Độc đáo lễ buộc chỉ cổ tay cầu may của người Khùa
Nhịp sống văn hóa 21/02/2022 17:01
Theo phong tục, lễ buộc chỉ cổ tay của đồng bào Khùa được tổ chức tại nhà trưởng tộc, và tuỳ vào tuổi của từng gia chủ để chọn một ngày đẹp nhất trong tháng Giêng mà làm lễ.
Nghi thức cầu hồn, cầu vía trong lễ buộc chỉ cổ tay của đồng bào Khùa với mong muốn năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà sức khỏe |
Có mặt tại nhà bà Hồ Thị Loi, chồng bà Loi là trưởng một dòng họ ở bản La Trọng 1 của xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình nhưng đã mất, nên bà Loi cùng với con trai trưởng đứng ra lo việc lễ buộc chỉ cổ tay cầu may năm mới 2022. Trong cái rét như cắt da cắt thịt của những ngày giữa tháng Giêng, từ sáng sớm tinh mơ, con cháu trong họ tộc đã tập trung đầy đủ, ai nấy mỗi người một tay chuẩn bị cho ngày lễ của dòng họ mình. Những sợi chỉ (linh hồn của buổi lễ) được se rất mịn màng từ bàn tay của các bà các mẹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ mấy hôm. Các nam thanh, nữ tú tập trung nấu nướng để làm mâm cỗ, trước để cúng ông bà tổ tiên và sau là con cháu chung vui, tiếp khách quý đến xem lễ.
Gia chủ hoặc người già có uy tín của dòng họ cúng ông bà, tổ tiên trong Lễ buộc chỉ cổ tay cầu may năm mới |
Bà Hồ Thị Loi cho biết: “Lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa chúng tôi có từ lâu lắm rồi, và cũng không ai biết có từ khi nào. Lễ này phải được tổ chức ở nhà tộc trưởng mỗi năm một lần, mà năm nào cũng phải làm chứ không thể bỏ qua được. Nhằm cầu cho năm mới trong gia đình và người thân ai cũng luôn khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, nuôi con lợn con gà, lúa má trên nương được tốt tươi, con cháu đi học, đi làm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và đây cũng là ngày giỗ ông bà tổ tiên của người Khùa chúng tôi.
Khi mọi lễ vật, mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, gia chủ (trưởng tộc) chọn giờ tốt rồi bưng lễ đặt ở gian nhà trang trọng nhất (gian ngoài cùng, nơi chỉ chủ nhà mới được vào) cúng ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Mâm lễ cúng giỗ ông bà tổ tiên là thịt lợn luộc, xôi, một ít muối, nước và một ché rượu cần. Khác với người dưới xuôi là làm giỗ ông bà tổ tiên theo ngày mất, đồng bào Khùa của xã Trọng Hoá đều giỗ vào đúng dịp lễ buộc chỉ cổ tay trong tháng Giêng.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cho gia chủ và con cháu trong dòng họ không chỉ cầu may mà còn như một quy ước giao nhiệm vụ năm mới với nhiều quyết tâm trong học tập, lao động sản xuất phát triển kinh tế |
Sau khi cúng giỗ ông bà tổ tiên xong mới đến phần nghi lễ buộc chỉ cổ tay cầu may cho năm mới. Một mâm lễ được chủ nhà cùng con cháu chuẩn bị từ sáng sớm. Ở chính giữa mâm là một cây nến được làm bằng sáp ong cao độ 2 gang tay, bao quanh cây nến là những lá trầu được kết thành hình chóp nón, gần đỉnh chóp cắm các bông hoa mào gà màu đỏ, phía dưới đặt đặt một cuộn chỉ trắng thô mà bà con tự tay mình dệt, hai tấm vải màu trắng dùng để may váy cho đàn ông, hai tấm vải sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ. Trên mâm lễ còn đặt các sản vật khác như: bánh nếp hình chóp gói bằng lá dong, xôi nếp, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, hoa quả, tiền đi lễ của các thành viên trong dòng họ. Ngoài mâm lễ chính còn có một chiếc đĩa dùng để đặt các lễ vật cho thầy cúng, gồm trứng gà luộc, bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc, ít hoa mào gà...
Mâm lễ được đặt gian giữa nhà, chủ nhà cùng con cháu, người thân ngồi tập trung xung quanh. Khi cây nến trên mâm lễ được thắp lên, một thầy mo là người ngoài dòng họ, có uy tín trong bản được mời đến để cúng gọi hồn, gọi vía về chứng giám cho lòng thành con cháu trong gia tộc. Đồng thời tất cả con cháu ngồi xung quanh đều chạm một tay vào mâm lễ nâng lên và cùng cầu nguyện những điều tốt lành đến với mình và gia đình, người thân trong năm mới.
Không chỉ con cháu, người thân trong dòng họ mà cả những người khách ở các nơi khác tham dự cũng được buộc chỉ cổ tay cầu may năm mới |
Người Khùa tin rằng, ngoài linh hồn của ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng gọi là vía. Vía của mỗi người được kết nối với trời đất và với thế giới tâm linh. Chạm tay vào mâm lễ chính là thể hiện lòng thành kính của những người đang sống với những người đã khuất và với thế giới tâm linh.
Khi bài cúng gọi hồn, gọi vía đã xong, mâm lễ được đặt xuống lại vị trí cũ, thầy mo lấy một sợi chỉ trên mâm buộc cho gia chủ đầu tiên, sau đó tiếp đến là buộc cho những người ít tuổi hơn trong dòng họ với lời chúc luôn luôn khoẻ mạnh, con cháu học hành chăm ngoan, ngô thóc đầy bồ, lợn gà đầy chuồng…
Sau nghi thức buộc chỉ cổ tay, con cháu trong dòng họ tập trung cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc sản do bà con tự làm ra, thể hiện sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau |
Để đáp lễ, thầy mo cũng được chủ nhà buộc chỉ vào tay cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp. Thầy mo và gia chủ cũng buộc chỉ vào cổ tay cho những người khách, hàng xóm đến tham gia ngày lễ với lời chúc tốt lành.
Bà Hồ Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hoá cho biết: Tục buộc chỉ cổ tay là một nét đẹp truyền thống văn hoá của bà con người Khùa xã Trọng Hoá. Phong tục này được lưu giữ và bảo tồn từ lâu, nó không phải mê tín dị đoan, không tốn kém nhiều. Nó không chỉ cầu chúc cho nhau bình an sức khoẻ, tự tin trong hoạt động lao động sản xuất và học tập, mà còn thể hiện sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong dòng họ, trong bản làng để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
“Mấy năm vừa rồi do tình hình dịch Covid 19 căng thẳng nên bà con không tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay. Còn năm nay, tình hình dịch dã đã đỡ hơn rồi, nhất là đa số bà con đều đã được tiêm mũi 2, mũi 3 vắc xin phòng Covid 19 nên bà con đã tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay trở lại. Và chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Ciovid 19, đặc biệt số người đi làm ăn xa trở về có nguy cơ mắc bệnh cao thì thực hiện cách li đúng quy định, tuyệt đối không được đến những nơi đông người, nơi tổ chức lễ”, bà Hồ Thoi cho biết thêm.
Đặc biệt rượu cần là món không thể thiếu trong lễ buộc chỉ cổ tay cầu may năm mới của đồng bào Khùa |
Tuy chỉ là một vật vô tri nhưng qua mỹ tục của đồng bào người Khùa, sợi chỉ trở thành kỷ vật tượng trưng ẩn chứa trong đó một sức mạnh, thể hiện sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người về nguồn cội, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi cùng hướng đến một tương lai tươi sáng.