Tỉnh Bình Định: Bảo tồn giá trị di tích quốc gia Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ
Văn hóa - Thể thao 03/07/2024 11:20
Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ hiện là điểm du lịch về nguồn |
Người con đất Hoài Ân anh hùng
Theo hồ sơ di tích, dòng dõi họ Tăng, vốn có nguồn gốc từ phía Bắc vào lập nghiệp tại làng Mỹ Thành, huyện Bồng Sơn (nay là xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định) đã nhiều đời. Tuy nhiên đến thời ông nội Tăng Bạt Hổ thì sang An Thường, Ân Thạnh sinh sống và lập nên chi nhánh họ Tăng ở An Thường.
Qua lời kể của con cháu họ Tăng, gia đình Tăng Bạt Hổ (tức Tăng Doãn Văn) có tất cả 6 anh em, thuở nhỏ Tăng Bạt Hổ nổi tiếng thông minh và hiếu học. Năm 14 – 15 tuổi, ông đã vang danh là “bụng chứa đầy sách” và chữ viết rất đẹp. Thế nhưng, ông không theo con đường khoa cử mà dành nhiều thời gian để luyện võ. Ông có sức mạnh phi thường, nhảy qua được hàng rào cao trên 2m và giỏi về quyền thuật lẫn kiếm thuật, một mình có thể đánh ngã hàng chục người.
Tương truyền, Tăng Bạt Hổ từng hạ sát được cọp dữ ở Truông Chanh, An Thường trừ nạn cho dân lành nên bà con tặng ông biệt danh là Tăng Bạt Hổ. Năm Ất Hợi (1875) dưới triều vua Tự Đức, Tăng Bạt Hổ tình nguyện đi lính thay anh trai, tham gia vào hàng ngũ quân đội triều đình nhà Nguyễn.
Cũng trong hồ sơ di tích, từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào Đà Nẵng và Gia Định, Nhân dân cả nước ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, Tăng Bạt Hổ được điều ra Bắc tham gia chiến đấu trong đội quân của Trần Xuân Soạn. Với tài thao lược và ý chí cầu tiến, ông được triều đình thăng chức từ lính thường lên Xuất đội và Cai Cơ vào năm 1881.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tại đồn An Dũ, ông cùng một số quân binh thu hết vũ khí cùng lương thực trong kho đưa về vùng núi Kim Sơn, phía Tây huyện Bồng Sơn tích trữ, chiêu mộ nghĩa binh xây dựng căn cứ. Ông chọn dãy liên sơn địa thế hiểm trở, nay thuộc xã Ân Hữu, Ân Nghĩa và Đak Mang, huyện Hoài Ân tổ chức mật khu. Để tập hợp lực lượng, ông truyền hịch kêu gọi Nhân dân tham gia nghĩa quân đánh Pháp.
Sau thất bại của phong trào Cần Vương, bị thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn truy lùng gắt gao, tiên liệu không thể gây dựng lại được phong trào, tháng 8/1887, Tăng Bạt Hổ vượt sông Kim Sơn lên làng Nghĩa Điền, qua đèo Dốc Đót đi Tây Nguyên và ra nước ngoài tìm đường cứu nước. 5 tháng sau đó, ông tham gia phong trào Duy Tân và Đông Du.
Gìn giữ phát huy giá trị di sản
Những năm qua, dòng người và du khách hành hương tìm về di tích quốc gia Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ thăm viếng, thắp hương để tưởng nhớ công lao hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của chí sỹ yêu nước Tăng Bạt Hổ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tăng Văn Vũ (cháu đời thứ 5 của Tăng Bạt Hổ) được cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh giao trông coi, chăm sóc và bảo vệ khuôn viên đền thờ, cho hay: Hiện nay, Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ có diện tích 5.257,9m2. Năm 2001, đền thờ được xây dựng, sau đó được công nhận di tích cấp tỉnh và đến năm 2013, đền thờ được công nhận di tích cấp quốc gia. Khuôn viên đất đền thờ, có tục danh Gò Điếm, nơi ông đã từng luyện võ nghệ lúc thiếu thời, là nơi trao đổi thông tin liên lạc của nghĩa quân Cần Vương.
Anh Tăng Văn Vũ chia sẻ: Tại khu đền thờ còn lưu giữ nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời hoạt động yêu nước của Tăng Bạt Hổ cũng như gia đình ông. Tại khu vực Gò Điếm, xưa kia có ngôi miếu An Hòa và bên cạnh miếu có cây sộp cổ thụ. Đầu năm 1954, một cơn bão làm nhánh cây sộp gãy, Nhân dân địa phương phát hiện trong bộng cây có một súng lục kiểu xưa của Pháp và 4 viên đạn được cất giữ. Khẩu súng ấy được xác nhận là Tăng Bạt Hổ từng sử dụng và cất giữ.
Hiện nay, khẩu súng được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, gia tộc họ Tăng còn lưu giữ một bản phân thư chữ Hán lập năm Tự Đức thứ 33 (1880), ghi chép việc phân chia tài sản, ruộng đất của gia đình. Đây là tư liệu lưu niệm quý giá, có cả bút tích chữ ký và dấu ấn riêng của chí sỹ Tăng Bạt Hổ.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Cuộc đời chí sỹ yêu nước Tăng Bạt Hổ là chuỗi hành trình hoạt động sôi nổi miệt mài, nhằm mục đích đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc. Ông tham gia các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, là người có đóng góp lớn nhất cho các phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông xứng đáng được Nhân dân tôn vinh, Tổ quốc đời đời ghi công.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định Bùi Tĩnh chia sẻ: Sau khi UBND tỉnh Bình Định ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, thì di tích quốc gia Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ được giao quyền, phân cấp cho huyện Hoài Ân quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho biết: Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ được công nhận di tích cấp quốc gia là niềm tự hào của chính quyền và Nhân dân địa phương. Đền thờ không những là di tích, mà còn là điểm tham quan du lịch về nguồn thu hút du khách đến trải nghiệm. Qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của vùng đất Hoài Ân anh hùng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và con cháu họ Tăng là được tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ ngày mất của chí sỹ Tăng Bạt Hổ vào ngày 12/7 âm lịch hằng năm. Đề xuất này dựa vào ngày rước vong linh ông từ Huế về đền thờ năm 2013. Vì không biết cụ thể Tăng Bạt Hổ mất vào ngày nào, chỉ theo tư liệu ghi chép lại ông sinh năm 1858 và mất năm 1906.
Bia di tích lịch sử Đền thờ chí sỹ Tăng Bạt Hổ |
Anh Tăng Văn Vũ, cháu đời thứ 5 của chí sỹ Tăng Bạt Hổ |
Du khách tham quan du lịch về nguồn |