Đánh thức tiềm năng du lịch Hồ Yên Trung sau đại dịch Covid-19
Văn hóa - Thể thao 24/05/2021 13:42
Đất lành nhưng chim “chưa đậu”.
Trước đây, Yên Trung là một thôn của xã Phương Đông, có một thung lũng sâu và rộng dưới chân dãy núi cao thuộc cánh cung Đông Triều. Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, địa phương đắp đập ngăn nước phục vụ nông nghiệp, nước dâng lên thành hồ, gọi là hồ Yên Trung. Hồ Yên Trung diện tích mặt nước rộng trên 50ha. Dưới đáy hồ, khi nước trong, mắt thường còn nhìn thấy đường ray, tà vẹt, miệng lò than, dấu tích khai trường mỏ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, người được tôn vinh là thần tổ doanh nghiệp Việt Nam.
Cầu tình yêu trên hồ Yên Trung, TP Uông Bí |
Con người Yên Trung thân thiện, danh sơn, thủy mạc, khí hậu trong lành, gió ngàn đưa hương, trầm thông ngan ngát, rất phù hợp với một khu du lịch sinh thái vậy mà không thu hút được các nhà đầu tư du lịch lớn. Theo đó, từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, hồ Yên Trung đã nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên các nhà đầu tư lần lượt đến rồi lại lần lượt bỏ đi, không ít nhà đầu tư đã bỏ tiền tỷ lập quy hoạch, xây dựng rất công phu, thậm chí để yên tâm, làm ăn lâu dài, mong muốn phát đạt họ còn mời cả pháp sư đến làm lễ, trấn trạch... Cụ thể, năm 2000 Công ty CP Hoàng Gia được UBND tỉnh Qungr Ninh cấp phép đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái ở đây, công ty đã xây dựng nhà trụ sở điều hành và một số hạng mục hạ tầng, được một thời gian rồi “tự bỏ”. Năm 2009, Công ty CP Đầu tư ATS được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, nhưng rốt cuộc cũng không làm, buộc UBND tỉnh phải thu hồi giấy phép đầu tư. Năm 2016, Công ty CP Nông trại nghỉ dưỡng và Du lịch Phương Đông đến hồ Yên Trung với yêu cầu được mở rộng quy mô dự án lên 500 ha trong đó trên 50 ha diện tích đất mặt nước hồ Yên Trung. Nhìn bản quy hoạch thì choáng ngợp với một đô thị nghỉ dưỡng đẳng cấp, nhưng rồi họ tự bỏ bễ, tỉnh lại phải ra quyết định thu hồi. Lại nữa, ngày 04/5/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chấp thuận cho Tập đoàn FLC tiếp tục nghiên cứu quy hoạch 566 ha Khu du lịch sinh thái hồ Yên Trung. Theo đó ngày 11/12/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 5176/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/2000 cho FLC lập dự án xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị cao cấp ở đây. Nhưng hết hạn quá lâu không thấy nhà đầu tư khởi động, và ngày 14/5/2021, UBND tỉnh ra Văn bản số 2912/UBND-QH1giao cho Sở Xây dựng và UBND TP Uông Bí đề xuất thu hồi dự án này.
Công viên hoa bên hồ Yên Trung |
Được biết, khi mà tỉnh Quảng Ninh có chủ trương chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh, khuyến khích nhân dân làm du lịch, thì hàng qán, các dịch vụ ăn uống, giải khát theo chân người mọc lên ven hồ Yên Trung một cách tự phát do các hộ dân được giao đất giao rừng quanh lòng hồ tự xây dựng. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương đến ngày một đông hơn. Đằng sau mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu du lịch, an sinh xã hội, hình thức kinh doanh tự phát này đã bộc lộ nguy cơ ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn và mất an toàn trật tự. Trước thực trạng trên, TP Uông Bí chủ động giao thêm chức năng cho Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử quản lý khu vực hồ Yên Trung, UBND phường Phương Đông quản lý an toàn, an ninh trật tự, môi trường... TP Uông Bí căn cứ vào quy hoạch chung của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được UBND tỉnh ra Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 phê duyệt quy hoạch khu vực hồ Yên Trung là đất thương mại dịch vụ... Địa phương đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương châm xã hội hóa quy hoạch xây dựng, chỉnh trang, tạo lâm viên tiểu cảnh, tôn giá trị cảnh quan hồ Yên Trung.
Theo đó dưới lòng hồ thực hiện vệ sinh thu dọn rác, thau sạch nguồn nước, làm tuyến kênh dài hơn 4km đưa nước từ đập Baza về bổ sung cho hồ luôn có mực nước đầy; Giữa hồ tạo cảnh rồng chầu phun châu nhả ngọc; Trên bờ chỉnh trang đường sá, trồng cây xanh bóng mát, xây dựng công viên tiểu cảnh, tạo điểm dừng chân cho du khách. Đối với dịch vụ du lịch cộng đồng, thành phố hướng dẫn các hộ kinh doanh dựng hàng quán hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Quy định không được xây dựng công trình kiên cố, hàng quán chỉ kiến trúc kiểu lán rừng, tranh tre mái lá, cảnh quan môi trường, thu gom rác thải, nước thải... góp phần làm cho khu vực hồ Yên Trung đẹp như công viên, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Song, những việc đi tắt đón đầu của TP Uông Bí về chỉnh trang hồ Yên Trung đã phát sinh những bất cập và thành phố Uông Bí đã cơ bản khắc phục được.
Người cao tuổi đến tập khiêu vũ bên hồ Yên Trung |
Được biết năm 2018, khi chưa có đại dịch Covid-19, hồ Yên Trung đón 20 vạn lượt khách du lịch, khu vực quanh hồ có 11 hộ đã đăng ký kinh doanh dịch vụ, làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cho trên dưới 200 lao động ở địa phương.
Đánh thức tiềm năng du lịch sau đại dịch Covid-19
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của hồ Yên Trung, trong khi chưa một nhà đầu tư chiến lược nào thực sự “mặn mà” đầu tư vào vùng đất “bờ xôi, ruộng mật này”, ngày 14/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 2912/UBND-QH1 giao cho TP Uông Bí đánh giá lại quy hoạch chung theo Quyết định phê duyệt số 1088/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND Tỉnh; hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hồ Yên Trung (khi Tập đoàn FLC dừng đầu tư), trên nguyên tắc bảo tồn, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái nguồn nước, rừng hiện có với mục tiêu đưa hồ Yên Trung trở thành thắng cảnh như huyện Vân Đồn đã làm ở hồ Mắt Rồng.
Có thể nói văn bản số 2912/UBND-QH1 của UBND tỉnh mang tính định hướng và gợi mở để thành phố Uông Bí chủ động cùng Sở Xây dựng xem xét điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp có tính tối ưu nhất, đồng thời phối hợp với Sở Du lịch, Sở NN&PTNT xây dựng quy chế quản lý, khai thác khu du lịch hồ Yên Trung một cách hiệu quả nhất. Được biết Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu hồ Yên Trung. Bản quy hoạch mới phù hợp với không gian kiến trúc, thân thiện với môi trường trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, nguồn nước, rừng hiện có.
Với những bước đi thận trọng, được rút ra từ kinh nghiệm thực tế, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, một trong ba đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn TP Uông Bí, trong đó có bản quy hoạch mới về hồ Yên Trung sẽ đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của Khu du lịch dịch vụ trước mắt cũng như lâu dài.
Việt Nam đã có những hình mẫu như Biển Hồ Pleiku (Gia Lai), một con đường du lịch bao quanh hồ không đốn chặt cây rừng, nước thải không xả xuống lòng hồ. Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) là khu du lịch quốc gia, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) từng được chọn làm điểm tổ chức năm du lịch quốc gia. Hy vọng khu du lịch hồ Yên Trung, sẽ là điểm thu hút những nhà đầu tư nhỏ, với những tư duy xây dựng dựng các công trình nhỏ, thân thiện với môi trường, tạo điểm đến của du khách các huyện, thị xã khu vực miền Tây của tỉnh cũng như du khách từ thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau đại dịch Covid-19.