Tuyệt tác sông Hương núi Ngự ở cố đô xưa
Du lịch 14/04/2021 17:41
Huế trở thành điểm đến lí tưởng trong tua du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước |
Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp cho tôi nhiều thông tin quý giá về mảnh đất, con người nơi đây. Trong câu chuyện dài, rất nhiều thông tin của ông, tôi hiểu nhiều hơn về văn hóa, thắng cảnh và ẩm thực, cảm nhận nét dịu dàng của Huế, vẻ đẹp trầm mặc pha chút kín đáo, huyền bí của người phụ nữ Huế và ấn tượng đặc biệt màu tím mộng mơ đặc trưng của đất này. Đặc biệt, có rất nhiều người cao tuổi cùng con cháu tham gia làm dịch vụ du lịch như hướng dẫn khách, làm du thuyền, bán các món ăn dân dã… và truyền dạy dân ca cho con cháu.
Ông Lễ cho biết: Sông Hương được tạo thành từ 2 con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, uốn lượn mềm mại vắt qua kinh thành Huế, từ khu vườn Vĩ Dạ ngát màu xanh, chảy qua khu vực kinh thành xưa, vào sâu trong đại nội, tử cấm thành, chạy qua trước chùa Thiên Mụ uy nghiêm, rồi hòa vào sông Bạch Yến trước khi đổ ra cửa biển Thuận An. Trước đây, sông Hương còn có nhiều tên gọi khác như Linh Giang, Lô Dung, Hương Trà, Thiên Trà Đại Dương, Yên Lục… Dòng chảy sông Hương êm đềm và nước thì quanh năm trong vắt.
Sông Hương nhìn từ chùa Thiên Mụ |
Tôi ngước lên hai bên bờ sông, những tòa nhà cao tầng hiện đại, khang trang, những mái chùa cổ kính cong vút đan xen, thấp thoáng trong lùm cây xanh rủ bóng soi mình dưới dòng nước xanh yên ả. Thuyền rồng nhè nhẹ lướt trôi, thoáng qua dáng mẹ đang lom khom giặt áo, vài nữ sinh thong thả khỏa chân rồi chí chóe té nước trêu nhau. Xa xa, đám trẻ thi nhau nhảy tùm xuống dòng nước, ngụp lặn, nhấp nhô bơi rồi đùa nhau cười thỏa thích. Âm thanh trong trẻo của tiếng chim gọi bạn, tiếng gió đùa qua khe lá hòa cùng tiếng nhạc, khúc ca Huế dễ thương đến hút hồn… tạo nên sự nên thơ hiếm có cho không gian vốn rất thanh bình. Đoạn ngoại thành, sông Hương càng đẹp hơn khi chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới, men theo nhiều làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Cây cầu Trường Tiền cổ kính soi bóng trên mặt sông, cây phượng lớn bên bờ rực đỏ khi mùa hoa đến, là điểm check-in lí tưởng cho những tay máy say mê săn ảnh. Nhiều cặp uyên ương cũng lựa chọn nơi đây làm bộ ảnh cưới tạo điểm nhấn quan trọng trong hạnh phúc của mình.
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương |
Thật đẹp. Có ai đó đã ví “sông Hương như một nét vẽ mềm mại và dịu êm trong bức tranh xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ và hữu tình”. Quả không sai, dòng sông đã mang lại cho mảnh đất cố đô này vừa như có thơ nhạc, mà lại trầm lắng và hài hòa trong nét đẹp của chiều sâu văn hiến. Có lẽ vì vậy mà con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô, là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa Huế và biết bao thi sĩ, nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều “đứa con tinh thần” đầy cảm xúc, để lại ấn tượng không thể quên trong lòng bạn đọc.
Ngày nắng, mặt sông lung linh ngàn hạt ngọc đuổi nhau theo từng làn sóng xô bờ, nhẹ nhàng và dịu êm. Khi màn đêm buông thì trên bờ, mặt sông hòa vào muôn sắc màu huyền ảo. Ánh đèn đủ màu từ những tòa nhà bên sông, những cây cầu bắc ngang lòng sông, từ thuyền rồng và đèn hoa đăng hắt lên lung linh mặt nước. Nếu không ngồi thuyền rồng, du khách có thể dạo chơi hai bên bờ, đi bộ trên những cây cầu gỗ đầy hoa xuống tận mặt nước, hít vào lồng ngực không khí thoáng đãng, trong lành hay ngồi thưởng thức các món bánh riêng có của cố đô, ngắm những tà áo dài duyên dáng dịu dàng qua lại.
Người cao tuổi trở thành hướng dẫn viên phục vụ khách nước ngoài |
Núi Ngự Bình còn gọi là núi Bài Thơ tọa lạc tại phường An Cựu, cách Nam sông Hương 3km, là cặp “uyên ương” cùng dòng sông Hương trở thành tên gọi trìu mến “sông Hương núi Ngự”. Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xung quanh để ngắm toàn cảnh thành phố Huế và cảm nhận hết vẻ đẹp của dòng Hương Giang thơ mộng; thấy cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính, vườn cây ăn quả mướt xanh... Xa hơn, dãy Trường Sơn trùng điệp ẩn khuất trong mây. Trải qua bao nhiêu năm tháng, rừng thông vẫn phủ xanh cả một vùng.
Bà Trần Thị Nga, làm dịch vụ du lịch cho biết: Để tham quan và trải nghiệm trên sông Hương một cách trọn vẹn nhất, du khách nên đến vào mùa Xuân hoặc mùa Thu, thời tiết dịu mát và nước sông trong xanh do không bị mưa bão. Cũng có thể đến vào các năm chẵn để tham dự Festival hoặc năm lẻ dự lễ hội làng nghề.
Du thuyền nghe ca Huế |
Từ nhiều năm qua, người dân Huế đã hiểu rõ giá trị của vùng đất văn hiến lâu đời, chung tay góp sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di sản cố đô, dân ca Huế. Áo dài nón lá đã trở thành biểu tượng du lịch, hấp dẫn du khách trải nghiệm khi đặt chân đến đây. Hằng năm, lễ hội đua thuyền trên sông Hương là cơ hội để các nam thanh, nữ tú thi thố tài năng, sức mạnh chèo thuyền trên sông nước.
Cũng theo ông Hồ Viết Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương diện tích trên 855ha đất, 503,8ha mặt nước, cải tạo, nâng cấp, tạo cảnh quan đô thị, văn hóa đặc trưng để phát huy giá trị nhằm góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững.