Truyền dạy để con, cháu nhớ về câu hát cha ông
Văn hóa - Thể thao 17/09/2020 08:32
Ngồi trong ngôi nhà khang trang giữa cánh đồng lúa đang vào cữ trổ bông, hương thơm phảng phất, nghệ nhân Lương Thiêm Phú, tâm sự: “Khi còn bé, tôi hay theo người lớn đi xem biểu diễn hát Then, tôi thường nhẩm hát theo, lâu dần thuộc và biết hát. Thấy tôi thích hát Then các ông, bà chỉ cho cách hát nhấn nhá, luyến láy, ngân giọng và dạy tôi nhiều bài hát mới. Lớn lên, tầm hơn hai mươi tuổi thì tôi bắt đầu tập sáng tác các bài hát Then mới...”.
Theo ông Phú, một thời gian dài, do đời sống kinh tế khó khăn, việc hát hò như bị lùi vào quên lãng, vì hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng. Ông nghĩ nếu hát Then không được lưu giữ sẽ mai một và luôn đau đáu muốn truyền dạy cho con cháu. Thế rồi năm 2007, ông đứng ra thành lập CLB hát Then Tình Húc với 18 thành viên. CLB do ông chủ nhiệm được tổ chức sinh hoạt thường kì hằng tuần, rồi thời gian rảnh ông tự đến từng thôn, bản dạy cho bọn trẻ có đam mê hát như mình.
Từ khi đam mê và nuôi dưỡng niềm đam mê với hát Then, nghệ nhân Lương Thiêm Phú đã sưu tầm được 6 bài Then cổ, sáng tác được hơn trăm bài Then mới, mở được 16 lớp dạy hát Then, đàn Tính cho 360 người đủ các lứa tuổi tại các địa phương.
Ông Phú với những cây đàn |
Không chỉ biết hát Then giỏi, ông và bạn ông còn tự mày mò mua vật liệu để sản xuất những cây đàn tính hai dây rất độc đáo ở Bình Liêu. Nhiều người Tày ở khắp mọi miền biết đến và sản phẩm đàn tính của ông nên đã đặt mua. Vừa làm đàn tính để phục vụ biểu diễn, ông còn làm cả những chiếc đàn tính nhỏ xinh phục vụ nhu cầu khách du lịch khi đến Bình Liêu. Về cây đàn tính vì sao chỉ có 2 dây, ông kể: Theo truyền thuyết, cây đàn tính của người Tày ở Bình Liêu cũng có 3 dây như những vùng khác, nhưng vì tình bằng hữu với người Kinh nên người Tày đã cắt đôi quả bầu, phần đầu cho người Kinh kèm theo dây mẹ. Từ đó, tính tẩu còn lại 2 dây và đàn bầu của người Kinh có 1 dây... Câu chuyện thú vị thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em, sự gắn kết của người kinh với các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.
Ngoài tham gia các cuộc thi đàn Tính, hát Then ở Hà Nội và các tỉnh ông còn được các CLB, trung tâm văn hóa của Lạng Sơn, Thái Nguyên về dạy cho con em họ. Ông kể có chị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên còn cất công đến nhà ông tìm hiểu và đặt làm những cây đàn tính hai dây.
Ông bảo: “Có thu nhập từ tiền bán đàn cũng vui, nhưng vui hơn là có nhiều người biết đến cây đàn tính và làn điệu hát Then của người Tày Bình Liêu. Hạnh phúc của tuổi già là được truyền dạy để con, cháu nhớ về câu hát cha ông”.
Say sưa kể và hát, rồi ông mở tủ lục tìm những bài Then đã sưu tầm, sáng tác, những tập giấy ngả vàng, những dòng chữ Việt xiêu vẹo, có cả những trang nét chữ học trò ngay ngắn do đứa cháu chép hộ. Những câu Then đầy tình tứ, cảm xúc, véo von của trai, gái Tày như hòa quện với núi rừng biên giới Bình Liêu, với tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn: “Bản em có dòng sông trong mát/ Ruộng bậc thang xanh ngát lúa tươi/ Núi cao thấp cây tương xanh tốt/ Dồn lại để đẹp nốt Bình Liêu…”.
Cả đời đam mê gìn giữ và sáng tạo, nghệ nhân Lương Thiêm Phú được các cấp quản lí tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng Bằng khen và công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Trước đó, vào năm 2014, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân dân giann