Xuôi sông Bình Thủy
Văn hóa - Thể thao 05/12/2023 12:57
Sông Bình Thủy (trước đây có tên Rạch Long Tuyền) dài khoảng 12km, rộng 200 - 250m. Từ ngã ba tiếp giáp với sông Hậu đến chợ Rạch Cam, lòng sông tương đối sâu. Càng vào sâu trong đất Bình Thủy sông càng hẹp lại, có đoạn chỉ khoảng 100 - 120m. Tuy vậy, sông Bình Thủy đã gắn chặt với cuộc sống và văn hóa nơi đây. Vấn đề môi trường trên dòng sông này cũng khá ổn định, cư dân sống ở hai bên bờ luôn nỗ lực giữ cho sông Bình Thủy sự sạch sẽ, không ô nhiễm như nhiều dòng sông khác.
Dòng sông - nguồn sống
Là dòng sông đào, sông Bình Thủy từ lâu gắn bó với con người nơi đây. Cần Thơ là đô thị sông nước, riêng quận Bình Thủy hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Những con rạch nhỏ mang nước sông tỏa đi , phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của cư dân.
Hơn 15 năm trước, khi quận Bình Thủy chưa phát triển mạnh, nước sạch còn chưa vào sâu các vùng nông thôn, người dân chủ yếu sống nhờ vào nước sông rạch. Sông Bình Thủy vừa là nguồn cung cấp nước cho người dân tắm gội, giặt giũ, thậm chí lắng cặn để uống; vừa là nguồn thủy sản vô cùng phong phú. Vì lẽ đó nên cư dân ra sức giữ cho dòng sông trong sạch.
Sông Bình Thủy. |
Sông Bình Thủy nhiều tôm, cá và các loại thủy sản khác, là nguồn mưu sinh của nhiều cư dân. Món cá chùi kiếng nướng trứ danh cũng từ dòng sông này mà có. Thủy sản thu được, người dân đem ra những khu chợ hai bên sông như Bình Thủy, Rạch Cam trên đường Bùi Hữu Nghĩa, chợ Cầu Ván trên đường Trần Quang Diệu, chợ Phó Thọ ở khu vực Long Tuyền… Dòng sông đã “đãi ngộ” cho bao thế hệ người dân sống hai bên bờ không chỉ thủy hải sản, nguồn nước phù sa còn bồi vun cho cây trái, ruộng vườn. Những vườn sầu riêng, chôm chôm, nhãn… bên dòng sông này luôn tươi tốt, cho sản lượng khá cao.
Trước đây có rất ít cầu bắc qua sông Bình Thủy, một số điểm vẫn còn bến đò lớn nhỏ đưa khách qua sông rất nguy hiểm. Ngày nay, có nhiều chiếc cầu hiện đại bắc ngang qua sông Bình Thủy, trong đó có những cầu nằm trên trục giao thông chính của TP Cần Thơ. Có thể kể đến cầu Bình Thủy, cầu Bình Thủy 2 (nối trung tâm TP Cần Thơ với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ), cầu Bình Thủy 3 (nối trung tâm TP Cần Thơ với quận Ô Môn) và nhiều cầu nhỏ khác giúp việc di chuyển của người dân dễ dàng hơn rất nhiều.
Nơi lưu giữ những di tích, thắng cảnh
Sông Bình Thủy là một dòng sông đẹp, đồng thời cũng là dòng sông gắn liền với văn hóa của người dân Bình Thủy. Tuy không phải là dòng sông du lịch như sông Cần Thơ, sông Hậu... nhưng ở hai bên bờ lại cất giữ nhiều di tích, thắng cảnh độc đáo. Mỗi di tích, danh thắng đều có bề dày lịch sử, gợi nhắc một thời đã qua hoặc gắn với một câu chuyện huyền thoại kì diệu nào đó. Cùng thử điểm qua một số địa danh:
Chùa Nam Nhã nằm bên bờ cửa sông Bình Thủy, ngôi chùa theo tông phái Minh Sư, thờ Tam giáo: Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử. Chùa do sư Nguyễn Giác Nguyên xây năm 1895. Điểm độc đáo của ngôi chùa này không chỉ là kiến trúc có sự giao thoa giữa Việt Nam và Trung Hoa mà còn là không gian thanh tịnh, yên bình, với những bóng cây cổ thụ quanh năm tỏa bóng u tịch khiến cho lòng người thêm an lạc.
Đình Bình Thủy (Long Tuyền Cổ Miếu) đối diện với chùa Nam Nhã, cũng nằm ngay bên bờ cửa sông. Đình là niềm tự hào của con người Bình Thủy, được xây cất theo lối kiến trúc cổ của người Việt giai đoạn thế kỉ XIX, mang nét đặc trưng của một đình làng cổ vùng sông nước Tây Nam Bộ. Đình có mặt Bắc nhìn ra sông Hậu, mặt Đông nhìn ra sông Bình Thủy, mặt Nam nhìn ra đường Lê Hồng Phong… Đình thờ Thần Thành hoàng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Trực, Võ Huy Tập, Đinh Công Tráng, Phan Bội Châu… và các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất. Hằng năm, vào các ngày nhất định, đình Bình Thủy diễn ra lễ Thượng Điền và Hạ Điền truyền thống.
Nhà cổ Bình Thủy (nhà cổ của dòng họ Dương) là ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1870 theo lối kiến trúc giao thoa Á - Âu. Nét nổi bật của nhà cổ Bình Thủy là màu sắc sặc sỡ của tường vàng, cửa mái vòm xanh, cột sơn màu son và những họa tiết vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo. Trong nhà, toàn bộ gạch lát đều được vận chuyển từ Pháp đến, cất giữ bên trong là những bộ tràng kỉ, bộ ngựa, giường, tủ bằng gỗ và các loại đồ gốm có giá trị cả về kinh tế lẫn văn hóa. Đây từng là bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng tái hiện không gian Nam Bộ xưa như “Những nẻo đường phù sa”, “Người đẹp Tây Đô”, “Nợ đời”… và bộ phim “Người tình” của đạo diễn Pháp Jean Jacques Annaud.
Chùa Long Quang (Long Quang cổ tự) - ngôi chùa cổ có lịch sử gần 200 năm, mang dấu ấn của Thiền phái Lâm Tế, sau đổi sang hệ pháp Bắc Tông. Chùa tọa lạc trên đường Đinh Công Chánh, bên dòng sông Bình Thủy. Bên cạnh chánh điện và những gian thờ khác, khu vực vườn cây xanh với nhiều tiểu cảnh Phật giáo cũng làm nên nét thanh tịnh, trang nghiêm của chùa. Chùa được công nhận là di tích Lịch sử - Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2013.
Với những công trình trên, có thể khẳng định, Bình Thủy là dòng sông chảy xuôi giữa mảnh đất nhiều trầm tích văn hóa, nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bình Thủy. Ngày nay, dòng sông vẫn được cư dân chung tay giữ gìn. Sông Bình Thủy sẽ mãi là hình ảnh vừa thân thương, vừa uy nghiêm trong tâm thức của con người xứ Tây Đô.