Người "giữ lửa" hát Then ở Bình Liêu
Văn hóa - Thể thao 17/07/2019 08:30
Nhiều năm qua, bằng tình yêu và sự đam mê với những làn điệu then mà ông Hoàng Thiêm Thành, thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn, không những sưu tập những bài hát then cổ, sáng tác những bài hát then mới mà ông còn truyền dạy những bài hát then cho các em nhỏ, người yêu then ở thôn bản mình…
Ở Bình Liêu có nhiều dân tộc, nhưng có lẽ người Tày có nhiều nét đặc sắc hơn cả về tín ngưỡng và hình thức sinh hoạt văn hóa. Ở thôn Khau Pưởng, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên trách văn hóa, cũng như sự nhiệt tình sưu tầm và truyền dạy của các nghệ nhân, điệu hát then vẫn vang lên đều đặn bên những nếp nhà.
Nghệ nhân Hoàng Thiêm Thành (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ then Bình Liêu. |
Chúng tôi dừng chân tại nhà nghệ nhân Hoàng Thiêm Thành, người nổi tiếng với bộ sưu tập rất nhiều câu hát then cổ. Ở mảnh vườn nhỏ sau nhà, bà Lê Thị Phương (vợ ông Thành) đang chăm sóc những cây bầu - một loại quả để làm đàn tính. Mời chúng tôi vào nhà, bên li nước vối, bà Phương kể sự tích câu hát then. Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai nghèo không lấy được vợ. Một hôm ra suối nhìn xuống nước, thấy khuôn mặt mình già nua, chàng lấy làm buồn phiền và ao ước có cây đàn tâm giao những lúc cô đơn. Chàng lên xin trời ban cho hạt quả bầu và giống cây dâu để nuôi tằm. Khi có quả bầu nậm, có tơ tằm, chàng trai chế tác ra cây đàn tính.
Ở Bình Liêu khác với các nơi khác là các nghệ nhân hát then đều có những cây đàn tính, nhưng chỉ có hai dây. Dây thứ nhất đại diện cho tiếng lòng, dây thứ hai đại diện cho trái tim. Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng then và đặc biệt là văn bản lời hát then. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến cải bởi phương thức truyền miệng, nhưng về cơ bản, diễn xướng then trong đó có lời hát then vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đối với thầy then đã chứng tỏ rằng then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày.
Sinh ra và lớn lên ở “cái nôi” của then, từ nhỏ ông Thành được mẹ ru những câu hát then để ngủ. Lớn khôn nhờ dòng sữa mẹ và những lời then êm dịu ngọt ngào, ông Thành đã yêu lại càng yêu then hơn. Năm lên 9 tuổi, ông Thành thường được theo mẹ, các chị cho đi xem hát then ở bản hay các thôn khác trong xã. Năm 22 tuổi, ông Thành tham gia đội văn nghệ của thôn bản, được giao lưu văn nghệ quần chúng và hội diễn văn nghệ của huyện tổ chức. Nhưng sau đó, vì chiến tranh, phong trào văn nghệ đi xuống, chính vì vậy mà hát then không phát triển. Ông Thành tâm sự: “Nhận thấy hát then dần bị lãng quên, tôi bàn với các nghệ nhân trong vùng, xin ý kiến của lãnh đạo xã cho mở một CLB hát then để gìn giữ giá trị văn hóa của người Tày. Năm 2012, tôi tham gia mở lớp hát then đàn tính do xã Lục Hồn tổ chức và sau đó, tôi cũng tham gia mở lớp tại các xã Hà Lâu, Đìn Xã, Phong Dụ của Tiên Yên với hơn 30 học viên. Tôi còn đi đến những nơi có những bài then cổ ở trong huyện hay ở Thái Nguyên, Cao Bằng… sưu tập, học để truyền dạy cho lớp trẻ”.
Trải qua hơn nửa đời người hát then và dạy hát then, đến nay, dù đã bước vào tuổi 78 nhưng ông Thành vẫn có khả năng ghi nhớ, thực hiện được tất cả các làn điệu, nghi lễ, nghi thức trong lĩnh vực then và thường xuyên biểu diễn khi cộng đồng dân cư có nhu cầu.
Với những cố gắng và lòng nhiệt huyết về văn hóa của đồng bào mình, năm 2015, ông Thành được công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Năm 2016 ông được tặng Bằng khen vì có công bảo tồn và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian của UBND tỉnh. Được biết, hát then của Bình Liêu đã được công nhận là Di sản phi vật thể của Quốc gia.