Chuyện kể về đền bà Chúa tại ngôi đền bà Chúa Tây Năng
Văn hóa - Thể thao 31/12/2022 14:30
Bà Tây Năng là người phát hiện ra một loại sâu hoang ăn một loại lá hoang mọc rất nhiều ở chân núi Lân. Loại sâu đó nhả ra những sợi tơ vàng óng ánh rất đẹp, rất bền để làm tổ, chui vào đó hóa bướm, sau khi hóa bướm lại cắn thủng tổ bay ra. Bà dạy dân nuôi loài sâu đó, đem loài cây hoang về trồng lấy lá cho sâu ăn. Khi sâu làm tổ bằng tơ thì thu lấy đem về kéo tơ dệt vải… Con sâu đó gọi là con tằm, cây hoang đó gọi là cây dâu. Từ núi Lân, nghề trồng dâu nuôi tằm nhanh chóng phát triển khắp vùng. Lúc đầu là những vùng ven sông Đáy, rồi sau lan ra cả xứ Đoài và trở thành “Quê lụa” với những trung tâm dệt lụa nổi tiếng như Vạn Phúc, Cổ Đô… Lụa Hà Tây sớm vang danh cả nước, được chọn làm lụa tiến vua. Đến nay, lụa Hà Tây được đông đảo bạn bè năm châu bốn biển ưa chuộng. Để tưởng nhớ Bà Tây Năng, Nhân dân đã tôn bà là Bà Chúa nghề trồng dâu nuôi tằm và lập đền thờ trên núi Lân.
Đền Bà Chúa |
Theo nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, ngày 17/3/2005, ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký Công văn số: 748/CV/UB gửi Ban Tôn giáo dân tộc, UBND huyện Quốc Oai đồng ý để Hội Người cao tuổi và Nhân dân xã Phượng Cách phụng dựng nơi tôn thờ Bà Chúa Tây Năng. Ngôi đền đã được dựng ngay chân núi để tiện việc dâng hương tế lễ những ngày lễ lớn như: Hạ điền tang (30/10 âm lịch) hay ngày Tết cổ truyền, ngày hội làng… nhưng gốc tích vẫn được Nhân dân phụng thờ trên núi. Tượng Bà chúa được tạc bằng đá an tọa dưới bóng cây xanh, tựa lưng vào tảng đá lớn như bức tường thành, mắt nhìn ra phía đường cao tốc ban đêm lung linh ánh điện.
Thờ phụng Bà Chúa trên núi là đúng với gốc tích xưa của ngôi đền, làm đẹp cảnh quan cho núi Lân, giữ gìn và bảo vệ được mỏm phụ của quả núi. Đồng thời, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hợp với ý Đảng, lòng dân, giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhân dân Phượng Cách và bách gia trong vùng tri ân công đức với Bà chúa, tuần tiết bốn mùa khói hương kính lễ, tôn Bà là vị phúc thần của dân làng, của mảnh đất Hà Tây “Quê lụa”.
Ông Tôn Đức Vinh, Hội viên Hội Người cao tuổi (xóm 3 thôn 1, xã Phượng Cách) cho biết: Bà Tổ nghề trồng dâu nuôi tằm được nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc thờ phụng, nhất là ven vùng sông Đáy. Tuy nhiên, người dân xã Phượng Cách luôn tự hào và tin rằng bà Tổ nghề trồng dâu nuôi tằm có gốc tích từ nơi đây.