“Gom nắng cho hoa, thả hồn vào gió”
Văn hóa - Thể thao 16/02/2023 10:20
Dù chưa có dịp gặp, chưa tiếp xúc trực tiếp nhưng qua đọc tập thơ này tôi nhận ra tác giả là một nhà giáo, chỉ làm thơ từ khi rời bục giảng, bởi trong Lời tựa có viết “Gác chèo, tôi mới tập làm thơ”. Bà cũng giống như hàng chục nghìn người khác khi nghỉ hưu thường chiêm nghiệm về quá khứ, suy ngẫm cuộc sống thực tại, bộc bạch tâm tư... Rất nhiều người nhờ yêu thơ, làm thơ, tham gia sinh hoạt, giao lưu thơ trong các CLB mà sảng khoái tinh thần, khoẻ khoắn thêm ra, cảm thấy mình trẻ trung, minh mẫn.
“Tâm tư” là tập thơ khá đa dạng về thể loại. Trong gần 130 bài thì có 85 bài Đường luật, hơn 30 bài Lục bát, còn lại là tứ tuyệt, song thất lục bát, thơ tự do và ca dao, đồng dao, tiểu phẩm. Về cơ bản, tác giả sử dụng hai thể thơ truyền thống là Lục bát và Đường luật trở thành sở trường của mình.
Là nhà giáo trọn vẹn cả cuộc đời với nghề, nhập vai “người lái đò” nên tác giả phản ánh khá phong phú, đa dạng nhiều lĩnh vực, nhất là đề cập đến các nhân vật lịch sử, di tích lịch sử, đất và người, tinh thần yêu nước, ngoan cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc làm nên chiến thắng. Tác giả ngợi ca, ngưỡng mộ, tôn vinh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá từ Vua Hùng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Mảng thơ Lục bát của nhà giáo Cấn Thị Đới có nhiều nét ảnh hưởng của ca dao và Truyện Kiều: Trăng non lấp ló ngọn dừa/ Vung gầu là đã làm mưa thay trời/ Trăng nhòm xuống hỏi hai người/ “Thiếp, chàng đổ ánh vàng mười đi đâu?” (Tát nước đêm trăng). Trong ca dao cổ có câu: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?. Trong bài “Cỏ nội hoa ngàn” ngôn ngữ sống động để khắc hoạ tâm trạng con người trước hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ: Em không giăng lưới, chắn mành/ Mà sao anh mắc vào vành lưới em/ Tim hồng rạo rực lửa nhen/ Vì yêu anh đã bao phen trèo đèo/ Lưng đèo vi vút thông reo/ Lững lờ mây trắng, trăng treo la đà. Và dù chất ca dao được sáng tạo hiện đại mà vẫn thể hiện đậm chất dân gian: Vút cao hai đỉnh Ba Vì/ Núi ông rủ núi bà đi tiệc mời/ Nhanh chân bà xã tôi ơi!/ Ta về trời dự tiệc mời cung ta (Vua ông, vua bà)
Ưu thế, nổi trội trong tập thơ “Tâm tư” là những bài Đường luật chắc tay về niêm luật, về tứ thơ và hoàn chỉnh về đối, chặt chẽ về gieo vần: Biển rộng bao la như nghĩa mẹ /Non cao vời vợi tựa công cha/ Đồng xanh muôn thuở nay đơn bóng/ Mái bếp ngàn thu mãi vắng nhà (Nhìn ánh tà dương). Nói về nghề dạy học, tác giả bộc lộ khát vọng sự đổi mới, nâng tầm ngành giáo dục: Mòn tay viết bảng, tuổi xuân qua/ Dáng liễu, hình mai, nhuộm ánh tà/ Cố hữu, hoa khôi, đầu tuyết phủ/ Thân bằng á hậu, tóc sương pha/ Đêm mơ chở khách qua sông rộng/ Ngày mộng đưa người tới bến xa/ Kì vọng, tim hồng hồi nhiệt huyết/ Lái đò lướt sóng, vượt phong ba (Ước mong).
Vận dụng “Truyện Kiều” trong việc nhận diện chân dung các nhân vật từ tác phẩm của Nguyễn Du, bà giáo Cấn Thị Đới viết “Trăng tròn trăng vuông” là những mẩu chuyện vui “xung quanh Truyện Kiều-Nguyễn Du”, trong đó đáng chú ý là kể về cuộc đối đáp giữa gã buôn người Mã Giám Sinh và Thuý Kiều trong cảnh mua bán “cò kè bớt một thêm hai”. Trước mĩ nữ “nghiêng nước nghiêng thành”, gã Mã thách Kiều “trổ tài” một cách trơ trẽn bắt nàng phải đối. Ghìm nén đau thương, Kiều vịnh “trăng tròn” rất thông minh: Hỏi chàng Ngọc Thỏ bao nhiêu tuổi?/ Ướm chị Hằng Nga đã mấy con? Mây kéo trăng mờ đời bội bạc/ Vẫn trong như ngọc, tấm lòng son… Mã Giám Sinh chết ngượng nhưng y vẫn không buông tha...
Đáng chú ý một tác phẩm khác của Cấn Thị Đối viết như một trường ca ngắn “Truyền kì về Đinh Bộ Lĩnh” với 10 phần thơ. Bằng thể Lục bát, tác giả khắc họa, tái hiện nhân vật Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử dân tộc. Kết thúc phần 10 tác giả viết: Lung linh, nhấp nhánh tượng đài/ Tưởng như phảng phất bóng ngài đâu đây/ Tà dương thắm đẹp ngàn cây/ Im mây, bày nhạn dắt dây, dàn hàng/ Tri ân đức Đinh Tiên Hoàng/ Rừng phong, thu, dát ánh vàng hoàng hôn.
Đọc thơ Cấn Thị Đới thấy tác giả có sự tìm tòi, cân nhắc trong cách vận dụng ngôn ngữ, cách thể hiện thận trọng khai thác đề tài, trong đó rất nhiều bài xâu chuỗi dòng chảy lịch sử khi viết về các nhân vật, sự kiện và không gian sống, môi trường hoạt động của tác giả là “người lái đò” tải đạo của mình. Thơ chân thật, nhiều bài mộc mạc, bình dị, không hoa mĩ nhưng mang đậm nét riêng, phong cách riêng để tạo nên chất thơ vừa hiện thực vừa lãng mạn. Bà làm nhiều thơ Đường luật tưởng như cũ mà lại mới, có phần tân tiến, cách tân, giàu cảm xúc trữ tình toát lên niềm khao khát, ước mơ: Núi vàng, non bạc cũng tiêu tan/ Chỉ còn thơ trường tồn với thơ.