Nghệ nhân “giữ lửa” cho những câu hát đúm
Văn hóa - Thể thao 08/03/2024 10:08
Sinh ra và lớn lên ở vùng đảo Hà Nam, cụ Bấc cũng giống như bao chàng trai, cô gái ở vùng đất này, hiểu và đam mê với những làn điệu hát đúm quê hương. Hồi nhỏ, cụ Bấc đã đam mê những câu hát của mẹ, rồi lớn lên cụ lại theo những câu hát của cha khi đi đánh cá trên sông, trên biển. Để rồi năm 15 tuổi, cụ theo chúng bạn đi muôn ngả khắp đảo Hà Nam hát đúm. Những câu hát đúm đã đi vào trong giấc ngủ, bữa ăn của cụ.
Cụ Bấc kể: “Thuở 15 tuổi, tôi cùng chúng bạn trong làng đi hát với những cô gái, chàng trai làng bên, có những canh hát thâu đêm, hát mấy ngày. Ăn cơm xong lại hát, hát say sưa như thể không biết mệt mỏi. Có lúc hát trong các lễ hội, hát trước biển cả, lao động hăng say. Rồi có khi bà còn được những thầy Đội, thầy Cai mời hát. Họ thích nhất là hát những bài đi lính, đi học, đi cấy... Phải chăng những câu hát đã chạm vào trong nhịp tim của họ để rồi họ thêm yêu và trân trọng nghệ thuật dân gian? Nhiều canh hát họ hay thưởng cho chúng tôi nhiều thứ lắm, trong đó có thuốc lá, rồi tiền…”.
Cụ Vũ Thị Bấc. |
Cụ còn kể thời con gái, có lần đi cấy đổi công ở trong làng, những lúc nghỉ ngơi cụ cùng chúng bạn “nảy” những câu hát đúm để hát cho vui và cũng để quên đi mệt nhọc trong những buổi làm đồng. “Cũng chính vì mê hát đúm, mà ông nhà cũng đã thầm thương trộm nhớ tôi. Ông nhà tôi thì không biết hát, nhưng mê hát lắm. Cứ mỗi lần hội của làng, hay các dịp chơi Xuân ông ấy thường theo chân các liền anh, liền chị đi xem hát hội. Và từ những câu hát rất đỗi mộc mạc, thân thương đó mà chúng tôi nên vợ chồng” - cụ Bấc bộc bạch.
Hiện, cụ Bấc còn lưu giữ và sáng tác được hơn 200 bài hát đúm. Bao gồm nhiều thể loại như hát mời trầu, hát gặp, hát chào, hát tìm (hay còn gọi là hát giao duyên), hát đi lính,... Theo cụ, để hát đúm được hay, trước tiên cần phải có niềm đam mê và hiểu. Bởi lẽ, hát đúm là một thể tài của văn học dân gian, đòi hỏi phải am hiểu cả vốn sống và phong tục của quê hương mới hát được những câu hát đúm.
Không dừng lại ở việc trau dồi kĩ năng và sáng tác, cụ Bấc còn dùng vốn tri thức của mình để truyền dạy lại cho nhiều thế hệ học trò. Bởi theo cụ, việc bảo tồn và phát huy những câu hát đúm là việc cần thiết, góp phần bảo lưu các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tính đến nay, số học viên theo học với cụ đã lên đến hơn 70 người. Nhiều học trò của cụ trở thành hạt nhân văn nghệ, đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Cụ Bấc cũng cho biết thêm, hiện nay cụ cũng đang sáng tác, sưu tầm thêm những bài hát đúm mới với các thể loại như hát đối, hát đi học, hát nông nghiệp, lịch sử. Điều đặc biệt hơn cụ vẫn sáng tác những bài hát đúm cổ dựa vào các sự tích của truyện Lục Vân Tiên, truyện Kiều, và một số tích truyện xưa.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội NCT phường Phong Cốc cho biết: “Nghệ nhân Vũ Thị Bấc là người tận tụy trong việc lưu giữ làn điệu hát đúm cổ, bên cạnh đó cụ cũng là người tham gia sôi nổi các hoạt động ở địa phương. Những đóng góp của cụ góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hoá của thị xã Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung”