Sinh Cảnh của 3 trường thị giác
Văn hóa - Thể thao 18/01/2024 15:30
Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê, người sáng lập và điều hành Lân Tinh Foundation, đơn vị bảo trợ cho triển lãm Sinh Cảnh, chia sẻ: “Sinh Cảnh là chương I trong chuỗi triển lãm mĩ thuật Những trường thị giác được khởi xướng bởi Lân Tinh Foundation. Sau sự kiện này, chúng tôi quay ngược quá khứ, tiếp tục tổ chức một cuộc triển lãm về mĩ thuật Đông Dương tại Đà Nẵng. Triển lãm quy tụ 35 tác phẩm của 14 tác giả là thầy và trò Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương”.
Theo Ace Lê, quan điểm làm nghệ thuật của Lân Tinh Foundation là không tập trung tại một điểm, để công chúng ở những nơi xa hai đầu cầu đất nước Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Từ suy nghĩ ấy, Lân Tinh Foundation đã chọn Đà Lạt và Đà Nẵng làm nơi tổ chức những sự kiện văn hóa - nghệ thuật lớn, với mong muốn đem đến một làn gió mới tới công chúng.
Công chúng xem triển lãm Sinh Cảnh. |
Sinh Cảnh chính là làn gió mới đầu tiên Lân Tinh Foundation gửi tới công chúng Đà Lạt. “Ở triển lãm này, chúng ta thấy có 3 cách nhìn, 3 cách tiếp cận, thể hiện trên 3 loại chất liệu khác nhau: giấy, lụa, sơn dầu đã phần nào nói lên sự đa dạng trong các thực hành sáng tạo của 3 họa sĩ. Chưa kể, mỗi họa sĩ lại sở hữu một trường thị giác riêng. Những gì 3 họa sĩ nhìn thấy trong quang phổ của mình là độc bản”, Ace Lê nói thêm. Bằng con mắt của một nhà thực vật, Phan Thị Thanh Nhã đặt từng nhánh cây, ngọn cỏ, nụ hoa... dưới kính lúp hoặc kính hiển vi để quan sát, tỉ mỉ bóc tách các lớp biểu bì, rồi khảo tả thật chi tiết những gì vừa lướt qua trong trường thị giác của mình. Tiêu cự quan sát rất gần, cách phản ánh nặng tính nghiên cứu, chị tỏ rõ sự am tường trong việc phân loại và định danh những loài thực vật, bên cạnh vai trò là một họa sĩ minh họa thực vật. Năm 2023, Phan Thị Thanh Nhã là đại diện đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trong Cuộc thi minh họa thực vật quốc tế tại Giải thưởng Margaret Flockton, tổ chức ở Australia. Chị hiện là trợ giảng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Phạm Xeen thì trái ngược hẳn. Anh nhìn sự vật, hiện tượng qua lăng kính của người bố bị đột qụy. Mọi thứ trong quang phổ của Phạm Xeen đều bị vây bọc bởi một lớp sương mù: Tán, chuyển, bất định, không có điểm ảnh. Tranh của anh là những không gian không xác định, chấp chới, loang nhòe như thể đó là những phân mảnh của kí ức, những sinh cảnh lấp ló dưới cơn mưa. Nhòe mờ, lấp lửng, nó là đặc trưng của bút pháp Phạm Xeen.
Hà My là một họa sĩ tốt nghiệp Khoa Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội. Chị là một trong những họa sĩ hiếm hoi theo đuổi phong cách Trung Quốc họa. Thực hành hội họa của Hà My xoay quanh chủ đề chim muông và hoa cỏ. Chị đã học hỏi cách thể hiện đường nét, lực bút, cũng như cách đi nét, lót màu, phủ màu, chồng màu... trong truyền thống Trung Quốc họa, kết hợp với những kiến thức vẽ tranh màu nước của phương Tây để tạo ra một không gian có chiều sâu cho các tác phẩm của mình. “Thế mạnh của Hà My là sự tỉ mỉ, chỉnh chu, kiên trì truyền tải tính chính xác của chủ thể. Bên cạnh đó, chị còn tỏ ra ưu trội ở khả năng tạo sự uyển chuyển, linh động của những giọt sương óng ánh trong sớm mai”, Ace Lê tâm sự.
3 họa sĩ, 3 trường thị giác, 3 tiêu cự, 3 cách thực hành nghệ thuật, 3 sự bảo chứng cho những nới mở các góc nhìn nghệ thuật.