Nơi sáng tác bài thơ “Bầm ơi” và nhạc phẩm “Trường ca sông Lô”
Văn hóa - Thể thao 04/08/2023 16:02
Ở đây, từng có mặt Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,… Các ông được đến ở nhờ bà “Bủ Gái”.
Bà Bủ Gái có người con trai cả tòng quân; đã lâu không có thư gửi về. Bà lo lắng, nhớ con, hằng đêm khóc thút thít trong buồng. Trước tình cảnh này, các văn nghệ sĩ bảo Tố Hữu làm bài thơ “Bầm ơi” để an ủi, động viên bà Bủ Gái; nói dối đây là thơ của con trai gửi về cho “Bầm”. Bài thơ có các câu:
Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đưa con xa nhớ thầm…/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần/ Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!/ Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều/ Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe!/ Con đi trăm núi, ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Ảnh minh họa |
Bà Bủ Gái tin thật nên khi nghe xong bài “Bầm ơi”, bà nói với khách: “Đấy, con trai tôi nó quyến luyến, thương quý với tôi như vậy đấy các anh ạ!”
Hòa bình lập lại, anh con trai cả đã là Đại tá, đến thăm và cám ơn Tố Hữu ở Hà Nội. Anh cho biết, đồng đội trong các đơn vị đã chép và thuộc bài “Bầm ơi”.
Nhà thơ thăm hỏi sức khỏe bà Bủ Gái. Nhân có tấm lụa Bác Hồ tặng Tố Hữu nhân ngày cưới bà Thanh, ông liền gửi về tặng bà Bủ.
Nhận được quà, bà xúc động may áo để mặc lúc lâm chung…
Trong thời gian nhà thơ Tố Hữu viết bài “Bầm ơi”, nhạc sĩ Văn Cao cùng gia đình tản cư ở Lập Thạch, Vĩnh Yên. Ông nhận lệnh lên xã Gia Điền để vẽ bìa minh họa cho Tạp chí Văn nghệ xuất bản số đầu tiên. Nhạc sĩ cùng gia đình được giao liên xếp đi theo đoàn buôn muối để sang sông.
Do có kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch, ông giục gia đình đi nhanh, nhập vào đoàn buôn vải, đi trước. Quả nhiên, đoàn thuyền của Văn Cao cập bãi cát bên này thì bên kia, bốt giặc có tiếng quát to: “Buôn vải hay buôn muối?”. Có tiếng đáp: “Buôn muối!”.
Tức thì súng trên đồn địch bắn sang dữ dội. Tiếng kêu thảm thiết của những người dân vô tội.
Văn Cao cùng vợ con chạy nhanh lên bờ. Sau đó, nhạc sĩ và gia đình ngược bờ sông Lô; trong lúc khói lửa đang ngút trời. Các trận đánh lớn của ta trong chiến dịch sông Lô, Thu Đông năm 1947 đang diễn ra. Xác giặc còn trôi đầy trên sông. Không khí chiến trận trên đang ngùn ngụt cảm xúc trong tâm hồn nhạc sĩ Văn Cao. Và nhạc phẩm “Trường ca sông Lô” nổi tiếng đã hoàn thành. Lời ca có đoạn: “Trên dòng sông trở về đoàn người. Reo mừng vui trên sóng nước biếc. Trôi đầy sông bao đám xác thù. Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa (…) sông mênh mông như bát ngát hát. Thây giặc trôi trở về ngập bờ. Sông gầm âm vang súng trái phá. Bao rừng thu như bát ngát cười. Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công…”.
“Trường ca sông Lô” được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác dàn dựng cho Đoàn Quân nhạc công diễn trong Lễ mừng công chiến thắng sông Lô rất hoành tráng, diễn ra ở trong rừng Vĩnh Chân - Hà Hòa.