Dòng sông chảy qua miền di sản
Văn hóa - Thể thao 11/01/2024 14:38
Đầu nguồn sông Thu Bồn chỉ là dòng suối mang một cái tên nghe rất là “đồng bào” đó là “Dak Di”, khi qua địa bàn Tiên Phước, Hiệp Đức, suối đã thành sông, với cái tên rất dân dã : “Sông Tranh”. Vòng vèo qua bao cánh rừng, ngọn đồi, ghềnh đá cheo leo…. mang phù sa bồi đắp cho vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên… Tại đây, Thu Bồn hội ngộ cùng sông Vu Gia, trải phù sa ra khắp vùng đất Điện Bàn theo hai hướng: Hướng Bắc vẫn là hướng chính với tên Thu Bồn (có nơi còn gọi là sông Chợ Củi), hướng Nam nhánh nhỏ hơn là sông Bà Rén. Gần đến biển, Thu Bồn và Bà Rén gặp lại nhau để hoà với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An rồi đổ ra biển Cửa Đại, với chiều dài gần 100 km.
Lễ Hội Bà Thu Bồn trên bến sông Thu Bồn |
Trong suốt hành trình đi bằng thuyền máy trên sông Thu Bồn, ta mới thấy hết cái kì thú, dòng sông xuyên qua nhiều làng quê nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với những nà bắp, biền dâu trù phú, xanh ngát một màu, những hàng tre rủ bóng; ngày trước có những xóm vạn đò toả khói, hư ảo trên sông; những bến đò tấp nập khách “thương hồ”, những tiếng vọng gọi đò ơi ới, những danh thắng nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng nghề trồng cây trái Đại Bình, làng nghề trầm cảnh Trung Phước, làng nghề gốm La Tháp, An Hòa; làng nghề khai thác dầu rái Phương Trạnh, rải rác các làng nghề đánh cá ven sông…
Dừng chân ở một bến sông, chúng tôi thả bộ lên bờ vào một chợ quê mộc mạc dạo mua trái cây, bắp luộc, bắp nướng, ăn mì Quảng chính gốc, với nước nhân ngọt, béo thơm lừng; món bánh đúc giòn tan thơm ngát hương gạo đỏ đồng sâu. Thưởng thức những làn điệu dân ca trữ tình sâu lắng, mang nặng nghĩa tình sông nước hay nghe kể chuyện truyền thuyết về bà Phường Chào, Bà Thu Bồn... và mục kích cảnh đua ghe trên sông nước mênh mang. Thuyền cập bến, lên bờ xem Lễ hội Bà Thu Bồn (11-12/2 ÂL) ghé chợ Thu Bồn thưởng thức món đặc sản mì Quảng nhân cá mòi sông.
Đi dọc theo sông Thu Bồn, chúng tôi được nghe những giai thoại hào hùng của của dân, quân ta trên dòng sông Thu qua hai cuộc trường kì kháng chiến để bảo vệ vùng đất địa linh nhân kiệt mà tiền nhân đã đổ máu xương gây dựng trên bước đường khai cư mở cõi. Dọc theo quãng sông, những chứng tích về tên đất, tên người kiên trung bất khuất ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân nơi đây qua các dấu tích lịch sử như: Tượng đài chiến thắng Mỹ Lược, tượng đài chiến thắng Thu Bồn, mộ Chu Cẩm Phong… Sông chảy qua Hòn Kẽm Đá Dừng thuộc địa phận 2 xã Quế Lâm và Quế Phước (Nông Sơn - Quảng Nam) là nơi khúc sông rộng ra, như một hồ nước lớn, phản chiếu bóng núi và mây. Cảnh trí nơi đây, thơ mộng, huyền bí vô cùng, con người như nhỏ nhoi trước cảnh núi non, sông nước. Tức cảnh sinh tình, người Quảng Nam có câu thơ mà bất cứ ai cũng thuộc: Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi.
Nhiều đoạn trên sông, có những phận đời đã mưu sinh mải miết với dòng chảy Thu Bồn, vẫn thầm lặng những chuyến đò ngang gắn liền với cuộc mưu sinh trên sông nước, đời người… Dòng Thu Bồn đã đi vào thơ ca đẹp dịu dàng như hình ảnh của người thiếu nữ chèo đò đưa bộ đội qua sông, nhưng dòng nước này cũng đã làm tang thương bao cuộc sống của dân làng trong những mùa lũ dữ.
Trên suốt hành trình của dòng sông còn chứa bao dấu tích về sự phồn thịnh của nền văn minh gắn với con đường giao thương sầm uất này, tại quãng sông thuộc Khu Tây Duy Xuyên nơi gắn với thánh địa Mỹ Sơn, là nơi hợp lưu của các nhánh sông như Vu Gia, Quảng Huế… Dòng sông mở rộng với nhiều nơi chiều rộng lên đến gần 1km. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại thuyền có trọng tải lớn lưu thông. Vùng đất trở thành nơi gặp nhau trao đổi buôn bán. Thuyền từ vùng Đại Lộc mang theo sản vật mía đường, dầu rái, măng rừng về; thuyền từ Nông Sơn xuống mang theo trầm hương, gỗ quý, mật ong từ bạt ngàn Trường Sơn về khi đến cửa Đại (Hội An) theo thương nhân đi khắp thế giới.
Sông Thu Bồn đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và trở thành niềm tự hào của người dân đất Quảng. Nơi đây là danh thắng đồng thời là vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử, từng là căn cứ Nghĩa hội của nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, chiến khu Hoàng Văn Thụ trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, trên những phiến đá nặng mấy chục tấn, có những dòng chữ cổ Chiêm Thành bí ẩn, đứng soi mình xuống dòng Thu Bồn xanh thẳm một màu lam sương khói. Dòng Thu Bồn không chỉ là hình ảnh của những con sông quê, mà giữ trong lòng những kí ức miên man sâu thẳm với bao dấu ấn về những thăng trầm của lịch sử, thời gian.
Năm 2009, Cù Lao Chàm chính thức được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển rộng gần 40.000 ha, trong đó có vùng nước ngập mặn của lưu vực sông Cửa Đại (Hội An).
Như vậy, sông Thu Bồn được xem là “dòng sông di sản”, duy nhất trên đất nước ta xuyên qua 3 giá trị tầm cỡ quốc tế đó là Thánh địa Mỹ Sơn - phố cổ Hội An - Cù lao Chàm (Khu Sinh quyển rừng ngập mặn cửa Đại).