Trịnh Đình Lộ và “Miền thăm thẳm thi ca”
Văn hóa - Thể thao 07/12/2022 09:22
Xúc động, bởi khi tôi mới tập tọe viết báo, làm thơ thì anh đã là “cây đa, cây đề”, thuộc lớp văn nghệ sĩ đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) huyện (nay là thị xã) Đông Triều, đồng thời là hội viên Hội VHNT tỉnh. Xúc động còn bởi, tôi được anh giới thiệu và kết nạp vào CLB VHNT phường Đông Triều, lúc đó anh đang làm Phó Chủ nhiệm.
Cầm tập thơ “Miền thăm thẳm thi ca” còn thơm mùi mực, trong niềm xúc động tôi mạnh dạn viết đôi lời cảm nhận để tri ân thi sĩ - người anh, người bạn cao niên với tấm lòng trân quý.
Trong thời điểm trên các diễn đàn đang tranh luận rất sôi nổi về môn học Lịch sử có là môn thi chính các trường học không, thì Trịnh Đình Lộ có một loạt bài đưa người đọc tìm về với cội nguồn, về với những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước như; Cõi bờ, Đất mẹ quê ta, Chiến sĩ, Mẹ tôi và Xuân về…
Và mở đầu bài “Đất Tổ Hùng Vương”, thi sĩ gợi nhớ truyền thuyết Vua Hùng: “Nhớ ơn dựng nước Vua Hùng/ Ngàn năm con cháu xứng cùng tổ tiên”… “Ơi, miền đất Tổ Hùng Vương/ Phong Châu ngời sáng cội nguồn thuở xưa”.
Từ đây thi sĩ có một loạt bài viết về những di tích, tên đất, tên làng, những sự kiện của quê hương "Đệ Tứ". Tôi là công dân “xịn” của Đông Triều, đọc thơ anh, tôi mới ngộ ra nhiều di tích tôi chưa biết. Với các bài Dấu xưa còn về, Một dáng Quỳnh Lâm, Trở lại Hổ Lao, Chiều Bình Khê, Kí ức gọi về... thi sĩ ghi lại lịch sử của đất nước, của quê hương. Mỗi địa danh, anh đều nói lên một vài sự kiện.
Chẳng biết thi sĩ Trịnh Đình Lộ có duyên nợ gì với xã Bình Khê, vùng sơn lâm cùng cốc, mà có tới 2 bài viết về nơi đây. Từ một xã miền núi rất nghèo, ngày nay Bình Khê đã đổi khác nhiều. Nghe nói còn có sản phẩm mai vàng Yên Tử rất đẹp, nhiều hộ giàu lên nhờ trồng mai. Thi sĩ Trịnh Đình Lộ đã dành cho nơi đây những câu thơ thật ân tình: “Ngày ấy Bình Khê nghèo lắm/ Mấy nóc nhà tranh, lá đơn sơ”. Còn bây giờ: “Xao xuyến tình em ngọt mùa hoa trái/ Bình Khê ơi, yêu lắm đến khôn cùng” (Bình Khê hôm nay).
Cùng nói về quê hương, bài Hồ Khe Chè, thi sĩ dụng ý giới thiệu về một vùng du lịch sinh thái của Đông Triều, nằm trong vòng cung Đông Triều - Yên Tử: “Xanh thẳm non cao rừng Yên Tử/ La đà mây khói Ngọa Vân Sơn/ Đèo Voi, Dốc Mít bâng khuâng nhớ/ Hồ đập Khe Chè cảm hứng thơ”.
Thi sĩ Trịnh Đình Lộ có những bài viết về cha, về mẹ rất cảm động: “Mỗi khi đói lòng miệng khát/ Mẹ cho con chân cứng đá mềm” (Bài ca về Mẹ). Ở bài “Mẹ tôi”, anh viết về người mẹ nén lòng tiễn chồng, tiễn con ra trận khi đất nước có giặc: “Huyền thoại Mẹ trong lời ru chuyện kể/ Giặc giã mấy lần tiễn chồng, tiễn con”.
Chiến dịch chống đại dịch Covid là sự kiện lớn. Trịnh Đình Lộ có 5 thi phẩm viết về đề tài này in trong tập thơ khá kịp thời, có tác dụng động viên, khuyến cáo toàn dân thực hiện 5K phòng chống dịch. Qua cuộc chiến chống Covid, tác giả rút ra, trong hoạn nạn con người thương nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm ân tình hơn: “Người ta vui lắm bạc tiền/ Tôi vui sớm tối láng giềng lại qua/ Diệt Covid, chủng Delta” (Tôi vui). Hoặc là: “Covid đẩy lùi, kinh tế mở/ Nhà nhà khuyến cáo giữ 5K” (Xuân Đất nước). Với cách nhìn, cách nắm bắt của thi sĩ, giữa thời điểm dịch Covid đang diễn biến phức tạp, Trịnh Định Lộ đã đầy tin tưởng: “Nhưng Việt Nam ta có Đảng dẫn đường/ Có Chính phủ vững vàng chèo lái/ Bốn nghìn năm dân tộc này từng trải/ Thắng mọi kẻ thù - càng đoàn kết trước Covi”.
Chủ đề về tình yêu đôi lứa, tình nghĩa phu thê là chủ đề muôn thuở, là đề tài phong phú, tươi xanh để nhà thơ vung bút. Trịnh Đình Lộ, người từng trải đời, trải nghiệp và trải yêu. Tập thơ “Miền thăm thẳm thi ca” của anh có khá nhiều bài viết về đề tài này. Những câu thơ của anh ngọt ngào, tình tứ, lãng mạn, say đắm, mãnh liệt, yêu đến nghiêng ngả đất trời, dối cha mẹ và níu kéo người yêu hãy ở lại với mình: “Yêu nhau nghiêng ngả đất trời/ Dối cha, mẹ để bồi hồi trong nhau”, “Thầm thì ánh mắt, bờ môi/ Vui câu Quan họ... Người ơi đừng về” (Một thời). Yêu đến mức nhìn chiếc bánh phu thê cũng nhớ đến người bạn đời đã khuất: “Ru tình trong bánh phu thê/ Tìm người trong mộng câu thề tương tư” (Tháng Ba). Hình ảnh người lính ra trận đánh giặc mang theo hình ảnh, kỉ vật của người yêu trong ba lô, lãng mạn và trữ tình làm sao: “Em ơi, đi đánh giặc biết là gian khổ/ Tạm biệt quê hương anh hăm hở lên đường/ Mang tình em anh xông tới chiến trường” (Chiến sĩ).
Bài “Danh thơm” ghi “Mến tặng Nữ sĩ Đ.T.Tr”, bằng thể thơ lục bát, anh có những câu thơ, những chi tiết vừa ân cần, vừa lãng mạn, trữ tình, ý nhị khiến nhân vật trong thơ rưng rưng cảm động: “Đào - Mai ghen sắc liễu hờn/ Hàm răng na, bí má hồng kiêu sa”… “Em là con gái làng Na/ Làm thơ viết truyện em à rất hay”.
Tập thơ “Miền thăm thẳm thi ca” với 79 bài, gồm nhiều thể loại, nhiều bài ngắn, chỉ 4 dòng. Trịnh Đình Lộ rất có kinh nghiệm, anh không ham viết dài. Viết ngắn, cực ngắn mà hay là rất khó. Còn thể loại, anh thiên về thể thơ lục bát, thất ngôn bát cú, Đường luật, là những thể thơ rất khó, kén người đọc, nhưng anh có sở trường nên đọc hấp dẫn, cuốn hút mà không nhàm. Đặc biệt, anh có một số bài như văn nói mà lại rất thơ. Đấy là cái tài hiếm thấy ở các nhà thơ, phải có tài, có kinh nghiệm mới thành công, như các bài Tình cha, Bức tranh dân gian, Người nhạc sĩ tài hoa…
Cuối bài cảm nhận và gửi gắm tình cảm của mình, tôi chân thành chúc anh mạnh khỏe yêu đời, bạn đọc chờ đón tác phẩm mới của anh