Bình Liêu - Ai nhớ, ai quên...
Nhịp sống văn hóa 30/12/2020 10:35
Các dịch vụ đang phát triển
Đường lên Bình Liêu đã thuận lợi hơn rất nhiều, xe hợp đồng tiện nghi từ trung tâm Hà Nội lên Bình Liêu có 2 chuyến/ngày. Tại Bình Liêu, du khách có thể thuê xe máy khám phá các điểm du lịch. Các dịch vụ ăn uống, lều trại cũng rất sẵn, du khách có thể cùng ăn, cùng ở và tìm hiểu, khám phá nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc.
Anh Tô Đình Hiệu, cán bộ văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: “Nhiều đoàn du khách đến đây tự thuê lều, dựng trại, nướng thịt trong khi trẻ con vui sướng chạy nhảy, nô đùa trên những bãi cỏ xanh rộng trong bầu không khí trong lành, điều mà họ khó có thể thực hiện ở các đô thị lớn”.
Vào dịp cuối tuần, đồng bào các dân tộc trong trang phục rực rỡ sắc màu từ các ngả đường nô nức đổ về chợ Đồng Văn cùng nhiều sản phẩm nông sản truyền. Không khí ở chợ nhộn nhịp, ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa còn đi chơi, tìm bạn bè giao lưu, trò chuyện... Càng về trưa, chợ càng đông vui, tiếng cười, nói rôm rả. Mọi người thong thả sà vào hàng bún, hàng phở, hàng giải khát… ngay cổng chợ hoặc hồ hởi thưởng thức các loại quà bánh đặc trưng riêng như bánh cooc mò, bánh ngải, bánh tài lồng…
Vào các ngày lễ, hội hay các dịp lễ tết, huyện Bình Liêu thường tổ chức tưng bừng theo chủ đề từng mùa. Phong trào văn hóa của Bình Liêu phát triển đa dạng, phong phú, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đồng bào còn tổ chức hát Sóong Cọ của người Sán Chỉ, biểu diễn đàn tính, hát Then của dân tộc Tày và trình diễn những bài cúng của người Dao...
Trải nghiệm của du khách
Đi vào đúng lễ hội Hoa Sở giữa tháng 12, bà Dương Thị Thơ 67 tuổi chia sẻ: “Xe vừa dừng trước cổng vào rừng hoa sở Bình Liêu, đã thấy đồng bào bày bán la liệt rau, củ, quả…. Ở đồng bằng chỉ thấy củ đậu to bằng nắm tay nhưng ở đây củ đậu to như quả mít, nặng tới 5 kg. Còn lá rau cải thì to gần bằng tàu lá chuối, lại rẻ. Mình mua 20 nghìn đồng được 3 cây mang về Hà Nội vừa ăn vừa chia cho hàng xóm. Hôm sau mọi người cùng hỏi: Rau ở đâu mà ngọt thế?”.
Khoai lang ở Binh Liêu cũng rất ngon. Bạn đến vùng đất này chỉ cần 30 nghìn tiền khoai và 20 nghìn tiền rau cải là khệ nệ tay xách nách mang hoặc vác bằng bao tải mang về làm quà cả xóm ăn mấy bữa mới hết. Bên cạnh đó còn nhiều món đặc sản, như miến dong, khau nhục, bánh gật gù… Bánh gật gù phải ăn bốc. Cầm bánh nhúng vào bát nước chấm giơ lên thấy nó cứ gật gù, ngoe ngẩy tứ phía, ai ăn cũng phải thốt lên “ngon thật”!.
Ông Nguyễn Văn Sinh, cư dân Bãi Cháy hồ hởi khoe: “Với tôi, gà là món ăn ngon nhất. Hai ngày ở Bình Liêu, bữa nào chúng tôi cũng gọi món gà luộc mà ăn không biết chán. Người ta nói: Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên quả không sai”. Rồi ông kể: Bữa cuối cùng ăn thịt gà nướng giữa rừng thông, chân dốc leo lên "Sống lưng khủng long" để đến cột mốc biên giới 1305. Chủ quán là người Dao Thanh Phán. Gọi là quán vì trước cửa nhà có treo một cái biển to: “Quán gà nướng”, nhưng không có bàn ghế gì. Đó thực ra chỉ là một gia đình sinh sống ở đây. Quán thậm chí bát ăn cơm cũng thiếu, có vài cái chỉ đủ dùng trong gia đình chứ không phục vụ khách. Chủ quán thật thà bộc bạch: “Lúc nãy có mấy ông khách vừa ăn xong nên bát chưa kịp rửa. Hôm nay Chủ nhật đông người tham quan mới có khách ăn, hằng ngày tôi chỉ nướng hai con gà, có khi còn chẳng có khách, cả nhà phải ăn cho hết”.
Thịt gà nướng chặt bày ra mẹt, xôi bày ra đĩa. Bánh gật gù ăn bốc ngon hơn dùng bát đũa. Giò mua từ dưới chợ mang lên cũng bốc. Rượu uống bằng cốc, bia uống bằng lon, nước ngọt uống bằng chai, nước chấm đựng vào cốc... nhưng ai cũng thấy vui, ấn tượng bởi một bữa ăn giữa mênh mông núi đồi.
Slogan của Bình Liêu năm du lịch 2020 được treo ở nhiều nơi: “Bình Liêu - nơi đánh thức những giấc mơ thành hiện thực”. Phải chăng đó là vẻ đẹp hùng vĩ của vùng Đông Bắc với những rừng hoa sở trắng xen kẽ những rừng thông xanh và cỏ lau trắng ngút ngàn? Phải chăng là đến để hiểu hơn về cái chất thật thà, cần cù chịu khó, kiên cường của đồng bào các dân tộc đang xây dựng và phát triển miền biên viễn của Tổ quốc.