Triệu Việt Vương và căn cứ đầm Dạ Trạch
Văn hóa - Thể thao 30/11/2023 14:47
Quân Lương kéo lên bao vây vào một đêm mưa to gió lớn, đánh úp quân ta. Lý Nam Đế phải rút quân vào động Khuất Lão (huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú). Ở đây, Lý Nam Đế bị ốm nên trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến chống quân Lương. Lý Nam Đế tạ thế ngày 20/3 năm Mậu Thìn (13/3/548).
Lễ hội Triệu Việt Vương tưởng nhớ vị vua duy nhất của đất Hưng Yên. |
Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, tù trưởng ở Chu Diên (Hải Hưng cũ), đưa một vạn quân từ miền núi về đồng bằng, tìm cách đánh giặc. Vốn thông thuộc miền sông nước Chu Diên, nơi có đầm Dạ Trạch (ở bãi Màn Trò, tỉnh Hưng Yên), một vùng bùn lầy rộng mênh mông, lau sậy um tùm; ở giữa có bãi đất cao khô ráo; Triệu Quang Phục quyết định lấy nơi đây làm căn cứ đóng quân. Đường vào rất khó khăn, phải dùng thuyền độc mộc, chống sào lướt nhẹ trên đám cỏ nước, theo mấy con lạch nhỏ mới tới được bản doanh.
Những ngày đầu, ông đã nghĩ ngay tới việc tự túc lương thực để kháng chiến lâu dài. Triệu Quang Phục chia quân ra làm nhiều toán: Toán chặt cây làm lán trại, toán đục đẽo thuyền độc mộc; toán bắt cá; toán săn vịt trời để có thực phẩm nuôi quân. Lương thực thiếu, có ngày, ông cùng nghĩa quân phải ăn củ súng, khoai dại, dành thóc gieo mạ… Khi doanh trại ở căn cứ đã xây dựng xong, cũng là lúc tướng giặc Trần Bá Tiên “đánh hơi” thấy, liền đem quân bao vây. Nhìn đầm rộng, lau sậy um tùm, hắn đắc ý nói với tả hữu quân: “Số phận “Căn cứ Dạ Trạch” đã được định liệu. Một vạn miệng ăn chen chúc trong đầm lầy, tất sẽ chết đói. Ta chỉ cần bao vây chặt mà không cần đánh cũng thắng!”.
Trần Bá Tiên cho lập hệ thống đồn binh bao kín khu đầm; cắt đứt liên lạc, tiếp tế của Nhân dân cho nghĩa quân. Song hắn không ngờ, bên trong vòng vây, Triệu Quang Phục điều quân do thám, theo sát hành động của giặc, đồng thời cho đắp bờ, khoanh bãi gieo mạ để làm vụ mùa.
Hơn thế, vị tướng tài còn nhằm khu đất cao ở gần cửa sông Cái để chuẩn bị gieo cấy cho vụ sau. Những công việc sản xuất được làm trong điều kiện thiếu nông cụ và sức kéo. Vì vậy, để làm gương cho binh sĩ, Triệu Quang Phục lúc cầm cày, khi cùng nghĩa quân kéo cày thay trâu. Do đó, sau những thiếu thốn, nghĩa quân có đủ lương thực ăn và còn có thóc để Giành, đủ sức quần nhau với địch lâu dài. Ông thường nói với nghĩa quân: “Thóc lúa quý như mệnh trời. Vì vậy, ta vừa đánh giặc vừa phải thay nhau sản xuất”.
Địch bao vây lâu ngày không thấy nghĩa quân chết đói. Ngược lại, các đồn giặc liên tiếp bị đánh; lương thực bị ta cướp nên chính chúng lâm vào tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng. Địch càng khó khăn, đói khát. Đêm đêm thừa thế quân ta xông ra đánh các đồn…
Năm Canh Ngọ (550), nhà Lương có loạn to, thế giặc suy yếu. Nắm rõ tình hình, từ “Căn cứ đầm Dạ Trạch”, Triệu Quang Phục lệnh cho nghĩa quân xông ra đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch; giết được tướng giặc là Dương Sàn; thu lại kinh đô Long Biên, khôi phục nền độc lập cho đất nước.
Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Dân gian gọi ông là Dạ Trạch Vương.