Thơ lục bát, truyền thống ngàn năm thăng hoa!
Nghiên cứu - Trao đổi 19/12/2022 10:10
Từ thế kỉ thứ XV trở đi, thơ lục bát không chỉ rực rỡ trong ca dao mà hình thành rất nhiều tác phẩm văn học đương thời của các tác giả Lê Đức Mao (thế kỉ XV), Đào Duy Từ (thế kỉ XVI), Chu Mạnh Trinh (thế kỉ XVII) đã lần lượt ra đời các tác phẩm đặc sắc như Tống Trân Cúc Hoa, Trê Cóc, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Phan Trần, Nhị độ mai, Trương Chi, Quan Âm Thị Kính… đặc biệt, thế kỉ XVIII ra đời Truyện Kiều của Nguyễn Du với 3.254 câu thì thơ lục bát đạt đỉnh cao về bút pháp nghệ thuật, tài năng sáng tạo thi ca “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, một tác phẩm độc đáo vừa mang tính bác học, vừa thấm đẫm giá trị truyền thông dân gian, có một không hai mà cho đến nay chưa có tác phẩm nào xứng tầm như thế.
Âm hưởng thơ lục bát hằng ngày đã hoà nhập vào mỗi tâm hồn người Việt mà hầu như bất cứ ai đều có thể ứng khẩu đọc lên vài câu, đầy đủ vần điệu. Tuy nhiên, để có bài thơ lục bát hay, câu lục bát xuất thần cũng không phải dễ.
Lễ ra mắt Trung tâm thơ Lục bát Vạn Xuân tại Hà Nội ngày 9/10/2022. |
Là “con đẻ” của thơ lục bát, các lĩnh vực nghệ thuật sản sinh ra rất nhiều loại hình truyền thống như dân ca quan họ, các làn điệu chèo, hát cải lương, hát chầu văn, hát trống quân, hát ví dặm, hò sông Mã, hò Huế, ca bài chòi, đàn ca tài tử… trong số đó không ít loại hình đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong văn học hiện đại, từ khi xuất hiện thơ mới đến nay, các nhà thơ nổi tiếng ở nước ta đã sáng tác lục bát rất thành công như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Đồng Đức Bốn, Vương Trọng, Trần Nhương…
Ngày nay, trong trào lưu văn học và dòng chảy thi ca, phong trào sáng tác thơ nói chung, thơ lục bát nói riêng có chiều hướng gia tăng vượt trội. Bên cạnh sáng tác của các nhà thơ chuyên nghiệp thì có hàng triệu người thích làm thơ, nhất là sáng tác thơ lục bát chiếm số đông bởi thể thơ dễ làm, dễ thuộc. Từ trào lưu ấy, các nhóm yêu thơ lục bát, thích sáng tác đã tự nguyện, tự phát hình thành những sân chơi là câu lạc bộ thơ lục bát từ cấp xã, phường, đến cấp tỉnh, lan toả ra toàn quốc rất đông đảo, đủ các thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn, phổ cập một cách bình dân, thân thiện với môi trường văn hoá trong cộng đồng. Trong chừng mực, trào lưu ấy thể hiện rất rõ ý thức và khát vọng bảo tồn, phát triển thể thơ truyền thống này, góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực cuả ngôn ngữ Việt. Các câu lạc bộ hoạt động với nhiệt huyết đam mê, cổ vũ động viên người người viết, bình phẩm thơ của nhau nhằm nâng cao kĩ năng sáng tác trong điều kiện nghiệp dư với mong muốn góp phần nâng tầm vị thế thơ lục bát trong đời sống văn học, trong cộng đồng xã hội, để lại hàng nghìn cuốn sách về thơ, trong đó thơ lục bát rất phổ biến. Hằng năm, các câu lạc bộ, các tác giả trong phong trào quần chúng xuất bản số lượng sách chiếm tỉ trọng lớn nhất trong toàn bộ xuất bản phẩm văn học cả về số lượng và chất lượng. Nhiều người trưởng thành trong số đó được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn các địa phương. Chưa nói đến chất lượng nhưng về số đông ấy đã góp phần rất đáng kể trong việc làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ở cơ sở, trong việc góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản, ngành giấy và tạo việc làm cho người lao động các nhà in. Đây là vấn đề không nhỏ nhưng chưa được cơ quan Nhà nước quản lí về văn hoá quan tâm, chưa có chủ trương xây dựng, định hướng hoạt động của các câu lạc bộ, các Hội thơ văn quần chúng một cách bài bản, lành mạnh, hiệu quả tốt hơn.
Trong nhiều năm qua, những người yêu thơ lục bát ở ba miền xích lại gần nhau, từng tổ chức đại hội khu vực, tổ chức những “Ngày hội lục bát Việt Nam” để lại dấu ấn như những kỉ niệm đẹp về tinh thần, văn hoá. Xuất phát từ một nhu cầu thực tiễn, một nhóm các nhà thơ có sáng kiến thành lập một đơn vị sự nghiệp về thơ lục bát và lấy tên là “Trung tâm Thơ lục bát Vạn Xuân”. Cái tên có vẻ cổ kính nhưng cũng như nhiều tổ chức văn hoá, giáo dục mang tên Thăng Long, Đông Đô, Đại La, Hùng Vương… vậy! Vạn Xuân là quốc hiệu nước ta giữa thế kỉ thứ VI sau Công nguyên, hình thành và tồn tại từ năm 504 đến năm 602 vào thời Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương thống lĩnh trong kỉ nguyên Bắc thuộc.
Trung tâm Thơ Lục bát Vạn Xuân là một đơn vị sự nghiệp văn hoá, xã hội, tự nguyên ngoài công lập, hoàn toàn tự chủ về mọi mặt để hoạt động trên tinh thần phát huy năng lực, trí tuệ các nhà thơ, người yêu thơ, người làm thơ lục bát. Trung tâm có chức năng hội tụ các câu lạc bộ từ ba miền để lan toả trong xã hội. Mô hình Trung tâm mang bóng dáng của một Hội đoàn về thơ trong tương lai, mang tính đặc thù một tổ chức của những người có cùng sở thích thơ lục bát; nói rộng hơn, bao quát hơn là Hội tự nguyện của những người yêu mến và phát huy thể thơ truyền thống đặc thù của dân tộc, vừa bác học, vừa bình dân, song hành cùng với duy trì, phát triển tình yêu ngôn ngữ và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Những người yêu và làm thơ lục bát có một khát vọng lớn lao là rồi đây thơ lục bát được vinh danh để có thể trở thành Quốc thơ và được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại như tổ chức quốc tế này từng công nhận cho dân ca quan họ, đàn ca tài tử, hát xoan, hát chầu văn trong văn hoá thờ mẫu… Những loại hình nghệ thuật đó đều bắt nguồn từ thơ lục bát, tạo nên và lan toả từ lục bát.