Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đền Đức Hoàng - Điểm hẹn đầu năm của du khách thập phương.
Nhịp sống văn hóa 15/02/2024 17:30
Lễ rước tại lễ hội đền Đức Hoàng |
Đền Đức Hoàng nằm trên địa bàn xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, là một trong những di sản văn hóa của tỉnh Nghệ An. Xã Phúc Thành được coi là miền "đắc địa" nơi quần sơn, tụ thủy, tích đức, sinh tài. Nơi đây nằm trong vùng giao thoa giữa nền văn hóa Bắc – Nam, có núi sông thơ mộng, dân cư đông đúc và thuần hậu. Các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng sớm xuất hiện ở Phúc Thành có tính chất tiêu biểu cho vùng văn hóa tâm linh của huyện Yên Thành. Nổi bật hơn cả là đền Đức Hoàng (Hoàng Long từ). Trong đền hiện còn lưu giữ được 2 đạo sắc do vua Tự Đức phong (một sắc năm 1852 và một sắc năm 1886), cả 2 đạo này đều ghi "Hoàng Long chi thần".
Mỗi ngày có hàng vạn du khách đến thắp hương cầu an |
Đền Đức Hoàng thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, võ tướng thời Trần, sinh tại làng Vạn Phần, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Thời niên thiếu, ngài có sức khỏe hơn người, vật giỏi, có tài bơi lội. Vào đời vua Trần Nhân Tông năm Thiện Bảo 1285 nước ta bị giặc Nguyên - Mông xâm lược. Hoàng Tá Thốn nghe theo lời gọi cứu nước của triều đình lên đường đánh giặc. Với tư chất thông minh, mưu trí và có tài bơi lội nên ngài được một tướng chỉ huy tiến cử lên Hưng Đạo Vương và được vào thủy quân thiện chiến của nhà Trần. Sau thời gian luyện tập, thấy Hoàng Tá Thốn có tài, đức và dung mạo khác thường đúng như lời truyền tụng nên Trần Hưng Đạo đã đưa ông về làm nội gia đồng tử và huấn luyện thêm về binh thư, binh pháp. Ông có nhiều công lao lớn trong đánh giặc ngoại xâm, lừng lẫy nhất là cuộc chiến trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288. ông được giao trọng trách thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu, thuyền, dùng chiến thuật đục thuyền địch. Quân Nguyên Mông đại bại, tướng giặc Thoát Hoan chạy về nước, tướng giặc ô Mã Nhi bị bắt sống. Sau chiến thắng Bạch Đằng, vua Trần Nhân Tông sắc phong ông là Hải Đại tướng quân thống lĩnh các đạo thủy quân coi giữ 12 cửa biển.
Đền vẫn giữ được nét cổ kính |
Ngoài thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, đền Đức Hoàng còn thờ Bạch Y công chúa, là con gái của vua Hồ Quý Ly; thờ Phật Thích ca, công chúa Liễu Hạnh và thờ thần rắn. Sự thờ phụng trong đền giữa các bậc tiền nhân có công giữ nước với Phật, Thánh Mẫu tạo nên "tam giáo đồng nguyên", như một sự giao hòa giữa trời, đất, núi sông, giữa tâm linh và trần thế. Vì thế, đền Đức Hoàng được người dân trong vùng và các vùng lân cận xem là địa chỉ tâm linh hết sức linh thiêng, mỗi ngày đón hàng vạn du khách đến chiêm bái. Ngày 24/1/1998, đền đã được Bộ VH – TT công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đền có 3 tòa Thượng điện, trung điện và hạ điện quy mô kiến trúc không lớn nhưng cổ kính linh thiêng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của nhiều làng xã.
Khu vực soạn lễ luôn gọn gàng |
Đến đền Đức Hoàng, du khách được hòa mình vào không gian trong lành, thoáng mát mà không phải nơi du lịch tâm linh nào cũng có. Giữ được nét riêng này bởi ngôi đền cổ kính được tọa lạc trong một không gian xanh với hệ thực vật phong phú, lâu đời, phía trước là hồ nước rộng, trong mát. Mùa hè, nhất là vào kỳ sen nở rộ, nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Vãn cảnh đền trong cảnh non xanh, nước biếc hòa quyện cùng hương sắc của sen đem đến cho mỗi người cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, bình an.
Lễ hội đền Đức Hoàng Được xưa được tổ chức nhiều ngày, hiện đã rút lại tổ chức từ ngày 17/2 đến 21/2. Trong đó, phần lễ gồm: khai quang, yết cáo, lễ rước, lễ tế, và lễ tạ; Phần hội được diễn ra phong phú với các trò chơi truyền thống như kéo co, đẩy gậy trống tế, đua thuyền, xen với các trò chơi dân gian phong phú và hấp dẫn.
Công tác đảm bảo giao thông luôn được Ban quản lý đền chú trọng |
Theo Ban Quản lý di tích đền Đức Hoàng, từ đầu những ngày Tết Nguyên đán, nhất là mùng 1 đến mùng 3 Tết có hàng nghìn người đến Đền xin lộc. Bên trong khu chính điện lúc nào cũng đông nghịt người, các đĩa đặt lễ luôn xếp san sát nhau.
Ban Quản lý đền luôn chú trọng làm tốt công tác an ninh trật tự trong những ngày người dân đến dâng hương đền. Bố trí địa điểm gửi xe cho du khách, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường, xóa bỏ các tệ nạn xã hội...để thu hút khách thập phương. Mới đây, Ban Quản lí đền đã tiến hành tu bổ tôn tạo các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp từ nguồn kinh phí nhà nước và quỹ công đức của đền, bài trí lại các hiện vật nhằm tạo sự tôn nghiêm của đền và cảnh quan xung quanh đẹp hơn.