Vũ điệu của rừng…
Văn hóa - Thể thao 31/12/2020 10:40
Rừng và múa hát là hai điều luôn ám ảnh tôi trong những chuyến lên Sơn La với nhiều cung bậc cảm xúc. Hai điều này tưởng như tách bạch nhưng lại gắn với nhau bởi yếu tố con người và làm nên nét văn hóa độc đáo của vùng đất này…
Sống rừng nuôi, chết rừng chôn
“Tai pá phăng, nhăng pá liệng” (Sống rừng nuôi, chết rừng chôn) là câu tục ngữ của đồng bào dân tộc Thái - một dân tộc chiếm đến 54% dân số của tỉnh Sơn La - khi nói về vai trò của rừng. Với mỗi người Thái, rừng là nơi cung cấp sản vật từ hạt lúa, ngọn măng, mớ rau, đến cây gỗ làm nhà, con suối tắm mát… Rừng nuôi dưỡng họ trong suốt cuộc đời và là nơi thiêng liêng để họ thanh thản yên nghỉ khi qua đời. Vì thế, nói đến rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng, đồng bào luôn có thái độ trân trọng, coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người và trở thành luật lệ của bản Mường.
Năm 1975, lần đầu qua Sơn La, những người lính chúng tôi choáng ngợp về những cung đường ngoằn ngoèo và rừng già bạt ngàn. Thỉnh thoảng mới gặp một vài bản làng thưa thớt và những quán “tự giác” bán hàng nông sản không có người trông coi. Trên mỗi nải chuối, quả bí, rổ cam… đồng bào ghi sẵn giá tiền, người mua tự chọn hàng, tính tiền rồi bỏ vào một cái ớp tre. Hầu như không có người gian lận, trộm cắp nên hình thức mua bán này được duy trì từ lâu và khiến chúng tôi nhớ mãi…
Phong cảnh núi rừng Sơn La |
Bẵng đi mấy chục năm, năm 2000 và những năm sau đó tôi thường lên Sơn La công tác. Đường đi ngày càng mở rộng, nhưng rừng thì vãn dần, những quán hàng “tự giác” không còn. Năm 2004, tôi vào huyện Sốp Cộp vừa được tách ra từ huyện Sông Mã, hai bên đường chỉ thấy rừng lay lá vàng xuộm và những đồi cỏ lúp xúp. Tàn than từ cháy rừng, đốt nương, làm rẫy bay lởn vởn khắp nơi khiến bộ đội Đoàn Kinh tế quốc phòng 326 phải dùng lồng bàn đậy thúng gạo mới vo để không bị tàn rơi vào. Đêm nằm ở Đoàn 326 nghe kẻng báo động, bộ đội vội vã dậy đi chữa cháy rừng. Sáng ra, vào nhà ông Quàng Văn Chăn, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Mường Lạn nói chuyện, ông cười bảo: “Toàn rừng tạp, nó cháy thì cỏ mới mọc, trâu bò mới có cái ăn”.
Chuyện nghe lạ mà có cái lí của nó. Rừng ở đây lúc đó không còn là rừng mà chỉ là những đồi dốc đầy lau lách, khô hạn nghèo kiệt. Đoàn 326 vào làm công tác dân vận, khai hoang, trồng rừng, nhưng cũng chưa được bao nhiêu. Còn người dân thì chủ yếu trồng ngô, sắn trên nương nhưng “rừng không nuôi nổi người”, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám.
Rừng hồi sinh và rừng chuyển đổi
Mươi năm gần đây, Sơn La chuyển mình, tạo nên “một hiện tượng ở vùng Tây Bắc”. Nhờ chủ trương quyết liệt của tỉnh, diện tích đất lâm nghiệp tăng gần 820.000ha, chiếm 73% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất có rừng trên 610.000ha, đạt tỉ lệ che phủ 43,5%.
Sơn La còn có diện tích cây ăn quả 80.500ha, sản lượng hơn 300.000 tấn, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Đến Sơn La vào mùa Xuân sẽ gặp bạt ngàn hoa mơ, hoa mận, hoa đào ở Mộc Châu; vào mùa Hè thì gặp xoài Yên Châu, nhãn Sông Mã, chanh leo, bơ, na… ở hầu khắp các địa bàn. Nhiều người nói, Sơn La là “vựa hoa quả lớn thứ 2 ở Việt Nam” cũng không sai. Người dân biết chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; thay ngô, sắn bằng cây ăn quả, cây công nghiệp nên đời sống khá lên rất nhiều. Đất rừng tạp từ nghèo kiệt đã mang lại trái ngọt khi con người biết khơi dậy và quý trọng nó.
Được biết, đến năm 2025 tỉnh phấn đấu nâng diện tích rừng đạt 650.000ha, bao gồm cả diện tích cây ăn quả trên đất dốc, tỉ lệ che phủ rừng ở mức 50%; quản lí rừng bền vững 100.000ha, khoanh nuôi phục hồi rừng 20.000ha; trồng mới 9.300ha rừng tập trung… Nghe thì mừng, nhưng đây cũng là một bài toán khó, bởi đất rừng có hạn, những năm qua nhiều diện tích rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích. Theo điều tra rừng của tỉnh năm 2015, có 596ha thuộc vùng ngập Thủy điện Sơn La; 883ha xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư, thủy lợi, thủy điện nhỏ, khai thác khoáng sản; 2.100ha chuyển sang trồng cây công nghiệp. 1.222ha bị cháy, 1.181ha bị chặt phá làm nương trái phép… Rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả không đủ tiêu chí phòng hộ nên lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng thường xảy ra. Vì vậy, mục tiêu có 100.000ha cây ăn quả là điều cần tính toán kĩ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Câu chuyện 6.000ha cây cao su ở Sơn La sau 10 năm chưa mang lại lợi nhuận đáng kể vẫn còn là nỗi lo của hơn 7.200 hộ dân góp đất trồng loại cây được kì vọng là “vàng trắng” này.
Một số NCT Sơn La cũng tỏ ra băn khoăn khi người dân nay có cách nghĩ khác. Họ muốn chuyển đổi đất rừng sang trồng cây ăn quả để có cuộc sống khá giả chứ không muốn khoanh nuôi, phục hồi rừng tự nhiên, ít lợi nhuận. Đó là chưa kể Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược vừa khánh thành ở Vân Hồ và Trung tâm chế biến rau quả Doveco vừa khởi công ở Mai Sơn, giải quyết vùng nguyên liệu 65.000ha sẽ càng thúc đẩy việc mở rộng diện tích sản xuất…
Như vậy có còn giữ được rừng tự nhiên? Và câu nói của đồng bào dân tộc Thái “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” liệu có còn nguyên nghĩa?