Chiếc mâm mây của người Cơ Tu
Đời sống 30/08/2022 09:47
Trò chuyện với chúng tôi, già làng Alăng Phương, 70 tuổi và vợ là bà Briu Thị Mơi, 68 tuổi, ở thôn RaÊ, xã Ating, huyện Đông Giang cho hay, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn hoang dã có nhiều cây mây, tre, nứa, giang, lồ ô…, là nguyên liệu để đan các vật dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt trong gia đình, như các loại gùi (dòng), nong, nia, rổ, giỏ, mủng, thúng, mâm mây….
Già làng Alăng Phương và vợ đang đan mâm mây tại nhà. |
Vừa đan mâm mây, già làng Alăng Phương vừa nói: “Miền Tây Quảng Nam, tùy nơi có nhiều kiểu dáng mâm mây. Riêng mình chỉ đan 2 loại, đó là Apớ la giơ vil (mâm mây tròn) và Apớ la giơ poong (mâm mây dài). Muốn có mâm đẹp và bền, phải mất nhiều công vào tận rừng sâu tìm bứt được những dây mây cám, mây nếp, mây song, mây nước… và tìm những cây lồ ô già, thẳng, không bị kiến đục lỗ đem về làm nguyên liệu để đan. Tùy theo mục đích sử dụng hay độ dài của nguyên liệu để đan những chiếc mâm mây to hay nhỏ cũng như bố trí mức độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp và thẩm mĩ. Mâm mây tròn, làm hết 10 ngày và mâm mây dài làm hết 15 ngày”.
Theo già Alăng Phương, để đan được một chiếc mâm mây đạt yêu cầu, đòi hỏi người đan phải kiên trì, chịu khó, nhất là khâu chọn nguyên liệu. Mây bứt từ rừng về, được chặt ra từng đoạn dài khoảng 4m rồi bó lại, gác trên xà nhà, khi cần mới lấy xuống, đem nhúng nước, chẻ ra. Khi đan, tiếp tục ngâm nước cho sợi mây hay sợi lồ ô dẻo, mềm thì mới dễ đan. Phải khéo léo vót từng sợi nan đồng đều rồi treo trên giàn bếp. Khi đan, lồ ô được lấy xuống vót lại cho thật phẳng phiu, bóng láng, trơn tru. Đế và vành miệng mâm cũng được nức lại kín kẽ và đều đặn, làm nổi lên những gân mây rõ nét và sống động, tinh tế.
Ngoài ra, phần các “chân mâm” và bộ “khung xương” phải dùng cây mây to và cứng cáp, được buộc liên kết với các bộ phận khác rất chắc. Mâm mây có phần đáy và phần thân tách biệt nên khi đan phải thật khéo léo bẻ góc, cũng như tạo hoa văn cho từng phần và đường viền của cả hai loại mâm mây.
Theo già làng Alăng Phương, mâm mây sau khi hoàn thành, được đặt trên giàn bếp để hong khói cho lên màu cánh gián, tạo độ bền, không bị mối mọt hay ẩm mốc. Tuổi thọ của mâm mây tùy thuộc vào chất lượng nguyên liệu, tay nghề của người đan. Nếu người dùng đúng cách thì mâm mây có thể sử dụng được trên 50 năm, thậm chí 80 - 100 năm. Già làng cho biết thêm, thời gian gần đây, gia đình già đã bán được 2 mâm mây tròn, với giá 3 triệu đồng/cái; 1 mâm mây dài 5 triệu đồng cho khách du lịch.
Già làng Y Kông, 92 tuổi, trú thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang cho hay, ngày trước, việc đan một chiếc mâm mây đẹp, bền, chắc… là cách để các chàng trai Cơ Tu thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các cô gái. Thế nhưng, ngày nay, các chàng trai trẻ Cơ Tu không còn mặn mà với nghề đan lát truyền thống của cha ông nữa. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những đồ dùng bằng nhựa hay nhôm cũng là lí do làm cho nghề đan lát dần mai một, nhất là mâm cơm bằng mây mất dần trong đời sống của đồng bào.
Thiết nghĩ, các ban, ngành liên quan cần sớm có những chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo này của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.