Bão đến
Truyện ngắn 25/11/2024 09:57
- Chào anh giáo Tuấn! Tôi vẫn còn phải tranh thủ làm đây, không thì không kịp. Mới tuần trước cơn bão nhỏ thế mà hai giàn đỗ ván tím đang kì cho hoa, rồi thì cả đến nửa sào cà chua đương lúc nhúc quả non cũng te tua, nát bấy hết cả. Giờ đài dự báo cơn bão chuẩn bị đổ bộ này còn mạnh hơn gấp mấy lần cơn bão trước. Chẳng biết rồi sẽ như thế nào. Ông Hai Khánh thở dài thườn thượt, cặp mắt buồn rầu, giọng lại như than:
- Bão bùng với chả mưa gió! Biết là không thể khác được, thế nhưng mỗi lần nó đến nó đi là mình khổ trăm bề anh giáo ạ. Tôi đây 70 năm cuộc đời rồi. Có biết bao nhiêu là cơn bão mình đã từng chứng kiến. Bão to, bão nhỏ gì cũng khổ cả! Ông Hai Khánh chép miệng, khẽ lắc lắc cái đầu. Rồi ông lại nghển cổ lên nhìn trời, nơi những đám mây sầm sì như những khuôn mặt giận dữ đương bắt đầu tụ họp, xô đẩy, quấn lấy nhau thành chùm đen kịt. Ngước lên nói với Tuấn dăm ba câu, ông lại cúi xuống thoăn thoắt chặt cây, che chắn hàng rào trước cổng nhà mình. Nhìn dáng người hàng xóm nhỏ thó, gầy gò, kham khổ lòng Tuấn đầy thương cảm.
Minh họa Lão Trần |
Ông Hai Khánh vốn nghèo, đã thế lại lấy vợ muộn. Tuổi trẻ cứ rong ruổi nay làm thuê chỗ này mai lại chỗ khác, thành ra chẳng nghĩ tới chuyện vợ con. Xấp xỉ tuổi ngũ tuần, ông mới nghĩ đến chuyện lấy vợ, sinh con. Những tưởng sẽ chẳng ai dám lấy vì cái số nghèo, nhưng rồi tình duyên cũng đến với ông. Người chấp nhận làm vợ ông cũng cùng chung hoàn cảnh, cũng nghèo rớt mồng tơi, thuộc vào hàng gái ế, không nhan sắc cũng chẳng hoạt bát, nhanh nhẹn. Cô Hai Tâm, vợ ông Hai Khánh khi đó đã ngoài 30 tuổi. Hai người như rổ rá cạp lại, họ chung sống và có với nhau hai đứa con gái. Vợ chồng bảo ban nhau làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu. Cứ thế, con cái lớn dần, ăn học, cưới chồng, ông Khánh với vợ lại như đôi vợ chồng son. Có chăng là trên hai mái đầu đã lấm tấm pha sương; trên trán, hai khóe mắt càng hằn ngang hằn dọc những vết chân chim. Đã thế, vợ chồng ông còn gánh thêm cả việc chăm sóc mấy đứa cháu cho con gái, con rể đi làm ăn xa. Bà Hai Tâm đầu tắt mặt tối với mấy con gà, con heo rồi thì thêm nấu rượu, nhưng vốn liếng, lãi lời cũng chẳng ăn thua. Khi thì rượu hỏng, khi gà dịch bệnh, khi heo mất giá. Cuộc sống quẩn quanh, lặp lại, cái khó bó lấy cái khôn. Ông Hai Khánh thì hằng ngày quanh quẩn với mấy sào ruộng, hơn sào đất vườn, vừa lo gạo ăn cho gia đình, vừa kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp vợ.
Sau vài mẩu chuyện về mưa bão với người hàng xóm, anh Tuấn trở về, đi dọc hàng rào nhà mình kiểm tra lại. Bốn cây xoan vừa nhú chồi non được anh trồng cách đây ít bữa đã được rào chắn xung quanh để bảo vệ. Hàng sả trồng dọc bờ rào đã cắt tỉa đám lá lòa xòa. Giàn mướp hương cuối mùa còn sót lại vài bông hoa bé tí, vàng tươi lặng lẽ, còn 5, 6 quả đã đến lúc thu hoạch. Tuấn bước tới đứng trước cổng ngõ, ngó lên giàn sử quân tử trên sân xanh mướt còn lác đác mấy chùm hoa xen kẽ trắng, hồng phớt, đỏ đang lủng lẳng, đung đưa theo cơn gió quẫn. Anh lại đưa mắt nhìn về khóm nhài li ti mấy búp nõn trắng tinh nép mình ở góc vườn, bên ngoài ô cửa sổ. Bão mới qua được hơn một tuần, cỏ cây, hoa lá vừa kịp hồi sức, nay lại phải gồng mình chống chọi với cơn bão mới. Nghĩ mà buồn. Từ phía cuối hành lang bên hông nhà, tiếng mấy con chó con rên rỉ vì đói sữa khiến Tuấn giật mình:
- Chết! Mình phải che chắn lại cái nhà cho mẹ con Bu Bu (tên con chó mẹ mà con gái anh đã đặt cho từ khi mua nó ở chợ huyện về). Không thì… Nói rồi, anh rảo bước thật nhanh.
Vợ chồng anh Tuấn mua miếng đất, cất nhà mới đến nay cũng đã được hai năm. Ngôi nhà mái bằng anh chị góp công góp sức chắt chiu từ đồng lương hạn hẹp của mình sau gần chục năm dạy học mới có. Cuộc sống của gia đình anh Tuấn đến nay cũng gọi tạm ổn, khá hơn so với một số gia đình trong xóm.
- Ba ơi ba, chuẩn bị có bão lớn, trên đường đi học về, con thấy nhà nào cũng chặt hạ các nhánh cây trước nhà. Bích, con gái lớn của anh Tuấn vừa về đến nhà, giọng đã lảnh lót, rành rọt những điều mắt thấy tai nghe.
- Ừ con. Bão lần này mạnh hơn lần trước rất nhiều! Nhà mình không có cây cối lớn nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn sàng chống bão. Anh Tuấn lấy mấy sợi dây thép, loay hoay cột lại mái tôn nơi phơi đồ trên sân thượng cho chắc chắn.
- Đợt bão này, ti vi nói sẽ có mưa to và lụt trên diện rộng. Nhà mình cũng đỡ, chứ các nhà ở vùng Nhơn Hòa, Nhơn Hạnh, Nhơn An, Tuy Phước,… vừa mưa vừa gió lớn thế này chắc sẽ bị thiệt hại nhiều lắm. Cầu cho cơn bão đến rồi đi nhanh cho người dân được nhờ! Chị Thi, vợ anh Tuấn vừa mới đi chợ về, tay xách lỉnh kỉnh đủ thứ đồ: Thức ăn, rau củ, rồi mì gói, nến đèn... Chị tiếp câu chuyện chồng và con gái cũng bằng những nỗi lo lắng hằn trên khuôn mặt đăm chiêu.
- Ba ơi ba, ba sang nhà bà Tư Lụa nhanh lên ba! Giọng bé Ngân, con gái thứ hai của anh Tuấn vội vàng từ ngõ chạy vào.
- Có chuyện gì thế con?
- Bà Tư muốn đưa mấy bao cát lên che mái nhà nhưng không biết làm tế nào ba ạ. Bà chẳng dám nhờ ai vì sợ phiền. Bà Tư tội lắm. Ba sang giúp bà ấy đi ba!
- Ừ! Để ba đi.
- Cảm ơn anh giáo Tuấn! Bà Tư hấp háy đôi mắt già nua ở cái tuổi đã gần 80, lưng còng, tay chẳng thể rời chiếc gậy tre, cố nở nụ cười móm mém của mình nói lời cảm ơn anh Tuấn. Ngôi nhà mái ngói hai gian của bà đã cũ rích, tường rêu xanh xám, khoang vện hết. Ngôi nhà vốn dĩ đã nằm trong diện được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hồi giữa năm nay, nhưng bà Tư một mực từ chối.
Bà bảo bà già rồi, nhà cửa tu bổ làm gì cho tốn tiền. Bà cầm số tiền được hỗ trợ lên phường, xin được trả lại. Bà còn bảo với mấy cán bộ phường hãy dành số tiền đó để giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn bà. Dù có thuyết phục thế nào, bà cũng từ chối. Mọi người nghe chuyện của bà, người đồng tình, người bảo bà dại. Lâu dần, cũng chẳng ai nhắc đến nữa.
- Anh giáo Tuấn ơi! Vợ chồng tôi cho anh chị quả bí nấu canh!
- Ôi chú! Sao chú không để dành mà bán, cứ đem cho mãi, nhà cháu không dám nhận nữa đâu.
- Ôi, cây nhà lá vườn, có đáng là bao. Anh chị giúp chúng tôi nhiều. Nào mua giúp cây vối chẳng lấy tiền, nào thì quà cáp, nào thức ăn, chúng tôi chẳng biết lấy gì trả ơn, anh giáo nhận đi, nay mai bão về, có cái mà nấu canh.
- Dạ. Thế cháu cảm ơn cô chú nhiều!
Đài, ti vi rồi thì loa phường từ sáng sớm đã thông báo liên tục về cơn bão với cường độ mạnh chưa từng có sẽ đổ bộ vào đất liền vào 4 giờ chiều nay. 12 giờ trưa, trời đã tối sầm, mây giăng mù mịt, gió bắt đầu nổi lên dữ dội, nhà nhà, người người, ai nấy tất tả mua sắm những đồ dùng cần thiết cho gia đình mình. Quán tạp hóa nhà ông bà Mười từ sáng tới giờ nhộn nhịp bước chân người qua lại, họ gặp nhau, bàn chuyện cơn bão với đủ cung bậc cảm xúc. Mưa bắt đầu nặng hạt, mưa quất chằng chịt khi thẳng khi xiên, sợi to sợi nhỏ, sợi nhặt sợi thưa, ai nấy nhìn nhau trước khi ra về. Họ còn dặn với nhau nhớ đóng cửa cẩn thận, nhớ che chắn bầy gà, đàn heo, nhớ…
Đường vắng tanh, mưa càng nặng hạt, gió càng dữ dội. Trời tối mịt, tiếng gió rít, tiếng mái tôn kêu, tiếng lá cây, tiếng mưa,… hòa lẫn vào nhau tạo nên thứ thanh âm kinh sợ. Anh Tuấn đóng khóa cánh cửa cổng rồi bước vội vào nhà. Hai cánh cửa nhà anh cũng từ từ khép lại. Bão tới rồi, cầu cho tất cả mọi người, mọi nhà đều được bình an!