Những nét văn hóa đặc sắc của người Bru - Vân Kiều
Văn hóa - Thể thao 30/01/2024 10:06
Đến nay, đồng bào Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình có 3 lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Đập trống của người Ma - Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (2019); Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (2021); Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (2023).
Bên cạnh đó, vào mỗi dịp đầu năm mới, sau Tết Nguyên đán, ở một số địa bàn, đồng bào Bru - Vân Kiều có tổ chức Lễ Đám chay (Giỗ họ); Lễ Buộc chỉ cổ tay... Quy trình tổ chức một lễ hội của người Bru - Vân Kiều dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu thành phần khách mời. Từ họ hàng, bạn hữu, các ban, ngành trong tỉnh, huyện, xã (tùy quy mô), những nhóm tộc người anh em sống quanh vùng đến khắp bản làng xa xôi hay khác nhóm tộc người.
Uống rượu cần trong tục cúng cầu sức khỏe của nhóm tộc người Ma - Coong (Dân tộc Bru - Vân Kiều) |
Trong Lễ hội Đập trống của người Ma- Coong (Ma - Coong là 1 trong 4 nhóm tộc người thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều), nghi thức huyền bí và hấp dẫn nhất là lúc mặt trống được mọi người tham gia lễ hội dùng một đoạn cây mây ra sức đập mạnh cho vỡ ra, để con cháu Ma - Coong được hưởng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bội thu và ấm no như họ hằng quan niệm và mong ước. Tính đoàn kết cộng đồng, sự cố kết giữa chủ thể và khách thể của lễ hội cũng như lòng mến khách của đồng bào được tỏ lộ rõ rệt khi dân bản, khách mời và du khách hiếu kì cùng vỡ òa hạnh phúc khi mặt trống được họ cùng nhau đập vỡ. Tiếng vỡ hùng vĩ đó tạo ra từ sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó và tấm lòng luôn rộng mở của người Bru - Vân Kiều.
Người Bru - Vân Kiều tổ chức Lễ Buộc chỉ cổ tay vào mỗi dịp đầu năm mới, trong những sự kiện đáng nhớ (cưới hỏi, tân gia, con đi bộ đội...), hay khi gia đình có người đau ốm để cầu sức khỏe, cầu an bình và may mắn. Trung tâm của buổi lễ là sợi chỉ, qua bàn tay, lời cầu khấn của thầy mo đã trở thành sợi dây linh thiêng và sẽ được buộc vào cổ, tay chủ thể của buổi lễ. Tất cả khách mời hay khách ngang qua ghé lại đều được đồng bào mời gọi tham dự và buộc chỉ vào cổ, tay. Sự tha thiết và chân thành đó sẽ khiến ai nấy đều cảm kích và hoan hỉ nhận lấy sợi chỉ linh thiêng để mong cầu sự an yên đến cho bản thân.
Gần như trong tất cả các ngày lễ, Tết, cúng phong tục, sau những nghi thức lễ tế thì người Bru - Vân Kiều sẽ mời nhau những hũ rượu cần. Rượu cần truyền thống của đồng bào được lên men từ nhiều loại rễ cây rừng gộp lại, trộn với cơm trắng rồi ủ. Rượu cần có vị ngọt thơm, thanh mát, càng uống càng nồng, càng để lâu càng ngon. Để uống, đồng bào dùng sừng trâu múc nước mưa đổ vào hũ rồi hút bằng ống nứa. Không chỉ khách mời, nếu ai có công chuyện vào bản làng của người Bru - Vân Kiều gặp dịp lễ hội hay cả ngày thường thì cũng sẽ được đồng bào đon đả mời những hũ rượu đang đầy ắp.
Lòng mến khách của đồng bào Bru - Vân Kiều hiền lành như dòng nước trong veo chảy dưới khe suối, chân thành như núi đồi sừng sững ngàn năm vững vàng trước những biến thiên, thăng trầm. Lòng mến khách ấy phát ra từ trong những di sản văn hóa huyền bí và đặc sắc mà đồng bào đang gìn giữ và trao truyền.