Hội Minh thề
Truyện ngắn 24/10/2021 08:13
Thái hoàng Thái hậu đi lại trong căn phòng này không biết bao nhiêu lượt. Trong bà đang ngổn ngang biết bao tâm tư, suy tính. Đất nước vẫn đang ngổn ngang, chưa yên hẳn, các thế lực vẫn cát cứ, chờ dịp để nổi dậy. Ấp Lan Niểu bà đã lập xong, dân cũng ổn định cuộc sống, nhưng cần phải làm gì đó để yên lòng dân, hướng tới đắc nhân tâm để phát triển cuộc sống được vững bền. Làm gì thì làm, dứt khoát phải tính cho chu toàn mọi việc bà mới yên tâm. Dân quần cư đồng đúc là chuyện mừng, nhưng việc tín ngưỡng, tâm linh cũng phải chu tất, không thể lơ là được.
Ngẫm cuộc đời bà trải qua bao thăng trầm, vất vả mới có được ngày hôm nay. Thưở còn con gái, từ làng Chè bà sang Cổ Trai lấy chồng khi ông còn hàn vi, làm nghề chài lưới bắt cá. Cha mẹ ông phải mở quán nước ở bến đò kiếm sống qua ngày. Gia đình ông không có ruộng đất, chỉ định cư ở đây chuyên xe gai đan lưới phơi chài. Từ khi về nhà chồng, bà phải tần tảo buôn bán giúp ông ăn học, phát huy sở trường giỏi võ, giỏi vật. Bà còn mời thầy dạy binh thư, binh pháp cho ông. Vốn sẵn có truyền thống thông minh, hiếu học của tổ tiên, lại có chí quyết lập công danh, khôi phục danh tiếng dòng họ, đền đáp công lao người vợ đảm, ông học đâu nhớ đó, rồi thi đỗ Võ trạng nguyên, được xung vào quân Túc vệ. Do lập nhiều công trạng, ông được nhà vua cất nhắc rồi trở thành võ tướng. Tình hình triều chính rối ren, nhiều thế lực nổi dậy, nên ông quanh năm phải lăn lộn nơi sa trường dẹp loạn.
Trong tình cảnh đó, một mặt bà vẫn tần tảo lo lắng gìn giữ gia cang, một mặt bà chăm bẵm, nương tựa vào tín ngưỡng, tâm linh để yên tâm sống và mong cho ông bình an, lập được nhiều chiến công. Không chỉ giúp chồng thành đạt, bà còn giúp hai em chồng và đích tử học hành tấn tới. Khi ông được nhường ngôi, dựng nên vương triều, bà được phong chính cung Hoàng hậu, cai quản nội cung. Nhờ luyện được đức tính chính trực, sáng suốt, nhân từ, bà được các cung nữ kính phục, tin tưởng, các hoàng thân quốc thích thấy vậy đều ra sức phụng sự vương triều, thượng tôn pháp chế. Vương triều yên ổn, không xảy ra hiện tượng hoàng thân quốc thích cậy thế lộng hành, không có hiện tượng người kém tài, kém đức mà được cất nhắc, tuyển dụng, hiếm triều đại đế vương nào sánh được điểm này. Sau ba năm tại ngôi, người lui về làm Thái thượng hoàng, bà thành Thái hoàng Thái hậu, việc tín ngưỡng, tâm linh vẫn chỉn chu, đâu dám sơ sài?
Tổng kết lại, bổng lộc được hưởng phần lớn bà dùng vào việc phúc đức, đóng góp công, của cho việc tu bổ, xây dựng chùa. Bà đã hưng công vào bao nhiêu chùa, bà không nhớ rõ, chỉ biết chùa ít nhất cũng mươi quan tiền, chùa nhiều nhất đến sáu nghìn lá vàng. Đất cúng tam bảo thì chùa ít mươi mẫu, chùa nhiều đến ba chục mẫu.
Lần này việc hưng công tu bổ chùa Thiên Phúc, một ngôi chùa cổ ở làng đối với Thái hoàng Thái hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên phải lo thật chu toàn. Bà quay sang hỏi lão nô tài thân tín:
- Chẳng hay việc tu bổ chùa Thiên Phúc đến đâu rồi? Ta nóng ruột quá.
- Khởi bẩm Thái hoàng Thái hậu! Người cứ yên tâm, mọi việc tiến triển rất hanh thông. Chắc khoảng tháng nữa là xong đâu vào đấy. Việc này các bầy tôi đâu dám lơ là! Đám thợ và nghệ nhân làm việc miệt mài lắm – lão nô tài cung kính trả lời.
- Tình hình đất nước giờ vẫn đang rất rối ren. Mặc dù triều đình có nhiều chính sách cởi mở để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng bên ngoài vẫn tồn tại các thế lực cát cứ, chờ cơ hội để nổi dậy chống lại triều đình. Ta phải làm gì đó để trấn an nhân tâm và lấy xã tắc làm trọng.
- Dạ! Khởi bẩm Thái hoàng Thái hậu! Người dạy chí phải.
- Chùa tu bổ xong rồi, ta muốn xuất tiền tậu ruộng cúng dâng tam bảo. Việc hưng công để tu bổ chùa khanh phải làm thật chỉn chu, minh bạch, nhớ ghi rõ tên tuổi, chức tước và số ngân lượng đóng góp, sau này còn ghi vào văn bia, để đời sau ghi nhớ.
- Khởi bẩm kết quả ngoài sự mong đợi, số ngân lượng do các thân vương, công chúa, quan tướng hưng công vượt xa dự kiến ban đầu. – Lão nô tài phấn khởi bẩm cáo.
- Tốt. Vậy số dư để tậu ruộng dùng vào việc tuần tiết lễ hội. Một phần diện tích chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc, một phần dùng để lập quỹ giúp đỡ người nghèo, cố nhân, quả phụ.
- Bẩm, tuân mệnh Thái hoàng Thái hậu! – Lão nô tài cung kính lui ra.
Thấm thoắt chùa đã tôn tạo xong, ruộng cũng tậu xong, Thái hoàng Thái hậu vẫn chưa yên tâm. Số ruộng bà bỏ tiền riêng cũng tậu được hai mươi lăm mẫu, tám sào, hai thước, bà dành để cúng dâng tam bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa, tổng cộng vào cũng dễ đến cả trăm mẫu. Số ngân lượng còn dư, bà cũng đã cho tậu bốn mươi bảy mẫu để chia cho dân cày, một phần sử dụng làm ruộng công. Đó là việc đáng mừng, nhưng bà cũng thấy lo lo. Giờ công điền nhiều, lại sẽ có quỹ giúp đỡ người nghèo, tài sản của công nhiều, việc quản lí e rằng có phần phức tạp, phải làm gì đó để ngăn chặn tư tưởng tham nhũng của công. Bà cho gọi lão nô tài vào giao việc:
- Khanh cho triệu tập cuộc họp các chức sắc trong làng và toàn thể người dân, ta có điều muốn bàn.
- Bẩm tuân mệnh Thái hoàng Thái hậu! – Lão nô tài kính cẩn lui ra.
Thái hoàng Thái hậu rất hài lòng về kết quả cuộc họp, hầu hết chức sắc và dân làng đều ủng hộ ý kiến của bà. Tất cả đều thống nhất gọi sáng kiến của bà là “Hội Minh thề”, với mục tiêu thề với thần linh, đất trời và dân làng lấy chí công làm trọng, tuyệt đối không xâm phạm của công. Hội sẽ được cử hành vào ngày mười bốn tháng Giêng hằng năm. Việc xây dựng thành phần và thủ tục tiến hành Hội Minh thề đã hoàn tất. Việc soạn hịch văn cũng đã giao cho người văn hay chữ tốt thực hiện. Để cẩn trọng, bà phải duyệt lại lần cuối. Lão nô tài thân tín trịnh trọng đọc lại hịch văn cho Thái hoàng Thái hậu nghe:
- Khởi bẩm Thái hoàng Thái hậu! Xin người lắng nghe nội dung Hịch văn Hội Minh thề! – ông dọn giọng đọc:
“Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”.
“Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.
“Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ mười tám tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.
Thái hoàng Thái hậu rất vừa lòng lời văn trong Hịch văn Hội Minh thề này. Quả đúng như vậy, việc làm nào của con người cũng được thần linh chứng giám, nếu ai dùng của công vào việc công thần linh sẽ ủng hộ, ngược lại sẽ bị thần linh đả tử. Vậy là yên tâm, chờ ngày cử hành Hội Minh thề lần đầu tiên, làm mẫu cho các năm sau cử hành mỗi năm một lần.
Ngày mười bốn tháng Giêng rồi cũng đến. Thái hoàng Thái hậu chọn bộ y phục trang nhã, hôm nay là ngày trọng đại, có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một nghi lễ mà bà cùng các quan chức, bá tánh dày công xây dựng, nên bà phải xuất hiện thật đẹp trước công chúng.
Buổi lễ bắt đầu, bà cùng chủ lễ và các vị tiền bối làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc réo rắt. Lễ dâng hương, rượu, nước đã xong, chủ lễ làm động tác mô phỏng việc “chỉ trời vạch đất”, rồi vẽ một vòng tròn lớn giữa sân miếu trước đài thờ. Các vị đại diện cho giới chức dịch và bô lão trong làng bước lên đài thề thắp hương làm lễ khấn vái trời đất và bách thần. Đại diện tư văn đọc Hịch văn minh thề, Hịch văn minh thề vừa dứt, phía dưới mọi người cùng hô vang “Y như lời thề”. Vị chủ lễ cầm dao bầu cắm mạnh xuống đất giữa vòng tròn, biểu thị sự quyết tâm. Một con gà trống được lựa chọn kĩ càng được đưa ra cắt tiết hòa với rượu, mọi người truyền tay nhau cùng uống, khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm thực hiện lời thề.
Thái hoàng Thái hậu rất vui và vừa lòng với sự chuẩn bị và hành lễ trong lễ hội Minh thề đầu tiên, trong tiết xuân ấm áp. Trong không khí phấn khởi ngày đầu xuân, Thái hoàng Thái hậu ban thưởng cho các chức sắc trong làng, tiện dịp dặn dò:
- Các khanh nhớ Hội Minh thề này phải duy trì mỗi năm một lần. Đây là hoạt động tín ngưỡng, tâm linh để nhắc nhở chúng ta khi làm việc dứt khoát lấy chí công làm trọng, tuyệt đối không tham của công lấy làm của tư, đó là đạo lí của người làm quan, của chức sắc trong làng, trong tổng.
Tất cả mọi người đồng loạt dạ ran rần rần như sấm dậy. Ánh mặt trời mùa xuân trải xuống mặt đất một màu vàng đặc quánh như mật.
Truyện ngắn: Huyền thoại về mẹ Con đường tôi vừa đi qua trải đẫm mưa xuân. Buổi sáng ở làng quê thật yên ả thanh bình đến độ người ta có ... |