Con mọn - cháu mọn - chắt mọn
Tâm sự 20/01/2024 08:37
Khi bố tôi được hai tuổi, ông bà tôi chuyển lên thị xã Hà Giang cư trú, do Ty giáo dục điều động ông tôi lên công tác tại huyện Vị Xuyên. Ông bà tôi kiếm được một ô đất ven sông Lô, kè đá, đắp nền làm nhà khi bà tôi đang mang thai. Đúng vào trưa Ngày Quốc khánh 2/9/1970, bà tôi đang vác đá kè nền thì “chuyển dạ”. Ông tôi đi vắng, người trong xóm kéo đến, đưa bà tôi vào bệnh viện. Cô tôi được sinh ra trong hoàn cảnh đó.
Hồi đó, do điều kiện chiến tranh, lại ở miền núi đá nghèo, đời sống của Nhân dân cũng như cán bộ, nhất là thầy cô giáo nói riêng vô cùng khó khăn. Ông bà tôi phải tự xoay trần ra vừa công tác, vừa chạy ăn cho bản thân và con cái.
Ông bà tôi bên các con, cháu, chắt. |
Mấy năm sau, ông bà tôi sinh tiếp hai người con. Cứ đều đều hai năm một… “công chúa” ra đời! Cuộc sống càng chật vật, nhưng ông bà tôi vẫn vượt mọi gian lao, hoàn thành xuất sắc mọi việc trên giao.
Bà tôi kể: Khi bà sinh nở, ông một mình «chăm bà đẻ». Sáng sớm, ông thu gấp tất cả tã lót, quần áo rếch vào vải ni lông, phẳng phiu, nhét vào cặp, buộc sau xe đạp đến cơ quan làm việc. Trưa về ông xuống suối giở bọc ra giặt giũ sạch sẽ rồi lại buộc sau xe chở về phơi phóng. Đêm đến ra máy nước, đứng xếp hàng chờ trực hàng giờ lấy nước về dùng. Một chậu nước phải dùng vào nhiều việc: Khi thì rửa mặt, rửa chân tay, tưới rau; khi thì vo gạo, rửa rau, tưới cây,…
Khi cô thứ tư của tôi mới sinh thì cô thứ ba mới hơn hai tuổi. Ông tôi đi công tác các xã, phải “địu” cô tôi theo. Hồi đó cô thứ ba của tôi hay bị ho, viêm phế quản, ông tôi phải mang theo thuốc, tự tiêm cho cô tôi. Có lần hết bông, ông phải lấy khăn mặt nhúng nước sôi, “sát trùng”!
Sau này, ông bà tôi được chuyển về huyện Thường Tín, TP Hà Nội, đi lại có thuận lợi hơn, nhưng nuôi bốn người con như thế vào thời điểm đó vô cùng chật vật. Ông bà phải làm thêm đủ mọi việc: Nào nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp, cuốn thuốc lá, đan hàng thủ công, trồng rau, cấy lúa,…. Ông tôi công tác ở Phòng Giáo dục, ba giờ sáng phải dạy thồ su hào, bắp cải lên chợ Mơ, chợ Cửa Nam (cách nhà hai chục cây số) bán rồi tốc hỏa đạp về cho kịp giờ làm việc.
Khó khăn trong đời sống kinh tế như vậy, nhưng ông bà tôi vẫn lo cho bố tôi và các cô tôi (sau này là cả chị em chúng tôi) ăn học đến nơi đến chốn. Ai cũng có bằng đại học, nhiều người vươn lên học cao học .
Rồi bố tôi và các cô tôi xây dựng gia đình, có con. Nhưng gia đình các cô đều neo người, bà tôi lại phải chạy đi, chạy lại giúp đỡ trong các kì sinh nở, giúp trông nom các cháu khi còn bé dại. Thế là hết nuôi con mọn, bây giờ bà tôi lại phải trông “cháu mọn”!
Tưởng bà tôi sau đận này sẽ không phải vất vả trong chuyện trông nom trẻ con nữa. Ai dè khi chị em chúng tôi lấy chồng, lấy vợ, rồi sinh con, bố mẹ chúng tôi còn đang công tác, chị em chúng tôi cũng đi làm. Cực chẳng đã, chúng tôi lại phải nhờ cậy bà tôi. Bé thì chăm bẵm cháo sữa, cứng cáp lên lại đưa đón chắt đi nhà trẻ, mẫu giáo, tiếp tục gánh nặng “chắt mọn”!
Ông bà vất vả là thế, nhưng chẳng kêu ca, phàn nàn; lúc nào cũng vui vẻ. Ông bà luôn nhắc nhở chúng tôi phải vươn lên trong cuộc sống. Ông bà đã từng góp công lớn trong việc xây dựng nên trường lá cờ đầu về giáo dục của tỉnh Hà Giang; từng là chiến sĩ thi đua nhiều năm. Về già, ông bà tôi vẫn sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động xã hội với dân làng, với các cụ ở địa phương. Ông tôi cùng dân làng xây dựng được “Thư viện làng Bình Vọng” nổi tiếng, với trên vạn rưỡi đầu sách, duy trì hoạt động suốt 25 năm nay, được nhiều địa phương đến tham quan học tập.
Trong một bài thơ suy ngẫm về việc vào Đảng, ông tôi viết:
... Từ theo Đảng tôi biết bao thay đổi
Vững dần trong mỗi bước đi lên
Trong gian nan tôi có được chí bền
Không chen lấn khi xếp hàng mua gạo
Nhường anh em miếng xà phòng, manh áo
Trong những ngày “tem phiếu” xét bình nhau
Việc khó khăn tôi chẳng ngại đi đầu,
Vượt thác lũ, trèo đèo tới bản Mèo, người Mán
Đưa chữ về tời từng xóm vắng
Cùng đồng bào ăn măng đắng trám đen
Chốn rừng sâu cùng với anh em
Dựng xây những mẫu hình tiên tiến
Tôi dạy cháu con cái hay tìm đến
Tránh xa những cám dỗ bất lương
Biết hờn căm và biết yêu thương
Biết vượt sóng để vẹn tròn lí tưởng...