Quảng Ninh: Tập trung mọi nguồn lực khôi phục sản xuất sau bão
Xã hội 26/09/2024 10:30
Đến nay, các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên địa bàn đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, khu kinh tế, mỏ khai thác than... đã hoạt động trở lại bình thường. Các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, khu danh thắng non thiêng Yên Tử, và vịnh Hạ Long đã đón khách trở lại.
Nhiều quyết định và giải pháp quan trọng sau bão.
Ngay sau cơn bão, ngày 10/9/2024 UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định cấp bổ xung 180 tỷ đồng (đợt 1) để các địa phương khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3. Tại kỳ họp lần thứ 21, khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã quyết định điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương do thực hiện tiết kiệm chi, bố trí kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là 1.000 tỷ đồng.
Kỳ họp lần thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khoá XIV biểu quyết thông qua nghị quyết khắc phục hậu quả do cơn bão số 3. |
Theo đó; Hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025.
Hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh: Hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới thì được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ. Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Mức hỗ trợ là chi phí trục vớt phương tiện bị chìm 50 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên; 15 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Nghị quyết cũng chỉ rõ, không xem xét hỗ trợ đối các phương tiện tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu; các phương tiện tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí (khu vực) neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 11/2024.
Cán bộ Ngân hàng CSXH TP Cẩm Phả giải ngân vốn vay cho 2 hộ dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. (Ảnh Báo Quảng Ninh). |
Nâng mức chuẩn đối với các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh lên là 700.000 đồng/tháng (cao hơn mức Trung ương quy định).
Qua tổng hợp của các ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 21.000 khách hàng vay vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Để tạo điều kiện giúp đỡ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã gửi văn bản cho các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, đồng thời đề nghị các ngân hàng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp.
Toàn dân đồng lòng chung sức khắc phục hậu quả sau bão
Với sức gió cấp 13, cấp 14 giật cấp 16 cấp 17 chưa qua thì hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt, sạt lở lại đến, gây những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh. Qua thống kê, thiệt hại về tài sản của Quảng Ninh sau cơn bão bằng tổng thiệt hại của các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 cộng lại.
Trong những lúc khó khăn ấy, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn của người dân Quảng Ninh vẫn ấm áp, sống động tình người. Với tinh thần “ Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đều chung tay đóng góp giúp đỡ những đối tượng bị thiệt hại vượt qua khó khăn sau bão. Chỉ tính riêng địa bàn phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên đã kêu gọi ủng hộ đựơc 01 tấn gạo và 170 suất quà trị giá trên 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa doanh nghiệp các nhà hảo tâm trên địa bàn phường ủng hộ 20 suất quà mỗi suất 5 triệu đồng, 50 suất quà mỗi suất 2 triệu đồng, 100 suất suất quà, mỗi suất 10 kg gạo và 1 triệu đồng . Nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức về địa bàn thị xã Quảng Yên trao quà cho các đối tượng, các hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau bão.
Lãnh đạo phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên trao quà cho bà Trần Thị Thân, Khu 1, một đối tượng đặc biệt khó khăn. |
Sau thảm họa bão số 3, một lượng rác thải khổng lồ (chủ yếu là phao xốp, lồng bè, cây cối bị bão đánh tan), trôi nổi trên mặt biển, bờ biển hay chân các đảo đá trên vịnh Hạ Long, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và các hoạt động phục vụ khách tham quan du lịch. Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng ngay sau khi bão tan, Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long đã tổ chức đợt cao điểm thu gom rác thải, làm sạch môi trường vịnh. Theo đó, BQL vịnh đã huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện hiện có và yêu cầu nhà thầu vớt rác bổ sung thêm 6 phương tiện chuyên dùng, tăng cường phương tiện bốc xúc, vận chuyển rác thải tại cảng Bến Đoan về điểm tập kết để xử lý.
Kết quả, chỉ trong 10 ngày (từ 14 đến 23/9) đã huy động 1.127 lượt nhân lực, 301 lượt phương tiện liên tục vớt rác phao xốp, bè tre trôi nổi trên vịnh cũng như rác trôi dạt vào các chân đảo, bãi cát. Có khoảng 643m3 rác (chủ yếu là tre, phao xốp và bè nuôi trồng thuỷ sản) đã được thu gom, xử lý; các điểm tham quan du lịch đã được dọn dẹp, làm sạch đảm bảo yêu cầu đón khách du lịch.
Tại cuộc thông tin báo chí thường kỳ ngày 24/9/2024, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng BQL Vịnh Hạ Long chia sẻ; để làm sạch hoàn toàn môi trường vịnh như thời điểm trước bão số 3, sẽ rất khó khăn do lượng rác thải sau bão quá lớn, bởi vịnh Hạ Long có diện tích rộng lớn với nhiều đảo đá, điều kiện khí tượng thuỷ văn phức tạp...
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng BQL vịnh Hạ Long thông tin kết quả chiến dịch “làm sạch rác vịnh Hạ Long” tại buổi thông tin báo chí thường kỳ ngày 24/9/2024. |
Với trách nhiệm là đơn vị được giao, quản lý Di sản thiên nhiên thế giới, ông Vũ Kiên Cường chia sẻ và nhấn mạnh; thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để làm sạch môi trường trên toàn bộ khu vực Di sản. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, giám sát môi trường và phối hợp với các ngành, địa phương ngăn chặn các nguồn rác thải phát sinh ảnh hưởng đến môi trường vịnh, sớm đưa Vịnh Hạ Long trở lại môi trường sạch đẹp như trước thời điểm bão số 3 đến.
Đồng hành cùng với cán bộ, nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long, nhân dân thành phố Hạ Long và các vùng phụ cận(vùng đệm của vịnh Hạ Long) như TP. Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên cũng đang huy động nhân lực thu dọn rác, phao xốp trên địa bàn, những loại rác này nếu không được thu, vớt kịp thời khi nước triều lên, xuống sẽ trôi dạt ra vịnh Hạ Long.
Thanh niên và lực lượng dân phòng phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên thu vớt vật liệu bè mảng, phao xốp trôi dạt bên bờ sông Chanh. |
Giải pháp căn cơ, lâu dài từ hậu quả cơn bão số 3.
Tại hội nghị Tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 (YAGI), ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động thiệt hại của bão số 3, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách đảm bảo có căn cứ. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất có thể, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, kế hoạch năm 2025 phù hợp với tình hình mới, với mục tiêu quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số liên tiếp trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024).
Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát kết luận Tại hội nghị Tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 (YAGI) ngày 21/9/2024. |
Đồng thời với chỉ đạo khôi phục phát triển kinh tế, các ngành, các địa phương phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tương quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, qua cơn bão này, các ngành liên quan cũng cần nghiên cứu hoàn thiện bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão; ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai thời gian tới. Quảng Ninh sẽ xây dựng Đề án khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão. UBND tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án này, với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão sẽ mang bộ mặt mới, phát triển hơn, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn; đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp, Than - Khoáng sản Việt Nam có chính sách giãn thời gian trả nợ đối với các hộ trồng rừng để tạo điều kiện cho các hộ khôi phục sản xuất…