Lễ hội đền Đức Hoàng: Nét đẹp văn hóa vùng quê Lúa
Văn hóa - Thể thao 24/01/2020 14:27
Đền Đức Hoàng được xây dựng trên vị trí đắc địa ở xã Phúc Thành, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đền được ví là một trong “Đông Thành bát cảnh” (tám cảnh đẹp nhất đất Đông Thành xưa) bởi phong thủy uy nghi, cổ kính bao quanh. Đền Đức Hoàng là nơi chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà, đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ rước kiệu đền Hoàng |
Hằng năm, lễ hội được tổ chức đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cư dân bản địa. Lễ hội đền Đức Hoàng thường diễn ra trong 3 đến 4 ngày với nhiều hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa như: Giải bóng chuyền nam, nữ; thi đấu vật truyền thống, đẩy gậy, kéo co; thi trống tế giữa các dòng họ; đua thuyền; liên hoan văn nghệ các làng văn hóa...
Nhiều năm qua, Ban quản lí Đền luôn làm tốt công tác an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội. Bố trí địa điểm gửi xe cho du khách, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường, xóa bỏ các tệ nạn xã hội... Để thu hút khách thập phương, Ban quản lí đã tiến hành tu bổ tôn tạo các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp từ nguồn kinh phí nhà nước và quỹ công đức của đền với gần 600 triệu, bài trí lại các hiện vật nhằm tạo sự tôn nghiêm của đền và cảnh quan xung quanh đẹp hơn.
Lễ hội đền Đức Hoàng là nét đẹp truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của di tích và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân Yên Thành và du khách thập phương. Với mong muốn đền Đức Hoàng trở thành địa chỉ đỏ trong du lịch tâm linh của huyện Yên Thành, ông Phạm Xuân Tuyết - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện chia sẻ: Cán bộ và Nhân dân huyện nhà sẽ cố gắng bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của đền, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm và Nhân dân chung tay xây dựng đền Đức Hoàng ngày càng khang trang cổ kính