Lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nhịp sống văn hóa 14/03/2022 18:11
Sáng 14/3, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn.
Ông Trần Văn Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, lễ hội Bà Thu Bồn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự kiện rất quan trọng trong Năm du lịch quốc gia năm 2022.
“Trong thời gian tới, tôi đề nghị UBND huyện Duy Xuyên cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, bạn bè, du khách gần xa về những giá trị đặc trưng của di tích Lăng Bà gắn với Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn nhằm thu hút du khách, phát triển lĩnh vực du lịch mạnh hơn nữa, nhất là du lịch văn hóa tín ngưỡng.
Đặc biệt, chủ động phối hợp với huyện Nông Sơn và kể cả các huyện phía tây của tỉnh để hình thành một chuỗi các lễ hội tri ân, tưởng nhớ về Mẹ Thu Bồn”, ông Tân lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Tân trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn cho lãnh đạo địa phương. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn, thể hiện khát vọng phồn vinh, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Đây là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà Thu Bồn và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng; tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định: “Lễ hội Bà Thu Bồn hội tụ những giá trị nhân văn vô cùng quý giá, mang đậm màu sắc tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa rất cần được bảo tồn, phát huy và khai thác để góp phần giáo dục lòng yêu thương con người, yêu quê hương đất nước”.
Ông Đức cũng cho biết, có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, song tất cả đều hội tụ điểm chung rằng Bà là một cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài, là hiện thân của lòng yêu thương con người, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, hiển linh, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai, địch họa và đói nghèo.
Để ghi nhớ công ơn của Bà, từ bao đời nay dân làng Thu Bồn góp công, góp của xây dựng Lăng Bà và hằng năm tổ chức các hoạt động tế lễ vào ngày 11 và 12/2 âm lịch để tạ ơn.
Lễ cúng Lăng Bà Thu Bồn là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc sắc được tổ chức trong Lễ hội. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Trong phần lễ có lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế tại Lăng Bà. Lễ rước sắc được tiến hành trên cạn vào chiều 11/2 âm lịch với 9 đội hình gồm: lân, cờ đại, cờ ngũ sắc, nhạc cổ, trống chiêng, kiệu rước sắc, lính hộ tống, đội hình phụ nữ và bô lão. Lễ rước nước được tiến hành từ sáng sớm ngày chính lễ (12/2 âm lịch) trên không gian rộng lớn từ thượng nguồn sông Thu Bồn về tới Lăng Bà bằng cả thuyền và đám rước bộ.
Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi như hô hát bài chòi, hội hoa đăng, hội thi ẩm thực, các trò chơi dân gian và đặc biệt là hoạt động đua thuyền...