Vũ điệu Cơ Tu
Nhịp sống văn hóa 28/03/2020 14:39
Các già làng uy tín như Y Kông (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam); Alăng Cần (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) đều cho hay, người Cơ Tu không có lễ hội “cồng chiêng” như đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, mà chỉ có lễ hội “trống chiêng”, bởi lẽ nhạc cụ chủ đạo cho các lễ hội này là trống và chiêng. Tuy vậy, những tiết tấu, âm thanh “kình koòng” vang dội qua nhiều con khe, thung lũng và cả những ngọn núi cao.
Chúng tôi mục kích “Vũ điệu Cơ Tu” trong lễ hội Tatrai, tổ chức trước nhà Gươl thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang. Theo già làng Y Kông (91 tuổi), trú tại xã Ba cho hay, theo tập quán canh tác, người Cơ Tu làm rẫy là chính. Sau khi phát, đốt, chọc lỗ tra hạt là thời gian tổ chức lễ Tratai nhằm: Ôn lại Lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu nơi đây; Dâng hiến, biết ơn Yàng và các vị thần linh đã che chở cho dân làng trong năm qua được bình an, sức khỏe; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống của dân làng luôn được ấm no, hạnh phúc.
Múa Tung tung - da dá ở thôn Chờ Cớ, xã ATing, huyện Đông Giang (Quảng Nam). |
Trong lễ hội có múa Tung tung -da dá rất nhịp nhàng theo điệu trống, chiêng. Trước sân nhà Gươl, những chàng trai Cơ Tu với nước da màu đồng mắt cua, thắt tấm choàng hình chữ X ngang ngực, tay cầm giáo mác, khiên… múa điệu: “Tung tung” trông rất dũng mãnh hoà quyện với điệu múa da dá của các thiếu nữ Cơ Tu nhịp nhàng, uyển chuyển nhún chân đều theo nhịp trống rất sinh động. Bên cạnh âm thanh, màu sắc các bộ váy của các thiếu nữ Cơ Tu rất đa dạng hoa văn họa tiết. Các màu chủ đạo gồm đen, xanh, trắng; đeo cườm, mã não, vòng bạc… trước ngực lấp lánh theo nhịp nhón chân, trông rất sống động.
Các già làng đang cúng tế thần linh và khấn theo luật tục cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, con nít ăn chơi, người già khoẻ mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc… Già làng vừa dứt lời, chiêng trống lại nổi lên rộn rã, các chàng trai, cô gái Cơ tu nhảy múa quanh trụ Gươl hoà với tiếng hú hò (taroóh, tacóch) vang dội cả một góc rừng Trường Sơn thâm u, bạt ngàn, hoang dã.
Ông BhRiu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho hay, huyện có 90 làng, nhưng từ năm 2016 đến nay chẳng làng nào đâm trâu. Chúng tôi muốn phát triển Tây Giang thành vùng du lịch sinh thái nhưng nếu vẫn bảo tồn nếp cũ thì chắc chắn du khách sẽ e ngại không đến với mình”. Để thuyết phục bà con, huyện Tây Giang mời người dân về dự lễ hội truyền thống theo "kiểu mới". Tại đây, một con trâu được cột vào cây nêu, các hoạt động vẫn diễn ra theo phong tục. Tuy nhiên, khi làm lễ xong, múa tung tung - da dá xong, con trâu được đưa đi nơi khác giết mổ chứ không bị đâm như ngày trước nữa.