Anh hai sữa
Truyện ngắn 04/11/2024 10:17
Hai mẹ nói với anh ấy rằng: “Tính tình của con bất thường là do em ấy đang trong giai đoạn ở tuổi dậy thì!”
Phụ nữ thường dậy thì trước đàn ông, nên khi con đã có thân hình của một thiếu nữ, thì anh ấy vẫn chỉ là một cậu bé ngô nghê. Anh ấy luôn tin theo lời của những người lớn trong nhà.
Con không thể nào quên được cái lần thấy tháng đầu tiên. Hôm ấy hai anh em đang ngồi bên nhau học bài như mọi lần. Đột nhiên con thấy bụng đau dữ dội, rồi buồn nôn, chóng mặt, tê lạnh chân tay, toàn thân mồ hôi túa ra, đũng quần ướt.
Con vội nói với anh: “Em mệt quá, em đi ngủ trước đây”.
Con vội rời bàn học, vào buồng thay quần rồi đi nằm. Thấy con đi ngủ mà bỏ mặc đống sách vở. Anh đã sắp xếp lại cho gọn gàng cái bàn học, như mọi khi anh soạn cả sách vở cho ngày đi học hôm sau hộ con.
Đang ôm bụng, thiu thiu ngủ, con choàng tỉnh khi bất chợt nghe thấy anh hốt hoảng la to: “Mẹ ơi! Máu! Em Nhím bị bệnh gì mà bị chảy máu nhiều lắm!”
Lúc hai mẹ có mặt, anh chỉ vào vệt máu còn vương dính trên mặt ghế: “Đây này!”
Minh họa Lão Trần |
Mẹ Nga vội vào với con. Còn mẹ Ngân lấy khăn ra lau ghế. Vừa làm mẹ vừa giải thích cho anh Hà khỏi lo: “Không sao đâu, bệnh hằng tháng của phụ nữ ấy mà! Phụ nữ đến tuổi dậy thì ai mà chẳng bị bệnh này! - Dậy thì là gì hở mẹ? - Là chuẩn bị thành người lớn ấy! - Thế bao giờ con mới đến tuổi đó? - Cũng sắp rồi, giai đoạn ấy của người đàn ông sẽ được gọi là trổ mã! - Thế lúc trổ mã con sẽ bị mắc bệnh gì? - Con sẽ vỡ giọng! Tiếng nói sẽ bị khàn khàn trong một thời gian! - Con biết rồi, giống như tiếng gáy của con gà trống choai chứ gì! - Mặt của con sẽ mọc đầy mụn trứng cá! - Con còn bị gì nữa không hở mẹ? - Những việc khác con hỏi ông ngoại ấy. Từ từ rồi ông sẽ nói cho con biết tất cả!”
Thưa ba!
Con đã rất bực khi lần đầu tiên nghe thấy ông anh hai sữa dám gọi mình bằng cái tên: Giặc bên Ngô!
Con còn nhớ lần đầu tiên khi nghe người lớn trong nhà, gọi con bằng cái tên này. Anh ấy đã gào lên phản đối, cho rằng với con cái tên Nhím là hay hơn tất cả!
Anh ấy cho rằng nó hay vì cả cái xóm chúng ta đang sống, không có một đứa nhỏ nào được mang cái tên như con! Tên hay, cũng vì nó rất đặc biệt đối với anh ấy! Anh ấy thường nói: “Chỉ thấy bình yên khi có con ở bên cạnh!”
Phải chăng do tại là người đàn ông duy nhất trong nhà, nên anh được mọi người cưng chiều hết mức!? Vì được cưng chiều nên anh đã không biết làm nhiều thứ đơn giản và trở thành kẻ ngố trong cuộc sống. Trong khi đó con được coi là giỏi giang về mọi mặt, luôn phải chỉ dẫn mỗi khi anh lúng túng trong sinh hoạt hằng ngày!
Bây giờ, anh lại chứng tỏ cái ngố của mình bằng một loạt câu hỏi mang tính ganh tị:
“Tại sao con là anh lại bé hơn em?”
“Thì em Nhím đang ở tuổi dậy thì mà!”
“Chúng con sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm! Con lại có mặt trong cuộc đời này trước em những mấy giờ! Không thể nào em ấy lại chóng lớn hơn con được!”
Khi được hai mẹ giải thích:
“Cùng tuổi, nhưng con gái thường dậy thì trước con trai!”
Không bằng lòng với câu trả lời, anh lại đi hỏi rất nhiều người những câu linh tinh khác.
Con đã rất buồn khi biết sự thực: Chúng con không phải là hai anh em song sinh!
Con biết điều này trước anh từ rất lâu! Nhưng con giấu kín trong lòng mình một thời gian rất dài, không thổ lộ cùng anh?
Đến khi nghe anh hỏi: “Em biết sự thật ấy từ lúc nào?”
Và anh cũng không giấu nổi vẻ kinh ngạc, nghe từ con câu trả lời:
“Từ ngày giỗ của hai bố! Từ họ của hai anh em mình trong các giấy tờ đi học! Từ nỗi buồn của hai mẹ…”
Nhưng điều cơ bản nhất con lại cố tình không nói: “Và còn từ linh cảm của người phụ nữ ở trong em nữa!”
Lúc trổ mã hoàn chỉnh, anh ấy lại càng ngố hơn khi quan tâm nhiều đến con, đến những thứ lặt vặt khác của riêng giới phụ nữ. Anh hay lộ rõ vẻ lo lắng trước tính khí bất chợt thất thường của con. Luôn cằn nhằn, dặn dò con những chuyện vu vơ, làm cho lũ bạn chọc con hoài: “Sao anh ấy giống như là mẹ chồng của mày vậy?”
Lúc con vào đại học, anh ấy lại tranh với hai mẹ đưa con đi nhập học. Cho dù anh còn lớ ngớ hơn cả con trong việc này!
Lần đâu tiên dạo chơi ở ngoài đảo Cô Tô, con đi chân không trên bờ biển, bị hà cứa chảy máu. Anh đã cởi đôi tất đang đi, bắt con xỏ chân vào. Lúc thấy con nhăn nhó, tập tễnh bước. Không đợi con đồng tình, anh ấy đã cúi xốc con lên lưng cõng, giống như hồi hai đứa còn đi học mẫu giáo. Con ngoan ngoãn gục đầu vào vai anh.
Vậy mà lúc ấy, cũng chẳng hiểu tại sao anh Hà lại hét toáng lên, khi bị con theo thói quen ghé mồm nhay nhay vào bờ vai. Hồi đi mẫu giáo, anh đã nhiều lần bị con cắn như vậy! Nhưng anh không kêu bao giờ, vì sợ hai mẹ nghe thấy, sẽ phạt con.
Nhưng hôm ấy, anh lại bỏ qua sự hiện diện của những người đang ở ngay bên cạnh, hét thật to, át cả tiếng sóng biển, làm lộ hết bí mật về cái tật xấu này của con.
Nhưng cũng đúng phút giây đó, lúc nằm trên lưng anh ấy, con đã cảm nhận được nhịp đập con tim của hai đứa. Bấy giờ tim của bọn con thi nhau đập, chẳng theo một nhịp điệu gì cả!
Mà những người đang bị loạn nhịp tim, làm sao cho ra được những quyết định đúng đắn!?
Rồi khi con đi nước ngoài học tập. Rất nhiều người mừng cho con.
Với riêng con, niềm vui rất ít, còn nỗi lo lại quá nhiều!
Con lo sợ rất nhiều điều vớ vẩn khi thấy anh hỏi: “Khi hoàn thành khóa học, em có tìm cách ở lại luôn bên đó để làm việc? Kiếm cơ hội đổi đời như nhiều người khác vẫn thường làm không?”
Rồi anh ấy lại hỏi:
“Em muốn nhắc nhở anh điều gì trước khi bay thì cứ nói rõ. Không rồi sang đến bên đấy lại phải cặm cụi viết thư dặn dò.”
“Lịch học ngập mặt, có rảnh một chút thì em cũng phải tranh thủ đi chơi cho biết đó, biết đây! Còn anh, tiện thể nghe em dặn đây: Thời gian tới anh phải tập trung vào việc học là chính. Học sao để nhận được học bổng thì học”.
“Anh tuân lệnh! Cần gì em nói hết ra đi”.
“Còn việc yêu đương, nhất định anh phải đợi em về!”
“Sao phải đợi ngày em trở về?”
“Anh phải dẫn cô gái ấy cho em xem mặt trước khi ngỏ lời!”
“Sao em nói bề ngoài không quan trọng”.
“Thì em phải xem cô gái ấy có đủ bản lĩnh, lo cho ông anh sữa ngốc nghếch của tôi trong suốt cuộc đời này không? Và liệu cô ta có đủ sức chịu đựng, đồng thời một lúc tới những hai bà mẹ chồng không? Liệu…”
“ Thôi, anh xin em! Sẽ chẳng có một ai dám đấu hót với bà cô nổi tiếng đành hanh ngay từ thuở lọt lòng này đâu.
“Thế anh có mong ngày em trở lại không?”
“Anh mong ngày gặp lại ngay từ bây giờ!”
Nếu anh trả lời không mong, thì với con đó là điều kinh khủng nhất. Bởi vì con biết, trong cuộc đời này con sẽ không có anh ấy!
Vậy mà lúc đón con trở về ở sân bay, anh lại buột miệng hỏi câu:
“Sao em không tìm cách định cư ở xứ sở Hoa anh đào?”
Thấy con im lặng, anh lại hỏi tiếp một câu dở ẹc:
“Em về nước để làm gì?”
Nghe xong những lời đó, con đã xị mặt không trả lời. Mãi tới khi lên xe, con thì thầm với riêng anh, lúc chỉ có hai đứa:
“Em trở về để xem ông anh hai sữa của mình đỡ ngố chưa”.
Thực ra ngay từ lúc ra nước ngoài du học, con đã có suy nghĩ:
“Bọn con sống xa nhau chắc tốt hơn! Cả hai đứa sẽ có đủ thời gian suy nghĩ về mối quan hệ hiện tại. Sẽ xác định được xem giữa hai đứa là cái gì? Và trách nhiệm của mỗi người với mối quan hệ đó!
Nếu là tình anh em thì con cầu mong một điều: “Bọn con mãi mãi giữ được vẻ tự nhiên như hồi ở lứa tuổi thơ dại!”
Còn nếu nó là tình yêu thì phải yêu hết mình!
Bởi con biết chắc chắn một điều rằng: Tình yêu của chúng con không phải là một mối tình tội lỗi!
Con đã rất muốn nói cùng anh ấy cái câu: “Chúng mình cứ thuận theo tự nhiên đi”.
Hôm cõng con ở Cô Tô, trái tim của chúng con cũng không nằm ngoài quy luật của những kẻ đang yêu. Bởi ngay cả thần thánh, trái tim cũng sẽ đập loạn nhịp khi vướng phải lưới tình. Huống hồ bọn con cũng chỉ là những con người phàm tục.
Thưa ba!
Con viết thư này gửi tới ba để buông bỏ những điều vương vấn bấy lâu nay và với mục đích chính là: Ba sẽ hiểu rõ hơn về anh hai sữa của con. Vì lẽ đó khi xong công việc, con sẽ tìm đến chỗ cây phong ba, để trút bỏ những tâm sự rối rắm này!
Mong sao trong cuộc đời của bọn con sau này, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên hơn.
Con chào ba.
Con Vân.