Phát huy truyền thống tốt đẹp trên vùng đất cổ Thường Xuân
Văn hóa - Thể thao 04/09/2021 13:00
Nhiệm kì 2015-2020, với quyết tâm chính trị cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ huyện Thường Xuân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kì 2015-2020 đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng - ngành nghề dịch vụ. Quy mô giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 3.918 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 35 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,23%. Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,8%, vượt kế hoạch 5,15%. Giá trị sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 962 tỉ đồng, gấp 1,46 lần so với năm 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 34.000 tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 80 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2015. Diện tích đất nông nghiệp được dồn điền, đổi thửa, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Bà con dân tộc Thái ở huyện Thường Xuân làm du lịch cộng đồng |
Đáng nói, hiện nay huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới ở các xã Ngọc Phụng, Thọ Thanh, thị trấn Thường Xuân; mô hình trồng dưa leo an toàn trong nhà lưới ở Xuân Dương; mô hình trồng cây bạc hà ở Thọ Thanh...
Với lợi thế về rừng, những năm qua huyện xây dựng và thực hiện thành công các đề án “Khoanh nuôi, tái sinh và phát triển bền vững rừng nứa, vầu, tạo sinh kế cho người dân các xã vùng cao có việc làm, thu nhập ổn định từ khai thác tận thu lâm sản ngoài gỗ, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong huyện”; Đề án “Phục tráng rừng luồng”; Đề án “Bảo tồn và phát triển cây quế Ngọc”. Đến nay, toàn huyện đã có 1.067 ha rừng được cấp chứng chỉ đạt chuẩn FSC quốc tế.
Hoạt động công nghiệp - xây dựng phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường. Công tác thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được quan tâm, với tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020, ước đạt 4.320 tỉ đồng, vượt mục tiêu đề ra. Bằng nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng 321 công trình, sửa chữa 100 công trình. Thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất với nguồn vốn lớn.
Mặc dù là huyện miền núi vùng biên nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng, thu đươc nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tăng thứ bậc cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Hoạt động văn hóa - văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, huyện rất quan tâm tới công tác giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững”, và đạt được kết quả đáng khích lệ. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 20-4-2016 về thực hiện “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 - 2020”. Vì vậy, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 22,18% năm 2015, xuống còn 7,23% năm 2019, cuối năm 2020 còn 4,23%.
Biên giới là khu vực nhạy cảm và phức tạp. Song những năm qua, công tác Quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện luôn được củng cố, trật tự an toàn - xã hội được bảo đảm. Trong đó, an ninh khu vực biên giới với nước bạn Lào luôn ổn định; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường. Công tác đối ngoại Nhân dân được quan tâm, đặc biệt giữa cư dân hai bên đường biên. Mở rộng công tác đối ngoại, kết nghĩa với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong 5 năm, hai bên đã tổ chức ký kết 2 văn bản thỏa thuận về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, 6 chương trình phối hợp khác của các ngành, các đoàn thể; chỉ đạo xã Bát Mọt tổ chức kết nghĩa và kí kết hợp tác trên các phương diện kinh tế - xã hội, trao đổi thông tin, giữ vững ổn định an ninh biên giới, nhất là việc bảo vệ đường biên, mốc giới với nước bạn Lào.
Ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy Thường Xuân khẳng định: “Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kì 2015-2020 là tiền đề để huyện Thường Xuân tiếp tục bứt phá trong nhiệm kì 2020-2025, với 27 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh trật tự, xây dựng Đảng và 3 chương trình trọng tâm, 2 khâu đột phá. Phấn đấu, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 13%. Tổng sản lượng có hạt hằng năm đạt trên 34.000 tấn. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng...Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và hướng đi đúng, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Xuân lần thứ XX, nhiệm kì 2020-2025 đề ra.