Thơ lục bát “Nhất - Thủ” - bức tranh quê của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng
Văn hóa - Thể thao 23/05/2024 11:40
Thi sĩ Tân Quảng cũng có riêng kiểu thơ lục bát của mình nhịp “2 câu/1 khổ”. Đầu bài thơ, cũng là câu thứ nhất của khổ thơ thứ nhất. Tôi gọi kiểu thơ này của nhà thơ Tân Quảng là thơ lục bát “Nhất - Thủ”. Ví như các bài thơ “Em thơm như một tách trà”; “Tình mình bỏ đói đã lâu”; “Nỗi niềm đau thắt cả tim”; “Trống cơm lỗi nhịp tình bằng”; “Ới à bèo dạt mây trôi”; “Tôi là ai em là ai”; “Nghe ai hát điệu tò vò”…
Thơ lục bát truyền thống thường chia khổ 4 câu, hoặc đi liền bài. Thơ Lục bát dạng “Nhất - Thủ”, câu đầu là câu mở và câu thứ hai là câu kết, nhưng cũng là cầu nối cho câu thứ 3, tức câu đầu của khổ thứ 2. Bài thơ “Nỗi niềm đau thắt cả tim” là một ví dụ: Nỗi niềm đau thắt cả tim/ Đầm sen mưa lụt chết chìm phận tôi/ Lời nguyền thành nước bốc hơi/ Cái duyên hoá lũ vịt giời bay đi/ Giêng hai như gái lỡ thì/ Gả con chị, thương con dì… nằm chay/ Thác rồi cà cuống còn cay/ Rót trăng ngồi uống càng say càng buồn/ Môi nhàu trộm vía nụ hôn/ Nốt ruồi thành nấm mộ chôn cuộc tình/ Không hoa trơ trọi độc bình/ Cơn mơ ngày cũ vẫn rình bám đeo/ Than thân trách phận bạc nghèo/ Nhạt như nước ốc ao bèo người ơi/ Đêm ngày trời xé làm đôi/ Âm dương hai nửa cuộc chơi trốn tìm…
Đây là bài thơ tình buồn đau nhưng không bi lụy. Nỗi đau ấy thắt cả tim, được thể hiện bằng hình ảnh sau trận mưa đầm sen không chết lụt mà chết chìm phận tôi. Tác giả đau vì duyên phận của mình. Vì lời nguyền của người ấy thành nước bốc hơi. Vì cái duyên của người ấy đã hóa lũ vịt giời bay đi. Nói đến tháng Giêng hai ngày Xuân chưa hết, nhưng trong thơ của Tân Quảng thì ngày Xuân ấy đã tàn, giống như cô gái kia đã lỡ thì xuân sắc.
Tác giả cũng rất thành công khi vận dụng ca dao, tục ngữ vào thơ. Ca dao, tục ngữ xưa có câu Con chị nó đi con dì nó lớn, là nói về thế hệ nối tiếp trưởng thành. Còn Tân Quảng lại nói về tâm trạng của hai chị em Gả con chị đi lấy chồng, đáng lẽ phải mừng, nhưng lại thương con dì… nằm chay, là con dì chưa lớn, hay tình duyên chưa đến nên phải nằm chay một mình vì không có chị ngủ chung với mình nữa.
Nói về nỗi đau của người đã thác, nhà thơ lấy hình tượng con cà cuống trong ca dao: Thác rồi cà cuống còn cay, nghĩa đen là việc con cà cuống chết rồi, nhưng tinh dầu cà cuống vẫn còn cay. Nghĩa bóng của câu thơ này, là con người ta khi thác về thế giới bên kia, vẫn để lại tiếng thơm. Người trong thơ ấy khi đã thác về thế giới bên kia, vẫn để lại thương mến, đến nỗi tác giả vào một đêm trăng buồn lẻ bóng, đã rót trăng, uống trăng cho vơi nỗi buồn. Nào ngờ: Rót trăng ngồi uống càng say càng buồn, để rồi trong mơ nhớ thực: Môi nhàu trộm vía nụ hôn. Sao không là môi thắm, môi hồng? Có lẽ tác giả muốn nói đến đôi môi của người phụ nữ đã qua thì xuân sắc, qua thời môi thắm má hồng với nụ hôn nồng nàn say đắm? Giờ đã đến lúc môi nhàu, tác giả vẫn nhớ nụ hôn đầu, nhớ đến cả Nốt ruồi thành nấm mộ chôn cuộc tình. Hẳn là người phụ nữ ấy, có nốt ruồi duyên bên khóe miệng làm bao nhiêu chàng trai say đắm. Nhưng em chỉ có một, thế là nốt ruồi duyên ấy đã trở thành nấm mộ chôn bao cuộc tình. Có thể tác giả cũng là một trong những chàng trai đã yêu cô gái ấy, để bây giờ thành độc bình trơ trọi vì không có hoa Không hoa trơ trọi độc bình. Dẫu biết là chẳng thể có em, nhưng Cơn mơ ngày cũ vẫn rình bám đeo. Chẳng ai cấm được vẫn mơ về em, để rồi Than thân trách phận bạc nghèo. Thế nên tình mới Nhạt như nước ốc ao bèo người ơi.
Hai câu thơ cuối khép lại nỗi đau của cuộc tình, không phải vì anh nghèo, nên tình em lạnh nhạt mà vì duyên phận đôi ta, do trời định đoạt: Đêm ngày trời xé làm đôi, để Âm dương hai nửa cuộc chơi trốn tìm…
Bài thơ khép lại với dư âm những câu thơ lục bát thăng hoa của thi sĩ Tân Quảng. Sự thăng hoa trong câu chữ là bởi cái tình, vượt lên thành cung bậc, trong thơ có màu sắc của hội họa và cung bậc âm nhạc đan chen. Thơ lục bát hiện đại, nhưng mang âm hưởng của ca dao tục ngữ làm nên nét riêng khiến tác giả có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.