Hạ trắng
Truyện ngắn 17/05/2019 09:45
Giọng hát trầm trầm với tiếng ghita đệm giai điệu cho bài “Hạ trắng” vang lên khắp dãy chung cư trong buổi trưa nhạt nắng. Bà Lam rất thích bản nhạc này, nói đúng hơn là bà say mê nhạc Trịnh. Căn nhà nhỏ trên tầng hai cuối khu chung cư cũ có khoảng sân đủ để bà Lam đặt cây bưởi của một người đồng đội cũ mang tặng. Mỗi khi chiều buông, bà Lam thường ra khoảng sân đứng nhìn xuống con đường có hàng cây cổ thụ rủ bóng. Hoa bưởi tỏa hương thơm ngát, một dòng hương thơm quyện vào khu chung cư. Ngày trước, ngôi nhà gỗ cuối xóm nhỏ khắc khoải tiếng gà trung du cũng có cây bưởi. Hoa rụng trắng sân nhà, thuở mười bảy, mười tám có lần bà Lam ngồi nhặt hoa bưởi rụng pha nước gội đầu cho tóc thơm hương hoa.
Giờ bà Lam già nua, tóc cũng rụng dần chỉ còn một lọn trắng bạc. Ban ngày bà Lam thường quấn gọn tóc phía sau gáy rồi lấy cây trâm bóng nước màu xanh ngọc vắt ngang. Đêm bà mới xõa tóc. Bóng tối trôi dài trên tóc. Bà đứng nhìn nhịp sống chậm rãi của dãy phố nhuốm màu cổ kính mỗi khi đêm về, miệng lẩm bẩm mấy câu hát ngọt ngào mà thâm trầm, sâu lắng: “Thôi xin ơn đời…”.
Đêm qua, nửa đêm bà Lam giật mình thức giấc. Trời đã khuya, sương đọng trên khung kính cửa sổ, ánh đèn đường rọi qua khiến màn sương hiện lên rõ hơn. Bà Lam vừa trải qua một cơn mơ. Một mùa Hạ bồng bềnh trôi qua, mùa Hạ có màu đỏ của hoa phượng vĩ, màu vàng của nắng giòn tan, màu xanh biêng biếc của bầu trời và màu trắng tinh khôi của mây bay ngang qua cánh đồng lộng gió. Những mùa Hạ đẹp nhất đời bà Lam. Mùa Hạ của tuổi thơ êm đềm nơi xóm nhỏ miền Trung.
Mùa hạ thuở mười tám bà Lam lên đường đi đánh Mỹ. Bao mùa Hạ đã trôi qua, có những mùa Hạ bà nhớ hoài, mộng mơ hoài, ước sao bà được sống lại trong những năm tháng ấy một lần nữa. Rồi giấc mơ vụt tan, bà Lam tỉnh giấc, thấy mình vẫn còn lâng lâng, bềnh bồng hư thực. Bà Lam bước xuống giường. Ánh đèn nhàn nhạt đủ để bà trông thấy những tấm bằng khen treo trên tường, những chiếc huân chương bà bày biện trong tủ kính, cả những tấm ảnh trắng đen bà gìn giữ dẫu phai màu.
Mỗi lần nhìn vào những thứ đó, bà Lam không kìm nén được nỗi xúc động trong lòng. Khóe mắt cay cay. Cánh cửa bật mở, trăng tràn vào trong nhà. Bà Lam khẽ bước ra sân nhìn trăng, nhìn phố đêm. Bà Lam đang nhớ về những ngày trước. Dạo đó bà Lam còn trẻ măng, da dẻ mịn màng, tóc dài óng ả. Người con gái năm xưa ung dung đi qua mùa Hạ với mối tình đầu.
Nhiều lần bà Lam thấy tiếc thời tuổi trẻ xa xưa, nhưng nhận ra thời gian trôi nhanh như dòng sông, bà bằng lòng chấp nhận. Ngồi lẩm bẩm đến những mùa Hạ qua đời, khi cười, khi nước mắt rưng rưng. Giọng hát sền sệt nhưng đong đầy cảm xúc đưa bà trở về thời thanh xuân mơ mộng.
Khu nhà cũ vắng lặng. Ở đây, chỉ có vài người già đã về hưu, còn lại là những người trẻ sống vội vã với nhịp điệu quay cuồng để tồn tại được trong cái thành phố “người đông đất chật”. Người trẻ, người già sống xen lẫn với nhau. Người già thường thích uống trà nghe nhạc Trịnh, đàm đạo chuyện năm xưa dấn thân theo nhịp bước quân hành. Người trẻ thường thích karaoke mỗi khi đi làm về, những bản nhạc sôi động, cuồng nhiệt, thường tụ tập chơi bời đến tận hai, ba giờ khuya, người già nhắc khéo thì bị phán một câu: “Già nua khó tính”. Thôi thì người già cắn răng chịu đựng. Đã sống tới từng tuổi này chẳng lẽ câu nệ với bọn trẻ hay sao.
Lần theo dấu giai điệu “Hạ trắng”, bà Lam đang tìm về cái bản ngã của chính mình. Nhạc Trịnh khiến lòng bà êm ái. Chưa bao giờ bà thấy khu nhà này yên bình như những buổi trưa gần đây, người trẻ đi làm, còn người già nào đó mới dọn về sống buồn lòng ngồi đàn hát một mình, cũng chẳng cần thiết người trẻ khen hay chê, miễn lòng nhẹ tênh là đủ.
Bà Lam dừng lại trước cửa căn nhà 205. Cánh cửa ra vào khép hờ, còn cửa sổ thì bật mở. Bà Lam ghé mắt nhìn vào bên trong. Một người đàn ông ôm đàn ghita, khuôn mặt hiền từ, mái tóc bạc phơ và vầng trán cao rộng. Người đàn ông di di cặp mắt kính rồi nhìn vào cuốn sổ chép lời bài hát để trước mặt, đàn, hát mấy câu “Gọi nắng trên vai em gầy/ Đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn…”, nghe xốn xang. Khi người đàn ông dứt câu, bà Lam đứng ngoài cửa sổ buột miệng:
- Lâu rồi mới nghe lại “Hạ trắng”, ông bạn hát ngọt dữ, tôi mê mấy bản nhạc Trịnh như vầy lắm!
Người đàn ông đặt cây đàn ghita xuống, nhìn ra cửa sổ, cười cười:
- Tôi cứ sợ bị người trẻ ở khu nhà này phàn nàn đấy chứ! Hôm trước nghe tôi hát, mấy cô cậu trẻ tuổi đi ngang bảo tôi hát cái bản gì sến rện, nghe không lọt lỗ tai. Nay bà khen, tôi vui thiệt!
Bà Lam đứng vịn tay lên song cửa nhìn một lượt khắp căn nhà. Ở chung cư, nhà nào cũng như nhà nấy, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng và bà để ý thấy trên tường nhà ông cũng treo mấy tấm bằng khen được lộng kính kĩ càng, bóng loáng.
- Hình như ông mới dọn về đây thì phải?
- Ừ, tôi dọn về đây cũng gần nửa tháng rồi! Trước tôi ở Hà Nội, sau chuyển vào Nam sinh sống, ở ngoài Bắc thời tiết thất thường, tôi già rồi chịu không nổi.
- Mà, ông cũng từng đi lính phải không? Ông chiến đấu ở chiến trường nào?
Người già bước ra mở cánh cửa còn lại để nắng rọi vào gian nhà cho sáng sủa, đáp lại:
- Tôi hoạt động ở chiến trường miền Đông.
- Miền Đông? - Người đàn bà tỏ vẻ ngạc nhiên, người kia cũng nhìn bà Lam không chớp mắt - Trước tôi cũng đi lính ở đấy, sau này về chẳng gặp lại đồng đội xưa. Mà ông tên gì?
- Thiếu Quân.
- Thiếu Quân? - Bà Lam thốt lên, bà dụi tay lên cặp mắt để nhìn cho rõ hình dáng người đàn ông kia qua song cửa, tiếp lời - Ông… ông không nhận ra tôi ư? Tôi, Kiều Lam, đồng chí Lam của ông đây này!
Người đàn ông xúc động bước tới nắm tay bà Lam qua song cửa, run run:
- Kiều Lam, là bà đây sao… Trời ơi! Mấy chục năm rồi, tôi cứ tưởng sẽ không được gặp lại bà nữa chứ?
Họ bịn rịn như cuộc tiễn đưa cách đây mấy mươi năm, trong mùa Hạ miền Đông không lãng mạn nhưng cũng rợp sắc hoa phượng mọc lưa thưa và màu nắng cháy đổ trên ngọn cây thốt nốt. Thời khắc giao chuyển giữa chinh chiến và hòa bình khiến họ lạc mất nhau, ngót mấy mươi năm mới gặp lại nhau trong màu tóc trắng và khuôn mặt đầy những nếp nhăn, đồi mồi lấm tấm. Người đàn ông ngồi gảy đàn ghita, hát nhạc Trịnh cho bà Lam nghe trong khoảng sân có cây bưởi trổ bông, hương thơm ngan ngát. Bà Lam nhớ lại những ngày đi chiến đấu, đêm biên cương thanh tịnh, không một tiếng súng nổ, không một thanh âm rục rịch của quân thù. Thiếu Quân - thuở ấy còn là một thanh niên cao to, lực lưỡng, nổi máu nghệ sĩ ôm đàn ngồi dưới gốc cây thốt nốt vừa gảy vừa hát mấy bài: “Diễm xưa”, “Cát bụi”, “Còn tuổi nào cho em”,… Nhưng bài mà bà Lam thích nhất có lẽ là “Hạ trắng”. Những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời bà đều gắn liền với mùa Hạ.
Mùa Hạ tuổi thơ trong veo, bà Lam - cô gái trung du vẫn thường ngồi dưới bóng mát cây gạo đầu xóm nhìn mây trời, ngóng gió. Mùa Hạ năm bà Lam mười tám tuổi, thuở bà biết nuôi tóc dài, biết rung động con tim, cô gái xóm nghèo thôi học xung phong vào chiến trường miền Đông đánh Mỹ. Hôm bà đi xóm bịn rịn tiễn đưa. Chiếc xe chở đoàn thanh niên băng băng trên những nẻo đường tiến vào miền Nam thương yêu đánh giặc cứu nước. Dọc đường, người con gái trung du ngắm nhìn những cành phượng vĩ trổ hoa rợp trời sắc đỏ, đẹp lắm! Nghĩ bụng: Biết bao giờ mới trở lại trung du.
Mùa Hạ ở chiến trường miền Đông, ngày bà Lam làm nhiệm vụ được giao phó, đêm thanh thản ngồi nghe Thiếu Quân đàn, hát. Người thanh niên nói chuyện bằng giọng miền Tây ngọt ngào mộc mạc mà cũng không kém phần lãng mạn. Mùa Hạ, anh nói với người con gái trung du lời yêu đầu, hẹn chừng nào cả miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhất định hai người sẽ lấy nhau. Tình yêu thời chiến thật hiền hòa nhưng cũng đong đầy nước mắt.
Rồi miền Nam giải phóng, buổi chiều cuối cùng trên bãi chiến trường miền Đông, bà Lam không thấy người thương ở đâu. Người kia bặt vô âm tín. Bà Lam buồn bã trở về xóm nhỏ miền Trung trong không khí tưng bừng của đất nước. Tóc đã phai màu, bà chọn thành phố này, dãy chung cư này làm nơi gắn bó cuộc đời mình. Chưa bao giờ bà dám nghĩ sẽ gặp lại Thiếu Quân, hoặc ông đã từ giã cõi đời, hoặc ông đã có một gia đình êm ấm. Mối tình xưa chết theo mùa Hạ năm nào.
Bà Lam hỏi ông khe khẽ:
- Ông, sao hồi ấy ông bỏ tôi đi, không nói một lời?
Người đàn ông ngưng đàn, ngưng hát, ngước mắt nhìn bầu trời đen ngòm với hàng ngàn vì sao mọc san sát nhau, chẳng thấy đâu dãy Ngân Hà uốn lượn:
- Lúc đó tôi có đi tìm bà, nhưng các đồng chí khác bảo không thấy bà ở đâu. Tôi cứ nghĩ bà đã hi sinh trên chiến trường. Tôi trở về thành phố. Chừng ấy năm tôi linh cảm bà vẫn còn sống, hóa ra hai chúng ta cùng sống trong một chung cư, rồi gặp nhau lúc tóc bạc hết đầu, đời nhiều điều bất ngờ quá, bà ha.
Khoảnh khắc bà Lam tựa đầu vào vai ông, bà thấy mình sống lại những ngày hạ cũ. Cả ông nữa. Hai người đang bồng bềnh trong cái giây phút huy hoàng và hạnh phúc xưa ấy. Biết đâu trong cái thành phố bé nhỏ này vẫn còn những người già tóc bạc đã từng đi qua cuộc chiến năm xưa, đã từng yêu nhau bằng tình yêu nồng nàn giản dị, rồi xa nhau, rồi gặp nhau và hát cho nhau nghe mấy câu: Tôi đưa em về/ Chân em bước nhẹ/ Trời buồn gió cao/ Đời xin có nhau dài cho mãi sau… nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu/ Gọi mãi tên nhau…