10 tàu chiến và 1 ca nô; hạ 1 thủy phi cơ, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự.
Với lòng yêu nước, ý chí, sự đoàn kết, quân và dân ta đã cắt đứt hướng tấn công với âm mưu thâm độc của thực dân Pháp trên con đường lên chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, dòng Lô xanh thẳm đã trở thành bản trường ca lịch sử về ý chí và tinh thần dân tộc. Sức lan tỏa của chiến thắng sông Lô đã trở thành sức mạnh và niềm tin cho quân và dân ta nơi chiến khu Việt Bắc. Năm 1987, nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phú và UBND huyện Đoan Hùng đã quyết định xây dựng Tượng đài chiến thắng sông Lô để ghi nhớ chiến công vang dội của quân và dân ta, nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Năm 1997, nhân dịp kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Sông Lô, di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Khu trưng bày khẩu pháo trong chiến thắng sông Lô. |
Đứng trên Gò Đồn cao, khung cảnh bốn phía là một không gian bốn bề thoáng đãng và rợn ngợp sắc xanh. Tượng đài cao 26m, gồm có 5 pho tượng, tượng trưng cho các lực lượng quân và dân tham gia chiến dịch. Dáng đứng của tượng hướng lên trời xanh trong tư thế hiên ngang, bất khuất, ngời lên ý chí và tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trên bốn mặt xung quanh của đài tưởng niệm có trang trí tám bức phù điêu, miêu tả Chiến thắng sông Lô và khái quát một số nét tiêu biểu của truyền thống quê hương, con người Đoan Hùng.
Vang mãi bản hùng ca
Dòng Lô giang cứ lững lờ trôi theo năm tháng, cứ tỏa sắc xanh ngọc của màu nước bốn mùa dưới nắng chiều. Sông mang trong lòng bao sự kiện, bao câu chuyện về cuộc trường chinh, về đất và người nơi đây. Để rồi, từ dòng chảy ấy, từ những câu chuyện ấy, dòng sông đã đi vào những ca từ của những bản trường ca bất hủ. Đứng bên bờ sông Lô, bên tượng đài chiến thắng sông Lô sừng sững, hiên ngang, trong lòng chúng tôi như dậy lên những ca từ hùng tráng, vang vọng, những lời hát trữ tình về sông Lô.
Với sông Lô, các nhạc sĩ đắm say rồi hòa mình vào dòng chảy mà cất lên những ca từ ngọt ngào, sâu lắng. Mỗi khúc ca là một thiên trường ca về dòng sông, về trang sử hào hùng nơi chiến khu Việt Bắc và cũng là những khoảng lặng trong cảm xúc về Lô giang. Văng vẳng đâu đây những ca từ mà nhạc sĩ Văn Cao gửi vào “Trường ca sông Lô”: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/ Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”. Vẻ đẹp đôi bờ, nơi có cảnh sắc vùng trung du thanh bình, yên ả được gợi lên trong dòng cảm xúc miên man không dứt: “Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi, mùa Xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre, dòng sông Lô lướt trôi”.
Trải theo thời gian, dòng Lô vẫn xanh thẳm soi bóng tượng đài. Có ai đó như đang cất lên ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm” của nhạc sĩ Minh Quang: “Sông Lô chiều cuối năm, bất chợt gặp câu hát từ bến sông xưa vọng lại, ai về qua bến Bình Ca/ Bâng khuâng chợt nhớ bao kỉ niệm năm tháng gần bên nhau, say trong hương rừng, ai về tắm nước dòng Lô...”. Dòng sông ấy ghi dấu mối tình của người lính chiến với cô gái xứ Tuyên để rồi, mỗi lần đến đây, nghe sông kể chuyện, nghe sông hát, ta như thả hồn mình trôi theo dòng Lô để tâm hồn miên man mãi không thôi: “Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em”. Dòng cảm hứng không bao giờ vơi cạn về Lô giang.
Hùng tráng và tự hào là những cảm nhận mà mỗi người khi đến thăm Tượng đài chiến thắng sông Lô. Tất cả như lời hiệu triệu của non sông đất nước vọng về tiếp sức cho hôm nay. Văng vẳng đâu đây những ca từ mà nhạc sĩ Văn Cao gửi vào Trường ca sông Lô: “Sông Lô đang xuôi mau tin về đồng lúa reo mừng/ Rung trong bao hương đồng mừng một mùa chiến công”.