Giữ nghề truyền thống
Nhịp sống văn hóa 05/01/2021 09:15
Có hẹn từ trước, nhưng lần này tôi mới được gặp bà. Hơn 70 tuổi nhưng trông bà trẻ hơn so với tuổi. Trong ngôi nhà 2 tầng nằm sát bên con đường quốc lộ từ thị trấn Bình Liêu lên đến cửa khẩu Đồng Văn. Trong gian nhà nhỏ, bà Chắn kể cho chúng tôi về nghề bà đã dành trọn cả đời để làm và gìn giữ...
Từ xa xưa gia đình bà đã có nghề làm bánh chưng đen. Đây là loại bánh truyền thống của dân tộc Tày. Lớn lên bà được mẹ và mọi người dạy cho cách làm bánh. Sau này đi lấy chồng, bà vẫn làm.
Bà Chắn vớt bánh chưng đen vừa luộc xong |
Hiện nay, ở Bình Liêu duy nhất chỉ có bà Chắn còn lưu giữ được nghề làm bánh chưng đen gia truyền. Cũng theo bà, nghề làm bánh tuy vất vả nhưng bù lại vẫn có nhiều người mua và thu nhập cũng ổn. Không chỉ giữ nghề truyền thống cho gia đình, mà ngày nay bà còn truyền nghề cho người con trai và con gái trong gia đình. Bánh chưng đen là loại bánh mà người Tày thường làm vào các dịp lễ tết, hoặc khi có khách quý đến chơi. Ngày nay, bánh chưng được làm thường xuyên do nhu cầu của người dân muốn thưởng thức bánh truyền thống của dân tộc Tày.
Theo quan niệm của người Tày, sau lễ cúng cơm mới, họ thường làm bánh chưng đen để biếu họ hàng người thân của mình với mong muốn người được thưởng thức bánh đó sẽ mạnh khỏe và luôn gặp may mắn. Khác với chiếc bánh chưng vuông vắn của người Kinh, bánh chưng đen của đồng bào Tày có hai đầu thon dài. Nguyên liệu gói bánh chưng đen khá đặc biệt, từ tháng 11 âm lịch, đồng bào Tày đã đi vào rừng tìm cây mạy piệt, chọn cây có nhiều chùm hoa, có nhiều muối, rồi chặt thân cây về chẻ nhỏ để trên gác bếp cho khô sau đó đốt thành than và cho cối đá giã nhuyễn rồi trộn với gạo nếp hương để khoảng 12 tiếng đến khi than ngấm màu vào gạo rồi sảy thật sạch bụi than đem gói bánh
Với giá cả phù hợp, những chiếc bánh truyền thống của dân tộc Tày do bà Chắn làm ra được nhiều người ưa chuộng. Đó là động lực giúp bà Chắn càng thêm cố gắng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, mang đặc trưng riêng của dân tộc. Trước đây khi mới làm bánh, gia đình bà Chắn một ngày chỉ bán được 100 chiếc bánh các loại. Nhưng hiện nay, trung bình mỗi ngày bán được hơn 400 chiếc bánh; đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, số lượng đơn đặt hàng tăng lên rất nhiều.
Không chỉ làm bánh chưng đen, bà Chắn còn làm nhiều loại bánh khác như bánh cóc mò, bánh dày, bánh ngải, tàu xì... Nghề làm bánh truyền thống đã giúp gia đình bà Chắn từ một hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và khá giả hơn.
Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người thợ lành nghề như bà Chắn, các loại bánh truyền thống vẫn giữ được hương vị đậm đà vốn có, đáp ứng nhu cầu xã hội; nghề làm bánh truyền thống cũng mang lại cho họ cuộc sống khấm khá hơn.